Chủ tịch ITA Đặng Thị Hoàng Yến chia sẻ bí quyết kinh doanh tại Mỹ: Ai từng thành công trong nước sẽ dễ thắng cuộc, bởi môi trường Việt Nam so ra có rất nhiều thử thách lớn
Những người đã thành công tại Việt Nam từ hai bàn tay trắng, bằng khối óc và mồ hôi nước mắt thì những đối tượng này sẽ thành đạt tại Mỹ. Bởi, Việt Nam là nơi có nhiều thử thách lớn mà hiếm quốc gia nào có được, Chủ tịch ITA Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas) nói.
Mở rộng đầu tư sang Mỹ và kỳ vọng dự án bên này sẽ chắp cánh cho tương lai Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến mới đây tiếp tục có những chia sẻ về bí quyết kinh doanh tại Mỹ với sinh viên Đại học Tân Tạo.
Trong lần gặp gỡ với sinh viên Tân Tạo, nữ Chủ tịch sử dụng danh xưng mới "rất Mỹ" GS-TS Maya Dangelas. Trong việc kinh doanh, bà Yến cũng sử dụng danh xưng này, song song với tên Việt Nam tại BCTC kiểm toán phát hành ngày 31/3/2021. Ghi nhận tại biên bản và nghị quyết ĐHĐCĐ cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch hoàn toàn chỉ xuất hiện dưới tên gọi mới.
Trở lại với chia sẻ về cơ hội đầu tư tại Mỹ, bà Yến nhận định Việt Nam là đất nước có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp cho tất cả mọi người, còn ở Mỹ lại rất hiếm. Tuy nhiên, một khi đã tìm được cơ hội để phát triển thì có thể yên tâm về con đường thênh thang rộng mở tại Mỹ.
Trong đó, những người đã thành công tại Việt Nam từ hai bàn tay trắng, bằng khối óc và mồ hôi nước mắt thì những đối tượng này sẽ thành đạt tại Mỹ. Bởi, Việt Nam là nơi có nhiều thử thách lớn mà hiếm quốc gia nào có được.
"Có một thực tế rằng, người Việt Nam khi sang bên Mỹ luôn co cụm trong cộng đồng của mình, nhưng đó là điều không nên. Bởi vì nước Mỹ rộng lớn là thị trường chúng ta phải nhắm vào, và nếu đã am hiểu thị trường Mỹ rồi thì đó là một thị trường rất dễ nắm bắt", bà Yến nói.
Làm sao để khởi nghiệp ở Mỹ?, vị này đặt vấn đề.
Theo bà Yến, thứ nhất cần tìm hiểu về nền văn hóa tiêu dùng, dân số và hơn nữa là đối tượng mục tiêu. Ở Mỹ, sự phân hóa giàu nghèo không giống như Việt Nam mà rất rõ rệt. Đặc biệt, văn hóa người Mỹ là sẵn sàng thử những cái mới. Khác với người Việt có quán tính chỉ sử dụng dịch vụ hoặc những sản phẩm của quán quen nào đó, bất chấp các sản phẩm mới đang có ưu đãi giá hấp dẫn hơn.
Bà Yến lấy ví dụ, trong mùa dịch Covid-19, rất nhiều cửa hàng ở Mỹ đã mua lại những địa điểm đã từng kinh doanh thất bại để khởi nghiệp. Trong đó, dù cùng khuyến mãi trong thời gian khai trương, tuy nhiên chỉ sau 2 tháng cửa hàng mới đã đông nghịt khách, bất chấp dịch bệnh nhờ chất lượng tốt, giá rẻ và phong thái phục vụ chuyên nghiệp.
Yếu tố thứ hai, địa điểm như thế nào là hiệu quả?
"Sang Mỹ lập nghiệp, nên chọn nơi nào được coi là đất lành chim đậu? Rất nhiều người sẽ dựa theo cảm tính, có người quen, khí hậu tốt,... nên người Việt đổ xô về California vì nơi đó khí hậu đẹp và đông người Việt Nam sinh sống", bà Yến nói. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ bản thân, bà Yến nhấn mạnh nếu muốn khởi nghiệp ở quy mô lớn thì cần chú trọng nơi lập nghiệp, vì nếu mới chọn sai có thể dẫn đến những thất bại đau đớn.
Kể lại câu chuyện của mình, bà Yến cho biết bà sang Mỹ từ 1995 để tìm hiểu và tới năm 2002 chính thức ở đây. Suốt thời gian đó, bà đã đi rất nhiều bang và cuối cùng chọn Texas. Thời gian này, sau khi đầu tư hạ tầng và bất động sản thành công ở Việt Nam và bà bắt đầu mở rộng sang Mỹ.
Tại Texas, lợi thế đầu tiên phải nói đây là tiểu bang sở hữu lượng dân số người Việt sinh sống đứng thứ hai tại Mỹ. Khi bà bắt đầu phát triển khu dân cư đầu tiên, lúc vừa hoàn thiện được cơ sở hạ tầng và bán được 20% thì chính phủ tiểu bang Texas đã cho bà 500.000 USD, tương đương toàn bộ số tiền bà dùng để xây dựng, điện, nước…
"Chưa kể, tất cả những thủ tục về hành chính, giấy phép, duyệt quy hoạch làm rất nhanh", Chủ tịch ITA nhấn mạnh.
Dì vậy, vì nhận định tất cả các tiểu bang đều như nhau nên sau khi thành công các dự án phát triển single-family home (nhà biệt lập cho một gia đình) tại Texas, bà Yến có mở rộng sang California nhưng thất bại. So sánh, cùng một dự án trong khi bên Texas bà đã làm xong và bán hết sạch thì ở California mất 6 năm vẫn chưa xong thủ tục. Nguyên nhân do sự khác biệt về chính sách hai bên: Với Texas, sau khi quy hoạch, được phân lô xong, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư đã được phép ký bán để khách hàng đặt cọc, sau đó dùng số tiền đó để tiếp tục vay vốn làm hạ tầng; còn bên California thì không được phép như thế, chỉ khi làm xong hạ tầng, có giấy phép mới được phép bán.
Cuối cùng, vấn đề đáng quan tâm khác liên quan đến pháp luật, bà Yến khẳng định phải tuân thủ pháp lý và tuyệt đối không lách luật.
Người Mỹ có câu nếu muốn sống bình an ở Mỹ thì trong gia đình phải có bác sĩ gia đình, nha sĩ và người khai thuế. Còn trong kinh doanh, nên có CPA (người khai thuế) để hiểu rõ chính sách thuế, tuyển dụng, lao động, nghĩa vụ thuế, thuế của liên bang, tiểu bang, thuế đóng trợ cấp thất nghiệp... bởi vì vi phạm thuế có thể sạt nghiệp và thậm chí đi tù, bị phạt rất nặng.
"Nếu mang tư duy lách luật sang bên Mỹ sẽ thất bại ngay từ đầu. Vậy nên, khi gặp bất cứ trở ngại nào, phải vận dụng tất cả những gì luật pháp cho phép để làm theo luật bằng trí tuệ, sự sáng tạo và sự hiểu biết của mình", vị này chốt lời.
Về phía bà Yến, hơn 1 thập kỷ dù trên vai trò Chủ tịch HĐQT tuy nhiên luôn vắng mặt họp ĐHĐCĐ thường niên, lý do chung là bận. Lúc bấy giờ, không chỉ tình hình kinh doanh sa sút và thị giá cổ phiếu cũng sụt giảm không phạm, ITA được ví von như nhà không chủ.
Thời gian gần đây, với sự trỗi dậy của toàn ngành, ITA cũng đang cho thấy những tín hiệu khả quan trở lại. Trong đó, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư giữa bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu cũng như lo ngại dịch bệnh đang tạo cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho bất động sản khu công nghiệp nói chung, và ITA nói riêng.
Đặc biệt, sự xuất hiện sau nhiều năm của Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến cũng khiến ITA nhận được sự quan tâm từ phía thị trường. Năm 2021, năm thứ 2 "lộ diện" với cổ đông, bà Yến đã không dùng tên cũ mà xưng hô là Madame. Maya Dangales. Danh xưng này cũng song hành với chiến lược mới của ITA, mở rộng phạm vi hoạt động sang thị trường Mỹ và huy động sự đầu tư từ đối tác ngoại.