Monday, Nov 20, 09:11 AM

Geleximco hút hơn 1.500 tỷ trái phiếu trước thềm Nghị định mới

Từ đầu năm đến nay Geleximco đã phát hành tổng cộng 39 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.518 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở tháng 6, 7 và 8. Động thái huy động mạnh diễn ra trước thềm Nghị định mới có hiệu lực. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng "tranh thủ" huy động vốn trước khi bị siết chặt.

Geleximco hút hơn 1.500 tỷ trái phiếu trước thềm Nghị định mới
Geleximco hút hơn 1.500 tỷ trái phiếu trước thềm Nghị định mới

Chỉ trong 3 ngày từ 24-26/8/2020, Tập đoàn Geleximco - CTCP đã phát hành tổn cộng 15 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 584 tỷ đồng. Trong đó, giá trị mỗi lô vào khoảng 30-47 tỷ đồng, thời hạn 2 năm.

Cũng theo thống kê trên HNX, từ đầu năm đến nay Geleximco đã phát hành tổng cộng 39 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.518 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở tháng 6, 7 và 8. Động thái huy động mạnh diễn ra trước thềm Nghị định mới có hiệu lực. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng "tranh thủ" huy động vốn trước khi bị siết chặt.

Ghi nhận sang tháng 10/2020, số đợt phát hành trái phiếu thành công là 90, tương ứng giá trị chào bán hơn 9.504 tỷ đồng, thực hiện bởi 20 doanh nghiệp. Nhìn chung, thị trường tiếp tục giảm nhiệt sau Nghị định mới. So với con số phát hành thành công tháng 9/2020, giá trị kỳ này giảm 1.000 tỷ. Đặc biệt, so với tháng 8/2020, giá trị tháng 10 đạt chưa đến 1/6.

Về Geleximco, dù khá kín tiếng, danh mục sở hữu của Geleximco thực tế phủ đầy các mảng tại nhiều thương hiệu tên tuổi trên thương trường. Được biết, Geleximco có tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Đến nay, Geleximco đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành với vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng; tổng tài sản 52.000 tỷ đồng. Hiện, Geleximco hoạt động tại 5 lĩnh vực chính: sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng; bất động sản; thương mại – dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

Chủ tịch Tập đoàn là "đại gia" Vũ Văn Tiền – đồng thời cũng nắm giữ vị trí cao nhất tại nhiều công ty thành viên như Giấy An Hòa, Xi măng Thăng Long… Với mảng tài chính, ông Tiền từng là Chủ tịch Chứng khoán An Bình, đáng chú ý năm 2018 ông Tiền bất ngờ rời ghế Chủ tịch Ngân hàng An Bình (ABBank) để lui về tập trung thực hiện những hoạt động kinh doanh khác.

Trở lại với Geleximco, tại lĩnh vực bất động sản, các dự án Geleximco đầu tư phải kể đến khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza… nổi bật nhất là dự án Khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn có quy mô 135ha chạy dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn tại Hoài Đức.

Năm 2014, đại gia Vũ Văn Tiền được chú ý khi nhắm tới 35% cổ phần Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex). Bước sang năm 2016, ông Tiền tiếp tục thu hút quan tâm khi đề xuất với Bộ GTVT phối hợp với Hong Kong United Investors Holding xây dựng 4 dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam gồm dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa -Hà Tĩnh và Tp.HCM đến Khánh Hòa; Đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Đường sắt cao tốc Bắc Nam và Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,11 triệu tỷ đồng.

Hiện, Geleximco tự giới thiệu đang tăng tỷ trọng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long có tổng mức đầu tư 900 triệu USD, công suất 620MW; Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư 270 triệu USD với công suất 2,3 triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn/năm và Nhà máy Giấy An Hòa có công suất 140.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 450 triệu USD. Ngoài ra, Tập đoàn còn là một trong những cổ đông sáng lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD.

object