Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 120/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10 - 50% so với quy đ...
Trong số những khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy định trước đó có lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đại diện sở hữu công nghiệp...
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn giảm 30 loại phí, lệ phí từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2021 để tháo gỡ khó khăn cho nhiều đối tượng, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Còn nhìn chung từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó có thể kể đến Nghị quyết 116/NQ-CP hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị định 92/2021 về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng; Sửa Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19...
Năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam, nhất là khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 chính thức bùng phát (ngày 27/4). Do sự lây lan quá mạnh của biến thể Delta, nên buộc phải thực hiện nhiều biện pháp hạn chế, nhiều địa phương trong cả nước phải giãn cách xã hội mức độ cao, hàng loạt doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất. Kể cả những doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” thì cũng lâm vào tình thế khó khăn. Chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy khiến người lao động cũng như doanh nghiệp phải đối đầu với vô vàn thách thức.
Kể từ ngày 11/10, giãn cách xã hội được nới rộng với chủ trương mở cửa, sống chung với Covid-19, các lĩnh vực cuộc sống dần trở lại bình thường khi thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch. Song, thời gian “ngủ đông” quá dài nên không thể một sớm một chiều các hoạt động sản xuất khôi phục lại ngay. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn về vốn. Tết Nguyên đán đã đến gần, nhưng thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp cho biết thưởng Tết năm nay là cả một vấn đề, khi mà doanh thu thấp.
Chính vì thế, việc có thêm những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết. Một trong những chính sách thiết thực chính là thuế (bao gồm cả phí, lệ phí). Nhiều năm tích lũy, sức chống chịu của nền kinh tế đất nước đã nâng lên, nhưng 2 năm đối mặt với Covid-19 là thời gian quá dài, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, từ đó người lao động cũng phải gánh chịu hậu quả.
Việc ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước hết là để khôi phục sản xuất, sau đó cũng là có thêm điều kiện để doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với những chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho tới địa phương thì việc phòng, chống dịch là vô cùng quan trọng. Vì cho dù có được hỗ trợ nhiều đi chăng nữa nhưng nếu để dịch bùng phát trên diện rộng, kéo dài thì chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ lại rơi vào tình thế khó khăn. Vươn dậy sản xuất, kinh doanh phải đi cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, sự phối hợp đồng bộ, hài hòa các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cũng như sự tuân thủ chung trong chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh.
Chỉ có như thế chúng ta mới có thể sớm vượt qua dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh một cách vững chắc.