Friday, Apr 21, 09:04 AM

CFO Lazada Việt Nam: Để phát triển bền vững, hãy nghĩ về những gì chúng ta có thể đóng góp cho nền kinh tế

Sau một thời gian dài làm việc và cống hiến, sẽ có những lúc bạn cảm thấy mình bắt đầu chậm lại và không còn tràn trề năng lượng – đó là lúc bạn nên kiếm tìm một ngã rẽ mới với những thử thách và cơ hội mới.

CFO Lazada Việt Nam: Để phát triển bền vững, hãy nghĩ về những gì chúng ta có thể đóng góp cho nền kinh tế
CFO Lazada Việt Nam: Để phát triển bền vững, hãy nghĩ về những gì chúng ta có thể đóng góp cho nền kinh tế

Từ ước mơ làm nhà văn đến CFO của nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam

Lớn lên từ một làng chài nhỏ gần thành phố Huế, ông Đặng Anh Dũng, FCCA (Thành viên của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc), hiện là Giám đốc Tài chính (CFO) của Lazada Việt Nam, một trong những nền tảng hàng đầu trong ngành thương mại điện tử phát triển như vũ bão.

Từng chia sẻ về ước mơ thuở nhỏ được trở thành nhà văn, hoặc phóng viên, nhưng sau khi học xong cấp 3, ông lại rẽ hướng sang ngành kinh tế. Sau một năm học tại trường đại học ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ông nhận học bổng du học ngành kinh tế - tài chính tại Sydney, Australia. "Tôi đã rất vui mừng khi hoàn thành khóa học và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ học kế toán nữa", ông chia sẻ. Khi trở về Việt Nam năm 2001, ông được mời vào vị trí Trợ lý trưởng phòng kế toán Unilever.

"Sau khoảng một năm, tôi bắt đầu cảm thấy mình thiếu đi một thứ gì đó. Kế toán chỉ là một phần của bức tranh. Bạn hiểu rõ về lãi lỗ, nhưng bạn không hiểu về quản trị rủi ro, kiểm soát hoặc cân bằng tài chính".

Cùng thời điểm này, Unilever tài trợ cho nhân viên của mình theo học chứng chỉ ACCA (Chứng chỉ Kế toán Công chứng Anh quốc), ông ngay lập tức nắm lấy cơ hội.

"Tôi đã đi khắp nơi và làm kiểm toán tại châu Phi, châu Á, vì thế tôi hiểu chuyện gì xảy ra ở các doanh nghiệp khác nhau. Thường thì mọi người có thể không thích những người làm kiểm toán, nhưng với tôi, công việc đó rất thú vị", ông nói đùa.

18 năm là chặng đường gắn bó dài của ông tại Unilever với nhiều trải nghiệm và kiến thức hữu ích, nhưng ông chưa muốn dừng lại, sâu bên trong ông là động lực thôi thúc tìm kiếm và chinh phục những thử thách mới.

Hai năm trước, ông quyết định gia nhập Lazada Việt Nam, nền tảng thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Alibaba. Lazada có vị trí dẫn đầu trong ngành thương mại điện tử, một lĩnh vực sôi động và không ngừng biến chuyển. Ngành này đem đến nhiều thách thức buộc người tham gia phải thích nghi và học hỏi liên tục, đồng thời tạo môi trường thúc đẩy mọi người vươn lên và ghi dấu ấn cá nhân.

"Trong chúng ta, ai cũng có những ấp ủ của riêng mình. Bạn sẽ muốn biến những ấp ủ đó thành hiện thực ở mức tốt nhất có thể và thông qua đó hy vọng để lại một chút dấu ấn cá nhân!", ông chia sẻ. Và Lazada Việt Nam là môi trường lý tưởng để ông làm điều đó.

CFO Lazada Việt Nam: Để phát triển bền vững, hãy nghĩ về những gì chúng ta có thể đóng góp cho nền kinh tế - Ảnh 1.

COVID-19 tạo ra cú hích cho sự dịch chuyển

COVID-19 là sự kiện bất thường ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới. Nhưng đại dịch này vô tình lại giúp thương mại điện tử có ưu thế vượt trội.

Doanh số bán hàng offline tại các cửa hàng rất chậm, nhiều nơi đã mất đi khách hàng chỉ sau một đêm. Ông Dũng nói rằng những thay đổi của nền kinh tế đã đưa thương mại điện tử lên một tầm cao mới và mọi thứ sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa trong những năm tới.

CFO của Lazada Việt Nam tin rằng, ngay cả khi đại dịch kết thúc, nhiều người vẫn sẽ giữ thói quen mua sắm trực tuyến.

Thực tế Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành Thương mại điện tử, qua đó, thiết thực đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thoát khỏi "vũng lầy" do đại dịch gây ra.

Nhưng con đường không trải đầy hoa

Những điều kể trên không có nghĩa là con đường thương mại điện tử sẽ trải đầy hoa.

Ông Dũng chia sẻ: "Thách thức thì có rất nhiều. Thương mại điện tử ở Việt Nam còn khá mới mẻ, và cần rất nhiều nhân sự tài năng. Vì vậy, nếu muốn xây dựng một đội ngũ phát triển bền vững, bạn phải dành nhiều thời gian đầu tư vào con người, điều đó rất tốn kém".

Ông cũng kỳ vọng vào sự ra đời của nhiều giải pháp thanh toán hơn khi Việt Nam vẫn đang là một quốc gia mà sự phụ thuộc vào tiền mặt vẫn còn lớn.

Bên cạnh đó, logistics cũng là một bài toán cần phải lưu tâm tới. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam vẫn còn chưa thực sự được tối ưu hóa cho logistics. Chỉ cần khai thông được "nút thắt" này, việc giao hàng một cách nhanh chóng đến mọi miền tổ quốc, đặc biệt là khu vực nông thôn, sẽ không còn là vấn đề. Đó là lý do mà ông và các đồng sự tại Lazada Việt Nam luôn dành phần lớn đầu tư vào 2 lĩnh vực trọng điểm là công nghệ và logistics để góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái bền vững cho thương mại điện tử trong dài hạn.

Tương lai của thương mại điện tử sẽ ra sao?

Bất chấp tất cả những điều này, ông vẫn rất hào hứng với triển vọng của ngành thương mại điện tử.

Ông nói rằng: "Bản chất lĩnh vực này rất năng động và đã có nhiều ví dụ về sự thay đổi chỉ trong một sớm một chiều. Vài năm trước, Uber là một tên tuổi lớn ở Việt Nam và giờ đây họ đã không còn nữa. Nhưng thương mại điện tử sẽ tồn tại lâu dài hơn. Với tiềm năng phát triển của ngành này, cả Lazada cũng như các công ty khác trong ngành cần phải suy nghĩ về vai trò của mình trong một môi trường rộng lớn hơn".

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông Dũng đúc kết cho mình những triết lý kinh doanh: "Tôi nghĩ mọi doanh nghiệp nên xác định rõ mục đích dài hạn, không nên chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, nếu không họ sẽ không thể phát triển bền vững. Hãy nghĩ đến vai trò lớn hơn của mình và cách chúng ta có thể đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế cũng như tạo ra nhiều việc làm", Dũng chia sẻ.

h7040a-v7040n-theo-ab
Theo Theo Nhịp sống kinh tế https://cafef.vn/bo-lai-chiec-ghe-quyen-luc-nguoi-dan-ong-tim-kiem-thu-thach-moi-voi-vi-tri-cfo-lazada-viet-nam-20210402083534867.chn Copylink