Wednesday, Jul 23, 07:07 AM

Thanh tra Chính phủ: Nhiều ngân hàng rót vốn 'quá tay' cho doanh nghiệp

Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều ngân hàng thương mại cho vay quá 15% vốn tự có hay cho vay khi doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý,...

Thanh tra Chính phủ: Nhiều ngân hàng rót vốn 'quá tay' cho doanh nghiệp
Thanh tra Chính phủ: Nhiều ngân hàng rót vốn 'quá tay' cho doanh nghiệp

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017.

Theo đó, TTCP đã thanh tra với hàng loạt ngân hàng thương mại và phát hiện một số vi phạm về cho vay tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Qua quá trình thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện, một số nhà băng có tình trạng cho vay tập trung một khách hàng, một dự án thông qua các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định; cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án. Một số doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng không bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đúng quy định...

Sacombank

Theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thông qua kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng 16 khách hàng của Sacombank, TTCP phát hiện, tổng dư nợ của các khách hàng này đến tháng 8/2018 là 15.218 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sacombank cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp này gồm: Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Công ty CP Đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Công Phúc, Công ty CP Hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, Công ty CP Việt Hà, Công ty CP Hiệp Ân.

9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ ba qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Phía ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Khi thanh tra, dự án đang khó khăn về pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.

Sacombank cũng thiếu sót trong thẩm định điều kiện cho vay vốn, như phương án vay vốn không đảm bảo khả thi với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Office 85; Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên, Công ty cổ phần Đồng Tâm. Khả năng tài chính để trả nợ của một số khách hàng, như Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn, Công ty TNHH Vina Alliance, Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, chưa được đảm bảo.

Sacombank còn cho khách hàng là Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp và thế chấp bằng chính phần vốn góp của doanh nghiệp này trong 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

VietABank

Tính tới 31/8/2018, tổng dư nợ của VietABank là 6.510 tỷ đồng, chiếm 17,28% tổng dư nợ cho vay. Ngân hàng này thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án.

Việc thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác, với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư PHD.

Ngoài ra, VietABank chưa phân loại nợ đúng quy định với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland, Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Theo quy định nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 và 5, nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1.

Cũng theo TTCP, VietABank cho 10 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ 4.860 tỷ đồng, theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án. Bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn.

BacABank

Tại BacABank, TTCP phát hiện ngân hàng này cho loạt khách hàng "họ" TH vay, gồm: Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty CP Sữa TH, Công ty CP Phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An, Công ty CP Dược liệu TH...

Ngân hàng cũng thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách hàng chưa đáp ứng điều kiện về khả năng tài chính để trả nợ và phương án dùng vốn khả thi; không có tài sản đảm bảo trong khi tài chính khách hàng khó khăn; chậm trả nợ lãi nhưng không chuyển nợ quá hạn.

Nhà băng này cho vay khi khách hàng không đủ khả năng trả nợ, xác định kỳ hạn trả nợ không phù hợp, giải ngân dù dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Văn Thanh
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/thanh-tra-chinh-phu-nhieu-ngan-hang-rot-von-qua-tay-cho-doanh-nghiep-5722821.html Copylink