Vốn để cứu hàng không
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu của các hãng hàng không sụt giảm nặng nề. Doanh thu sụt giảm thời gian dài khiến cân đối dòng tiền của các hãng bay bị phá vỡ. Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã ...
Theo khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, quan điểm của NHNN là hết sức hỗ trợ để giúp ngành hàng không có thể phục hồi sớm nhất có thể.
Tìm cách tháo gỡ khó khăn
Tại thời điểm này, nhu cầu cấp thiết của các hãng hàng không là được vay vốn ưu đãi lãi suất. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã tái cấp vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay; VNA và các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ và thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.
“Không chỉ VNA, ngành ngân hàng cũng đã làm việc với các hãng hàng không khác để tìm cách tháo gỡ khó khăn, bởi việc phục hồi hàng không là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là một số hãng còn non trẻ, mới “ra đời” đã gặp bão. Quan điểm của NHNN là hết sức hỗ trợ để giúp ngành hàng không có thể phục hồi sớm nhất có thể”, Phó Thống đốc cho biết.
Trước đó trong cuộc họp giữa ngành ngân hàng với các hãng bay, Phó Thống đốc NHNN cũng đã chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục bám sát tình hình, lắng nghe các kiến nghị của DN để kịp thời có các điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và đảm bảo an toàn hệ thống. Ông Tú khẳng định, hàng không là lĩnh vực đặc biệt liên quan tới an toàn bay, tới an ninh quốc gia… Do đó, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tạo điều kiện cho các hãng vay vốn ngân hàng. Ông Tú đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên. Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 mà diễn biến còn khó khăn, thì sẽ tiếp tục điều chỉnh các thông tư để hỗ trợ tiếp.
Theo phản ánh từ các hãng hàng không, ảnh hưởng của dịch Covid -19 khiến doanh thu các hãng hàng không sụt giảm nặng nề, trong khi các hãng bay đã phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80-90%. Đơn cử, Vietjet Air mỗi tháng phải trangtrải 3 tỷ tiền lương và 80 tỷ tiền thuê máy bay, trả lãi vay ngân hàng, thanh toán cho các dịch vụ đầu vào cố định, duy tu, bảo dưỡng máy bay,… Doanh thu sụt giảm thời gian dài khiến cân đối tượng tiền bị phá vỡ. Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng VNA 20.000 tỷ đồng).
Nhu cầu tín dụng đang rất lớn
Các hãng hàng không cũng cho biết, nhu cầu tín dụng để trang trải các khoản nợ rất lớn. Chẳng hạn VNA cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền. Hãng hàng không Vietjet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với VNA và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian 3 - 4 năm. Hãng hàng không Bamboo Airways đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với VNA và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất, điều kiện ưu đãi…
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các tổ chức tín dụng (TCTD) là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, sẵn sàng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp.
Theo ông Đào Minh Tú, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục bám sát tình hình, lắng nghe các kiến nghị của DN để kịp thời có các điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và đảm bảo an toàn hệ thống.
Ở góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, nên có những điều kiện ràng buộc khi hỗ trợ VNA và các hãng bay khác. Các hãng phải cắt giảm những khoản chi không cần thiết bán bớt tài sản, thanh lý dự án, thoái vốn công ty con không đóng vai trò tiên quyết, phải tự làm sạch một số khoản mục về tài chính. Ngoài ra, các hãng bay cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động và có những kế hoạch đón đầu sự hồi phục.