CEO Lamita nói về cú sốc phải đóng cửa toàn bộ 65 phòng tập: Bài học đắt giá là trông đợi vào vốn đầu tư!
"Nếu Linh không kỳ vọng vào vốn đầu tư mà dựa vào sức mình, làm đâu chắc đó như 7 năm trước thì có lẽ đã không để xảy ra điều đáng tiếc. Bởi thực tế, đến thời điểm trước khi quyết định gọi vốn thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam thì Lamita đang hoạt động tốt, có thị trường riêng và đã chứng minh được hiệu quả và nhượng quyền được ở hơn 10 tỉnh thành", CEO Lamita trải lòng.
Giữa năm 2019, Lamita là cái tên chuỗi phòng tập Zumba sáng giá được Shark Liên và Shark Hưng cam kết rót vốn 10 tỷ đồng trên Shark Tank Việt Nam.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết dương lịch 2021, Lamita lại là cái tên startup đầu tiên trong năm đăng đàn thông báo đóng cửa toàn hệ thống 65 phòng tập.
"Việc Lamita phải đóng cửa có một phần không nhỏ lỗi từ cá nhân Linh", Vũ Thị Thùy Linh - nữ CEO giàu năng lượng của Lamita - tâm sự.
Đừng trông đợi vào vốn đầu tư
Đồ họa: Bảo Bảo.
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm từ case Lamita để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể rút ra bài học cho mình, Linh cho biết một trong những lỗi lớn nhất của mình là không lường trước được rủi ro của việc mở rộng hệ thống nên khi gặp dịch bệnh đã để mất khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh.
"Một bài học nữa cũng rất đắt giá, đó là về việc trông đợi vào vốn đầu tư", Linh ngậm ngùi.
Trước khi quyết định gọi vốn trên Shark Tank VN, Lamita đang hoạt động tốt, có thị trường riêng và đã chứng minh được hiệu quả
"Nếu Linh không kỳ vọng vào vốn đầu tư mà dựa vào sức mình, làm đâu chắc đó như 7 năm trước thì có lẽ đã không để xảy ra điều đáng tiếc. Bởi thực tế, đến thời điểm trước khi quyết định gọi vốn thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam thì Lamita đang hoạt động tốt, có thị trường riêng và đã chứng minh được hiệu quả và nhượng quyền được ở hơn 10 tỉnh thành".
Ở thời điểm gọi vốn, Linh đặt mục tiêu mở rộng hệ thống phòng tập offline và và phát triển phòng tập offline cũng như các sản phẩm online, với mong muốn có sự tăng trưởng mạnh để chiếm lĩnh thị trường vì có nhiều yếu tố thuận lợi, đồng thời muốn nhà đầu tư thấy rằng đây là quyết định đúng đắn.
"Tuy nhiên, sau đó những thuận lợi đó lại thành không thuận lợi, tạo ra gánh nặng lớn hơn cho hệ thống", Linh chia sẻ.
Tháng 8/2019, Shark Tank Việt Nam mùa 2 với show gọi vốn của Lamita công chiếu. Theo đó, Lamita nhận được "gật đầu" của Shark Liên và Shark Hưng với vốn rót cam kết 10 tỷ đồng trong chương trình.
"Trong thời gian chờ đợi vốn rót của Shark Liên, Linh đã huy động thêm vốn của các cổ đông để mở rộng hệ thống, đồng thời ra mắt mô hình nhượng quyền mới, quy mô trên toàn quốc. Bởi vậy, nếu như thời điểm Shark Liên đồng ý rót vốn Lamita được định giá 35 tỷ đồng (quy mô 20 phòng tập) thì 6 tháng sau (tức là vào tháng 11/2019), đơn vị này có 50 phòng tập", Linh chia sẻ.
"Việc thẩm định dự án để nhận vốn đầu tư kết thúc vào đầu tháng 11/2019. Tuy nhiên, thời điểm đó Shark Liên gặp khó khăn nên việc rót vốn bị trì hoãn nhiều lần. Do không thể chờ được nên Lamita từ chối Shark Liên để làm việc với một quỹ khác".
Ôm gánh nặng khi chưa nhận được vốn rót nhưng vẫn buộc phải giữ các chỉ số tăng trưởng
Tháng 12/2019, Linh làm việc với một quỹ đầu tư trong nước và bước vào quá trình thẩm định lại từ đầu. Đến tháng 2/2020 việc thẩm định hoàn tất và với 65 điểm tập, Lamita được định giá 100 tỷ đồng. Nhà đầu tư cũng cam kết rót 30 tỷ cho 30% cổ phần.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, vào đầu tháng 3, dịch Covid-19 xuất hiện và khó khăn với Lamita cũng lần lượt ập đến. Trong khi đó, tuy chưa nhận được tiền rót vốn từ quỹ đầu tư nhưng những chỉ số tăng trưởng đã cam kết với quỹ, Linh vẫn phải giữ nguyên.
Covid-19 xuất hiện, tuy chưa nhận được tiền rót vốn từ quỹ đầu tư nhưng những chỉ số tăng trưởng đã cam kết với quỹ, Linh vẫn phải giữ nguyên
Sau khi có yêu cầu giãn cách từ cơ quan quản lý do dịch, cổ đông Lamita đã họp và đi đến quyết định vẫn giữ nguyên quy mô, hệ thống, lương nhân sự vì nghĩ rằng dịch sẽ sớm kết thúc. Trong bối cảnh doanh thu bằng 0, các chi phí mặt bằng, nhân sự vẫn phải trả, còn nhà đầu tư chưa rót vốn như cam kết nên Lamita bắt đầu gặp khó khăn.
Đến tháng 5/2020, hết thời gian giãn cách, Lamita mở cửa hệ thống trở lại nhưng trong tình trạng cầm chừng và bắt đầu thấm đòn dịch. Khi đó, Linh kết nối lại với quỹ đầu tư nhưng họ lại tiếp tục trì hoãn đến ngày 31/7. Tuy nhiên, đến 25/7, dịch đợt 2 lại bùng ở Đà Nẵng nên nhà đầu tư một lần nữa hoãn vô thời hạn.
Ngày 15/8, cổ đông Lamita họp và đi đến kết luận tạm dừng hoạt động do dịch, đồng thời 2 tuần sau mở cửa lại hoạt động với chiến lược thu gọn, tinh giản nhân sự và tái cấu trúc một lần nữa toàn bộ hệ thống. Khi đó, Lamita bắt đầu nợ lương nhân sự.
"Từ 65 điểm tập với khoảng 200 nhân sự, Lamita thu hẹp còn 16 điểm tập. Suốt 3 tháng nay, ban điều hành Lamita cũng cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh tốt lên sẽ trả nợ cho các nhà thầu và nhân viên".
"Tuy nhiên, gần đây, tình hình dịch bệnh khiến công ty chưa phục hồi được kinh doanh nên mất cân đối dòng tiền, nợ lương... dẫn đến quyết định đóng cửa vào ngày 4/1 vừa qua", Linh tâm sự.
Linh cho biết Lamita là thanh xuân, là đứa con tinh thần nên Linh mong muốn có nhà đầu tư hỗ trợ để Lamita được sống, đi tiếp hành trình mang lại giá trị tinh thần tích cực cho nhiều chị em phụ nữ hơn vì hiện nay Linh mới TẠM dừng hoạt động.
"Và khi bắt tay làm lại, Lamita dự định thu gọn phòng tập, triển khai sản phẩm online. Hiện học liệu phòng tập online mà mình chuẩn bị từ nhiều năm đã khá đầy đủ và có thể triển khai ngay".
"Mình mong một ngày Lamita sẽ xuất hiện trở lại với một diện mạo mới!", Linh chia sẻ.