Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
“Số ca mắc Covid-19 vẫn tăng nhưng độ bao phủ vaccine đã ngày càng mở rộng, sẽ nhanh chóng tạo thành miễn dịch cộng đồng. Vì thế, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ quay trở lại hoạt động, kinh doanh, sản xuất một cách tích cực hơn” - ông Nguyễn Văn Th...
PV: Thưa ông, ngay khi dịch Covid-19 lây lan từ đầu năm 2020, Chính phủ đã rất nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ nền kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, theo ông, đâu là nguyên nhân?
Ông Nguyễn Văn Thân: Trong đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, khi số lượng các DN này chiếm trên 98% tổng số DN cả nước. Vì thế, các DN nhỏ và vừa cần nhất sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để vực dậy trước khó khăn của đại dịch. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân khách quan là các điều kiện để hưởng hỗ trợ vẫn quá “tầm với” của không ít DN nhỏ và vừa. Một số cơ quan nhà nước chưa định nghĩa hết được năng lực của DN Việt Nam, nên đã đưa ra điều kiện khó thực thi khi xây dựng chính sách hỗ trợ.
Chẳng hạn chính sách miễn, giảm thuế là đối với thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, nhưng nhiều DN nhỏ và vừa trong năm 2020 không thua lỗ đã là may mắn, nên doanh thu rất ít ỏi. Thành ra chính sách rất thiết thực nhưng mức độ tận hưởng đến DN lại chưa nhiều.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động có liên quan đến bảo hiểm xã hội cũng ít đem lại tác động, do các DN nhỏ và vừa từ trước đến nay vẫn hạn chế trong việc đóng bảo hiểm xã hội…
Dù vậy, nguyên nhân chủ quan từ DN vẫn chiếm phần nhiều. Bởi các DN nhỏ và vừa thường không có sổ sách kế toán bài bản, nên khó chứng minh về thu nhập, thiệt hại. Vì thế, không những khó hưởng thụ chính sách hỗ trợ mà còn tự làm khó mình khi đi vay vốn tại ngân hàng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP tình hình đăng ký kinh doanh của DN trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét. Tính bình quân một tháng có 13,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ông dự báo như thế nào trong năm 2022?
- Việt Nam đã và đang thích ứng trong “trạng thái bình thường mới”, số lượng ca mắc Covid-19 vẫn có, nhưng độ bao phủ vaccine đã ngày càng mở rộng, sẽ nhanh chóng tạo thành miễn dịch cộng đồng. Vì thế, các DN chắc chắc sẽ quay trở lại hoạt động, kinh doanh, sản xuất một cách tích cực hơn.
Không phải tôi quá lạc quan trước khó khăn của dịch bệnh, nhưng đây là xuất phát từ đặc thù của khối DN nhỏ và vừa. Các DN này có sự hoạt động rất uyển chuyển, có thể chuyển ngành chuyển nghề rất nhanh, lại hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nên nếu ngành này khó khăn, đóng cửa thì họ sẽ nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực khác.
Vì thế, Việt Nam có số lượng lớn DN nhỏ và vừa, cộng thêm khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sẽ tạo nên đà phục hồi nhanh chóng. Qua đó tạo sự ổn định cho kinh tế, an sinh xã hội, trong khi nếu một DN lớn “vỡ trận” thì nền kinh tế ngay lâp tức sẽ chao đảo.
Theo ông, có nên ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ và vực dậy những DN quay trở lại hoạt động?
- Nói về chính sách đặc thù theo tôi là không cần thiết, các nghị định, nghị quyết cùng các văn bản của các bộ, ngàn, và từ Quốc hội đến Chính phủ đã quá đủ rồi.
Vấn đề tiếp theo cần quan tâm hơn cả chính là khâu thực thi. Cơ quan trung ương ban hành quyết định đúng đắn, nhưng cơ quan thực thi, các địa phương lại “đẻ” thêm thủ tục khiến chính sách hỗ trợ chưa tìm đúng “địa chỉ”.
Ngoài ra, các điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ nên được giảm xuống, lãi suất cũng phải giảm xuống, có thể thông qua chính sách hỗ trợ cấp bù lãi suất mà Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội. Chính sách đầu tư công nên dành khoảng 30% cho DN nhỏ và vừa cùng tham gia như DN lớn, để kích thích và gia tăng nguồn lực.
Đặc biệt, một chính sách hỗ trợ DN quan trọng và xuyên suốt lâu nay là việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Các cơ quan quản lý nên tiếp tục cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trực tuyến các thủ tục liên quan đến thuế phí, xuất nhập khẩu… sẽ tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động. Công nghệ cũng phải đi trước, đón đầu những thành tựu của thế giới để giúp DN số hóa, cải thiện năng suất lao động.
Trân trọng cảm ơn ông!