Sunday, Dec 21, 06:12 AM

Thưởng Tết: Khó đột phá

Thời điểm này, nhiều đơn vị đang rốt ráo kế hoạch thưởng Tết Nhâm Dần 2022 cho người lao động, nhưng cũng không ít đơn vị đau đầu sau một năm khó khăn do đại dịch Covid-19. Giới chuyên gia nhận định, tiền thưởng Tết năm nay sẽ cao ở các lĩnh vực “...

Thưởng Tết: Khó đột phá
Thưởng Tết: Khó đột phá

Chứng khoán soán ngôi ngân hàng?

Ngành tài chính dịch vụ như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thưởng Tết trong nhiều năm trước đây. Ngành ngân hàng luôn dẫn đầu về tiền thưởng Tết trong nhiều năm qua, nhưng năm nay chứng khoán dự kiến sẽ soán ngôi.

Theo công bố báo cáo chiến lược tháng 12 của Trung tâm phân tích và đầu tư SSI Research, các mảng hoạt động chính của ngành ngân hàng sẽ có sự hồi phục tốt so với quý năm III/2021 sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với nền tảng so sánh cao của quý IV/2020, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của ngành ở mức thấp do áp lực dự phòng ngành này vẫn còn tương đối lớn và quy mô dư nợ tái cơ cấu tăng lên.

Đáng chú ý, về ngành chứng khoán, theo thống kê của MBS cho biết trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế của 31/35 công ty chứng khoán (vốn hóa chiếm 96,1% trong ngành) dự kiến sẽ tăng 27% so với năm ngoái.

Về thị trường bảo hiểm, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 170.837 tỷ đồng, tăng 15.68% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 47.245 tỷ đồng, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2020 và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 123.592 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2020. Dự tính cả năm, ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt.

Với tình hình kinh doanh nhìn chung tích cực, thưởng Tết của ngành tài chính ngân hàng năm nay sẽ được trông đợi nhiều hơn. Với ngành chứng khoán, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, ngoài lương tháng 13 như thường lệ, công ty đã trình kế hoạch thưởng Tết là 2 tháng lương cho toàn bộ nhân viên và đang chờ phía chủ quản thông qua. Đây có lẽ là năm đầu tiên sau gần chục năm qua công ty này vui mừng gia tăng thưởng Tết cho nhân viên vì lợi nhuận đạt và vượt gấp hơn 4 lần kế hoạch.

“Nhiều năm trước, công ty luôn gặp khó khăn, đa số là hòa hoặc bị thua lỗ thì năm nay đến giữa năm đã về đích kế hoạch đề ra. Một phần do kế hoạch năm trước không cao nên chỉ tiêu năm nay không tăng nhiều. Nhưng quan trọng là thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 tăng cao vượt mọi dự đoán. Thanh khoản của thị trường luôn duy trì ở mức trên 2.000 - 3.000 tỷ đồng/phiên đã mang lại doanh thu môi giới rất cao cho các công ty chứng khoán”, ông Tuấn thông tin.

Với ngành ngân hàng, không chờ tới Tết Nguyên đán, mới đây một ngân hàng ở TP HCM vừa công bố mức thưởng Tết dương lịch năm 2022 là 30 triệu đồng cho mỗi nhân viên.

Tuy nhiên đây là mức thưởng trung bình bởi vì tùy vị trí công tác, với vị trí lãnh đạo hoặc cấp trung thì mức thưởng này có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3. Riêng thưởng Tết Nguyên đán năm 2022, theo dự báo mức thưởng có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Cùng với đó là lĩnh vực bất động sản. Những năm trước ngành bất động sản luôn là một trong những ngành dẫn đầu trong thứ hạng thưởng Tết. Tuy nhiên, do năm nay vào đầu năm thị trường bất động sản có phần trầm lắng nên dự báo mức thưởng Tết cũng vì vậy mà thấp hơn các năm trước. Dẫu vậy mức thưởng Tết của bất động sản vẫn ở top đầu.

thuong-tet-kh243-dot-ph225_1.jpeg
Ngành dệt may vẫn duy trì được thưởng Tết cho công nhân.

Có thưởng vẫn còn may

Với khối dệt may da giày, từ đầu tháng 10, Việt Nam thay đổi chính sách “Không Covid” sang thích ứng an toàn với dịch. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động, kết hợp một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... mở cửa, giúp ngành tăng trưởng trở lại.

Mức tăng trưởng cao trong quý IV giúp ngành về đích với mức xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tương đương năm 2019. Tỷ lệ người lao động trở lại các nhà máy làm việc đạt hơn 90% và các doanh nghiệp lớn đều đạt, vượt kế hoạch. Xuất khẩu toàn ngành cán mốc 39 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ 2020. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lãi tăng gấp đôi năm ngoái.

Làm việc tại một công ty may tại Bình Thạnh,TP HCM hơn 5 năm nay, theo chị Loan chưa bao giờ chứng kiến doanh nghiệp khó khăn đến vậy khi hồi tháng 7 phải đóng cửa một tháng, sau đó hoạt động cầm chừng với nửa số lao động theo mô hình “3 tại chỗ”. Giai đoạn đó, chị từng nghĩ năm nay sẽ không có thưởng Tết.

“Quản đốc vừa thông báo năm nay được thưởng Tết một tháng lương”, chị cho biết. Mức thưởng này thấp hơn mọi năm nhưng với chị Loan năm nay có thưởng là may mắn rồi.

Ở Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TNG (Thái Nguyên) cho biết: Mỗi người lao động nhận 1,5-2 tháng, tương đương 13-15 triệu đồng. So với mặt bằng chung trong ngành, ông đánh giá “khá hơn nhiều nơi”. Năm nay TNG ước đạt mức lãi khoảng 230 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm nên mức thưởng vẫn được duy trì khá để tạo hứng khởi cho nhân viên.

Với Vinatex, theo Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu có sự phân hóa giữa mức thưởng của doanh nghiệp dệt may phía Nam, Bắc và Trung trong tập đoàn. Tại TP HCM và một số tỉnh, thành lân cận chịu nhiều thiệt hại bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp cố gắng thưởng tối thiểu một tháng lương cho người lao động. Đơn vị nào làm ăn tốt, lấy lại đơn hàng nhiều trong quý IV thì thưởng 1,5-2 tháng lương.

Mức thưởng tại miền Bắc cao hơn, bình quân là 1,5-2 tháng lương. “Cá biệt, có doanh nghiệp làm ăn tốt thưởng tới 3 tháng lương cho người lao động. Đây là cố gắng lớn của các doanh nghiệp, đảm bảo lương, thưởng cho công nhân trong lúc khó khăn này”, ông nói.

Còn tại Tổng công ty May 10, lãnh đạo cho biết năm nay thưởng Tết vẫn giữ ổn định như trước khi có dịch Covid-19 là 1,5 tháng lương, tương đương 11 triệu đồng.

Các chuyên gia nhận định bức tranh tổng thể thưởng Tết năm 2022 khó có đột biến ở các doanh nghiệp dệt may, da giày, nhất là ở phía Nam do chịu ảnh hưởng từ đợt giãn cách xã hội kéo dài trong quý III/2021.

Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP HCM, mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay cao nhất ở TP HCM là hơn 1 tỷ đồng/người, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở lĩnh vực cơ điện lạnh. Tiền thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu bình quân 8,8 triệu đồng/người, giảm 12% so với năm ngoái. Đây là con số đáng mừng bởi lương thưởng Tết là hy vọng của tất cả lao động sau 1 năm đầy khó khăn do dịch bệnh kéo dài.

Mong được người lao động chia sẻ

Trong khi một số ngành, lĩnh vực vẫn giữ được “phong độ” thưởng Tết thì có không ít đơn vị gặp khó khăn. Du lịch là một trong những ngành chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Dù ngành du lịch đang khởi động lại với thị trường nội địa và bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa phương, song hoạt động của các đơn vị còn rất nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Trong bối cảnh việc mở cửa và hồi phục của du lịch còn chậm, Công ty Kiwi chỉ duy trì khoảng 30% nhân sự ở bộ phận văn phòng, riêng đội ngũ hướng dẫn viên đã phải tự xoay xở chuyển sang những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng hơn như bất động sản, bảo hiểm...

Một cái Tết chắc hẳn không trọn vẹn nhưng lãnh đạo Công ty Kiwi cho biết sẽ có những phần quà và một khoản tiền nhỏ nhằm sẻ chia khó khăn với nhân viên.

Còn theo ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi (TP HCM), nếu như năm 2020, doanh nghiệp du lịch còn hoạt động được vài tháng thì sang năm 2021 đã giẫm chân tại chỗ. 12 tháng qua, đơn vị chỉ thực sự hoạt động và có khách trong khoảng 2 tháng.

Nhân sự cắt giảm dần rồi giảm lương, khi không thể gồng nổi trong nhiều tháng giãn cách thì cho người lao động tạm nghỉ. Có thể nói, muôn vàn khó khăn bủa vây người lao động lẫn doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Trinh, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food cho biết: “Mặc dù năm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết năm 2022 như mọi năm, tương đương với 2 tháng lương (khoảng hơn 10 triệu đồng) cùng nhiều phần quà khác, để giúp người lao động yên tâm làm việc và đón một cái Tết ấm áp sau một năm chịu nhiều áp lực vì dịch bệnh.

Ông Hoàng Văn Tuân, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện chưa có báo cáo về việc thưởng Tết của các đơn vị trực thuộc Công đoàn ngành Công thương tỉnh. Nhưng qua tìm hiểu, các doanh nghiệp may ở trên địa bàn đều có thưởng Tết cho người lao động.

Ông Tuân nêu thực tế, như Công ty Cổ phần May Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đang nợ bảo hiểm xã hội nhưng cũng khẳng định sẽ có thưởng Tết cho người lao động.

“Mức thưởng Tết thấp nhất ở các doanh nghiệp may trên địa bàn mà chúng tôi nắm được cũng sẽ bằng 1 tháng lương cơ bản” - ông Hoàng Văn Tuân, cho hay.

Công ty cổ phần phát triển may mặc miền Trung (đóng tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng có kế hoạch thưởng tháng 13 cho công nhân. Hiện công ty này có khoảng 400 công nhân, mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng…

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Nhập khẩu và phân phối American Care cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua sắm trong lĩnh vực ô tô giảm mạnh, doanh thu công ty bị sụt giảm. Thời điểm này, ông Kiên cho biết, doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể, nhưng dự kiến vẫn có thưởng.

“Chúng tôi vẫn sẽ thưởng để khích lệ tinh thần người lao động, dù công ty mới thành lập nhưng nhân sự làm việc đều là những người có từ 10-20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, do đó doanh nghiệp vẫn sẽ có mức thưởng Tết theo đúng quy định”, ông Kiên nói.

Chia sẻ với người lao động, ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng Nhân sự công ty Trà Cozy, giống như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đơn vị này cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

“Khu vực miền Nam là thị trường lớn của công ty, nhưng khi dịch căng thẳng, các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16, lượng hàng hóa tiêu thụ giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Tuy nhiên lượng hàng xuất khẩu vẫn duy trì tốt dù việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm này, ban giám đốc công ty dự kiến vẫn giữ nguyên tháng lương thứ 13 thưởng Tết cho người lao động, ngoài ra việc thưởng thêm cho các công ty thành viên sẽ dựa vào kết quả kinh doanh cụ thể. Mức thưởng không tăng nhưng cũng không giảm, vẫn giữ ổn định so với năm ngoái’, ông Lê Tuấn Anh nói.

Nói về mức thưởng Tết năm nay, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, thời điểm này rất khó để đưa ra nhận định về dự kiến mức thưởng Tết so với các năm trước.

Song đánh giá chung dựa vào tình hình sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay, ông Vũ Quang Thành cho rằng, người lao động cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp, mục tiêu trước mắt cần cùng với doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giữ được việc làm bền vững.

thuong-tet-kh243-dot-ph225_2.jpeg

Ông Vũ Việt Dũng, Chủ tịch KeyPerson: Theo kết quả khảo sát gần đây của ông trên một diễn đàn ngành tài chính ngân hàng, gần 70% người được hỏi đều dự đoán tình hình thưởng Tết ngành ngân hàng năm nay dự kiến sẽ giảm so với mọi năm và như vậy mọi người cũng sẽ không bất ngờ nếu năm nay bị giảm thưởng, đó là một tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Tình hình thưởng Tết năm nay cũng sẽ có chiều hướng giảm so với các năm trước, do các ngân hàng cũng sẽ thận trọng hơn trong phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh.

Mức thưởng trung bình có thể bao gồm các khoản: thưởng tháng lương thứ 13, thưởng Tết âm lịch từ 1-4 tháng lương... tùy từng đơn vị. Các doanh nghiệp có thể sẽ chia thưởng thành nhiều đợt trong năm nhằm phân tán rủi ro, cũng như phần nào hạn chế việc cán bộ nhân viên nghỉ việc sau khi nhận thưởng một lần.

thuong-tet-kh243-dot-ph225_3.jpeg

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH): Mức thưởng Tết bằng lương tháng thứ 13 không được pháp luật quy định, tức khoản tiền này là không bắt buộc trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đã có thỏa thuận về mức lương này và ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp sẽ buộc phải chi trả.

Trong bối cảnh như hiện nay, nhiều ngành nghề có thể sẽ không có thưởng Tết, song đây cũng là khó khăn chung mà người lao động và doanh nghiệp nên cùng chia sẻ để phục hồi sản xuất sau dịch.

h36782nh-nh36782n-36782-ho36782i-d36782ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/thuong-tet-kho-dot-pha-5676326.html Copylink