Monday, Jun 22, 08:06 AM

Thanh toán không tiền mặt: Vẫn lo rủi ro

Thanh toán không dùng tiền mặt được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và lan tỏa ra nhiều khu vực vốn là “lãnh địa” của tiền mặt như cửa hàng tạp hóa, quán ăn, chợ truyền thống… Nhưng đi kèm với bùng nổ là các rủi ro.

Thanh toán không tiền mặt: Vẫn lo rủi ro
Thanh toán không tiền mặt: Vẫn lo rủi ro
thanh-to225n-kh244ng-tien-mat-van-lo-rui-ro_1.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần phổ biến.

68% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%; khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).

Còn ông Lê Anh Dũng - Vụ phó Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ, với tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 11%, số tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng là một điểm sáng trong lộ trình tiến tới một xã hội không tiền mặt. Hiện nay cứ 100 người trưởng thành thì 68 người có tài khoản ngân hàng, tương đương tỷ lệ 68% và tập trung ở thế hệ trẻ từ 25-34 tuổi. Một số ngân hàng đi đầu tại Việt Nam đã đạt mức độ số hoá cao - gần 90% giao dịch giữa khách hàng và nhà băng được thực hiện qua kênh số. Bên cạnh đó, 90% là con số tăng trưởng hằng năm về giao dịch qua kênh Mobile Banking.

Trong một báo cáo do Công ty Công nghệ thanh toán điện tử Visa công bố, cho thấy sự phát triển ấn tượng của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Cụ thể, có tới 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).

Thực tế tại các ngân hàng cho thấy, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ online tăng mạnh. Ông Lưu Trung Thái - Tổng Giám đốc MB bank cho biết, năm 2021, tại MB đã có trên 93% giao dịch qua chuyển đổi số. Với định hướng trở thành doanh nghiệp (DN) số trong ngành ngân hàng, ngoài thị phần chuyển tiền, giao dịch chuyển tiền của MB luôn đứng thứ nhất. Theo đó, MB ưu tiên chiến lược hành động đồng bộ, quyết liệt, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. MB cũng xử lý thành công về công nghệ để phục vụ 15 triệu khách hàng, đạt tới 99,11%.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Tâm- Phó Tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. Ngay cả vùng nông thôn có yếu tố công nhân, công nghiệp cũng có tới 98%, còn cao hơn đô thị.

Không chỉ các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp liên quan cũng đưa ra những giải pháp để thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Đăng Hùng- Phó Tổng giám đốc NAPAS chia sẻ, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng thương mại phát triển thẻ tín dụng nội địa, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng và tránh xa tín dụng đen.

Lo ngại rủi ro

Thực tế trong thời gian qua, bên cạnh các giải pháp đầu tư về công nghệ, các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi để khuyến khích, thu hút người dùng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên trong bối cảnh 4.0, ngành ngân hàng cũng nhận thức rõ rủi ro an ninh mạng, rủi ro với người dùng là thường trực.

Đại diện MB phân tích, phát triển thanh toán không tiền mặt đi kèm với các thách thức liên quan đến các vấn đề về nhân sự, công nghệ, cạnh tranh. Chẳng hạn, các ngân hàng cần những nhân sự có khả năng tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong thanh toán không dùng tiền mặt, thách thức với người tiêu dùng đó là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, vì đã dùng phương thức này thì nhiều thông tin cá nhân của mình sẽ nắm giữ bởi các đối tác. Vị này cho rằng, các quy định pháp luật cần hoàn chỉnh để “bịt” mọi kẽ hở, làm sao cho quản lý vừa thuận tiện, vừa chặt chẽ từ phía DN và người tiêu dùng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, chúng ta cũng đã phát triển nhiều hình thức khác nhau để vừa giảm thiểu tới mức tối đa thanh toán không dùng tiền mặt nhưng việc bảo mật của chúng ta không theo kịp. Do đó, việc quản lý tài khoản, nâng cao nhận thức của người sử dụng rất quan trọng vì hầu hết các vụ mất tiền thời gian vừa qua có liên đới tới người sử dụng. Ở đó, người sử dụng vô tình hoặc không hiểu biết mà để lộ lọt thông tin sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân trong không dùng tiền mặt càng quan trọng. Cần có sự hỗ trợ của nhà nước với các DN kỹ thuật số, đặc biệt là DN bảo mật kỹ thuật số.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành ngân hàng sẽ tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.

hh43150ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/thanh-toan-khong-tien-mat-van-lo-rui-ro-5689292.html Copylink