Cộng đồng doanh nghiệp "chia lửa" cùng Chính phủ để đẩy lùi dịch Covid-19
Đồng lòng, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh thông qua đóng góp vào Quỹ vắc-xin và các cơ sở vật chất phòng, chống dịch Covid-19, cộng đồng DN Việt Nam tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với đất nước. Đây là chia sẻ của ông Tô Hoài N
Trước cơn "cuồng phong" của dịch Covid-19, sự "chia lửa" của DN với Chính phủ và đất nước rõ ràng đang thể hiện, phát huy mạnh mẽ truyền thống nhân văn, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của DN Việt Nam. Thực tế, ngoài hoạt động kinh doanh, trách nhiệm xã hội là trọng tâm trong chiến lược phát triển của mỗi DN, thể hiện văn hóa và bản lĩnh của DN trong mọi hoàn cảnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, đây thực sự là nghĩa cử cao đẹp chứ không mang tính hình thức. Nhiều DN tham gia đóng góp không tính toán và không đặt nặng báo cáo thành tích, quảng bá thương hiệu mà có hành động mang tính chiều sâu hơn, hướng đến hiệu quả thiết thực, nhất là vì sức khỏe cộng đồng, sự phát triển của đất nước. Thậm chí, ngoài các DN lớn, nhiều DN nhỏ và vừa, dù đang rất khó khăn, vẫn âm thầm đóng góp, chung sức tạo nguồn lực phòng, chống đại dịch với Chính phủ.
Sự đồng lòng ủng hộ chia sẻ của DN cũng cho thấy sự tương hỗ qua lại của DN trước các hoạt động của Chính phủ đối với nền kinh tế. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Từ khi dịch bùng phát, Chính phủ đã lựa chọn khó khăn nhất, đó là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Theo đó, ngoài thúc đẩy, hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, Chính phủ đặc biệt coi trọng và luôn có các biện pháp giãn cách phù hợp, đưa ra các chính sách hỗ trợ DN hoạt động nhằm hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh; chuỗi cung ứng cho cộng đồng DN. Đồng thời, khi dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ luôn dành những ưu tiên phòng, chống dịch cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, người lao động. Chính sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đã củng cố và tạo dựng niềm tin rất lớn cho cộng đồng DN và tăng trách nhiệm, vai trò của DN đối với đất nước. Vì vậy, sự tương hỗ của DN rất logic, phù hợp, không ngừng được vun đắp, phát triển trong thời điểm khó khăn, "nước sôi, lửa bỏng" và trước các biến động của đời sống kinh tế - xã hội.
Nền kinh tế đang trong giai đoạn phải đối diện nhiều thách thức nhất. Với vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, theo ông, cần làm gì để nhân rộng hơn nữa tinh thần vì xã hội của DN?
Mặc dù DN khi thực hiện các hoạt động xã hội đều đặt lợi ích của đất nước, cộng đồng lên hàng đầu, tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nghĩa cử này cần phải được tôn vinh, coi trọng, cần truyền thông nêu gương để nhân rộng trong cộng đồng DN, cũng như để xã hội cổ vũ, ghi nhận. Đặc biệt, các đóng góp của DN cần phải sử dụng tiết kiệm, công khai, minh bạch, hiệu quả để thể hiện sự trân trọng đóng góp đó. Với cách làm này, tôi tin rằng, cộng đồng DN sẽ ngày càng đặt niềm tin lớn và tích cực chung sức với Chính phủ, góp phần cùng đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh; tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói tại Lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng dịch Covid-19. Điều này cũng giúp giảm tải gánh nặng ngân sách cho nhà nước và DN, người lao động yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Được biết, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng đang phát động chương trình chung tay cùng Chính phủ. Xin ông cho biết thông tin cụ thể về sự hưởng ứng của cộng đồng DN?
Ngay sau khi chúng tôi phát động lời kêu gọi các doanh nhân, DN trong và ngoài nước cùng chung tay đóng góp nguồn lực vật chất, tiền mặt và các trang thiết bị y tế để cùng Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19, các hội viên là DN trên toàn quốc đã hưởng rất nhiệt tình, tích cực với nhiều hình thức ủng hộ, với mong muốn được đóng góp kinh phí cho Quỹ vắc-xin và các hiện vật chống dịch khác. Nhiều DN còn chủ động đứng ra tổ chức các chương trình và liên hệ địa phương có dịch hỗ trợ. Ngoài ra, các DN tại nhiều địa phương chủ động liên lạc hỗ trợ, giúp nhau vượt khó khăn do dịch bệnh. Hiệp hội cũng không máy móc trong kêu gọi, không nhất thiết phải thông qua Hội để gây quỹ, mà Hội chỉ là một kênh để tiếp nhận, với tinh thần làm sao để DN tham gia ủng hộ thoải mái nhất, mang lại giá trị, hiệu quả nhất, chứ không nặng về hình thức, báo cáo thành tích.
Xin cảm ơn ông!
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.