Wednesday, Nov 22, 07:11 AM

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hoạt động mua gia tăng

Trong bối cảnh hoạt động phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng, thị trường lại chứng kiến hoạt động mua gia tăng trong tháng 10/ 2022, qua đó giúp giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ phải đáo hạn trong năm nay.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hoạt động mua gia tăng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hoạt động mua gia tăng
thi-truong-tr225i-phieu-doanh-nghiep-hoat-dong-mua-gia-tang_1.jpg
Hoạt động mua trái phiếu gia tăng trong tháng 10. Ảnh: Quang Vinh.

Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 10/2022 vừa được FiinRatings (đơn vị hàng đầu chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích tài chính) công bố, cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản là tâm điểm của thị trường hiện nay. Cũng tại báo cáo này, FiinRatings nhận định 2 ngành bất động sản và tổ chức tín dụng đang gặp những yếu tố bất lợi bao gồm môi trường lãi suất tăng cao, những yêu cầu mới của Nghị định 65 làm cho cầu về trái phiếu suy giảm và sự “quay đầu” của nhà đầu tư đối với trái phiếu sau những sự vụ vi phạm trên thị trường trái phiếu gần đây.

Trong bối cảnh hoạt động phát hành mới gần như đóng băng, việc gia tăng mua lại trái phiếu đã làm cho dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 10, với giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5,81 và 10,23 nghìn tỷ đồng.

Theo FiinRatings, phần lớn khối lượng trái phiếu mua lại thuộc về các tổ chức tín dụng với tổng giá trị đạt 3,09 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,27% tổng giá trị mua lại của tháng 10. Tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản với giá trị mua lại đạt 2,23 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,77% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn.

Việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng với hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư đã góp phần giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại tại thời điểm hiện nay.

Bên cạnh việc mua lại trái phiếu, thị trường còn chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành. Một số phương án phổ biến đã được FiinRatings ghi nhận bao gồm một hoặc kết hợp một số các hình thức như: gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới; chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới; chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản.

Nhóm chuyên gia của FiinRatings đánh giá đây là một dấu hiệu khá tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay của thị trường bởi biện pháp này giúp giải quyết vấn đề áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước làn sóng yêu cầu tất toán trước hạn của trái chủ. Mức lãi suất mới trong nhiều giao dịch gần đây cũng đã phản ảnh xu hướng lãi suất tăng cao trong thời gian qua (dao động ở mức 12-13%, tức cao hơn 4-5% so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn).

“Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng là chất lượng tín dụng hay khả năng trả nợ của tổ chức phát hành cần phải được xác định cụ thể, trong đó lưu ý tới những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn” – nhóm chuyên gia của FiinRatings nêu ý kiến.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường TPDN trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Trong quá trình phát triển, thị trường đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, các cơ quan quản lý và Bộ Tài chính đã theo sát diễn biến thị trường để hoàn thiện chính sách. Theo đó, khung pháp lý về chào bán và giao dịch TPDN đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành đầy đủ từ cấp Luật, Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cũng đánh giá sự phát triển nhanh của thị trường TPDN cũng đã xuất hiện một số tồn tại như: có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế, một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ, một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của TPDN, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, hiện tượng các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN phát hành riêng lẻ. Trước thực trạng này, từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã thường xuyên thông tin về thị trường TPDN, ban hành 17 thông cáo báo chí, trong đó đã có các cảnh báo đến các doanh nghiệp phát hành, các chủ thể tham gia thị trường và nhà đầu tư cá nhân về các rủi ro cần lưu ý khi đầu tư TPDN.

H.Hương
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-hoat-dong-mua-gia-tang-5702767.html Copylink