Tuesday, Dec 21, 06:12 AM

Tín dụng năm 2022 sẽ ở mức nào?

Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ ở mức cao trong tháng cuối năm 2021 nhờ việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng sống chung với Covid-19. Và dư luận cũng rất quan tâm là tín dụng năm 2022 ở mức tăng trưởng nào?

Tín dụng năm 2022 sẽ ở mức nào?
Tín dụng năm 2022 sẽ ở mức nào?

Tín dụng bật tăng mạnh

Theo bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, thống kê tại thời điểm 1/11 cho biết, tháng 10 tín dụng mới chỉ đạt 8,72%. Như vậy có thể thấy chỉ trong vòng 1 tháng qua, tín dụng đã bật tăng ở con số ấn tượng với mức tăng hơn 1,38%. Thực tế, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ ở mức cao trong tháng cuối năm 2021 nhờ việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng sống chung với Covid-19. 

Ngay trong thời điểm tháng 11, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức nới tín dụng cho một số ngân hàng và các ngân hàng cũng cho biết mở rộng danh mục đầu tư và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, đi kèm với đó là cam kết hỗ trợ lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cấp vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên của Chính phủ.

Theo bà Hằng, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản của thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021, với mức giảm khoảng 0,66%/năm. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 của công ty chứng khoán BSC, sự hồi phục mạnh của nền kinh tế sau một thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp hồi phục cầu tín dụng trong quý IV/2021. BSC cho rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế cùng với Ngân hàng Nhà nước vừa nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% trong năm nay là có thể đạt được. Điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Nhu cầu tín dụng 2022   dự báo như thế nào?

Năm 2021 dần khép lại. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là: Điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 theo hướng nào? Nhu cầu tín dụng năm 2022 sẽ ra sao? Theo dự báo của giới chuyên gia, trong năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13%, được hỗ trợ từ việc kiểm soát dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh tăng cao trở lại.

Dự báo về khả năng tăng trưởng tín dụng năm sau, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright đưa ra con số khoảng 13-13,5%. Theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt đổi hướng chính sách nếu áp lực lạm phát gia tăng. Trường hợp lạm phát được kiểm soát, cơ quan quản lý sẽ chưa tăng lãi suất trở lại.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang từng bước bắt nhịp trạng thái thích ứng an toàn với Covid-19 từ đầu quý IV/2021 tại hầu hết các tỉnh, thành; tiêm chủng được đẩy mạnh và kỳ vọng đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vào cuối quý I/2022, nhờ đó tăng trưởng GDP cả năm 2021 dự báo đạt 2%; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,2- 2,4%.

Cũng theo chuyên gia này, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống tổ chức tín dụng. Cụ thể, hiện lãi suất đã ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm; áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn trong điều kiện áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, nợ xấu gia tăng… Tuy nhiên, ngành ngân hàng có thể mở rộng tín dụng có chọn lọc, tăng khoảng 12-13% năm 2021 và 13-14% năm 2022-2023 (bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất); tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã cam kết, đồng thuận.

Riêng về chính sách tiền tệ, TS Lực cho rằng, cần điều hành theo hướng linh hoạt nhưng không hoàn toàn nới lỏng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải phối hợp trong việc thiết kế và thực thi gói hỗ trợ lãi suất; trong kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.

hh35606ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/tin-dung-nam-2022-se-o-muc-nao-5674462.html Copylink