'Của để dành' của doanh nghiệp bất động sản nhà ở ra sao trong nửa đầu năm?
'Của để dành' của doanh nghiệp bất động sản nhà ở ra sao trong nửa đầu năm?
Theo thống kê của Người Đồng Hành, trong nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở ghi nhận khoản mục người mua trả tiền trước với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Đây là khoản tiền trả trước hay đặt cọc mua sản phẩm dự án, sẽ được ghi nhận doanh thu khi hoàn thành bàn giao cho khách hàng.
Đơn vị: tỷ đồng
Vinhomes ( HoSE: VHM ) có khoản người mua trả tiền trước lớn nhất, đạt 22.214 tỷ đồng, chiếm 11% tổng nguồn vốn. So với đầu năm, khoản tiền này giảm 18%. Trong năm nay, Vinhomes cho biết tiếp tục ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tại 3 đại dự án là Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội), Vinhomes Grand Park (TP HCM).
Với bất động sản là một trong 3 trụ cột chính bên cạnh xây dựng và đầu tư tài chính, Vinaconex ( HoSE: VCG ) cũng có người mua trả tiền trước hơn 7.452 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Tổng công ty cho biết đang đẩy nhanh công tác bán hàng tại nhiều dự án như Khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC), Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond (93 Láng Hạ, Hà Nội), Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài (Quảng Ninh), Khu đô thị mới Thiên Ân (Quảng Nam)...
Một doanh nghiệp cũng có lượng người mua trả tiền trước gấp gần 4 lần là Phát Đạt ( HoSE: PDR ), ở mức 2.403 tỷ đồng. Công ty đang từng bước ghi nhận kết quả kinh doanh sản phẩm tại Phân khu số 4, số 9 dự án Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), đồng thời triển khai dự án Astral City (Bình Dương)...
Trong nhóm doanh nghiệp có người mua trả tiền trước trên 1.000 tỷ đồng, An Gia ( HoSE: AGG ) cũng là một cái tên đáng chú ý khi đạt giá trị hơn 3.166 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng cao nhất trên tổng nguồn vốn, tương ứng 27%. Một số dự án bất động sản dở dang đang được công ty xây dựng, dự kiến khi hoàn thành bàn giao sẽ đem lại kết quả kinh doanh khả quan như dự án Westgate (Bình Chánh, TP HCM), The Standard (Bình Dương)...
Văn Phú - Invest ( HoSE: VPI ) cũng có lượng người mua trả tiền trước chiếm 21% tổng nguồn vốn, đạt 2.095 tỷ đồng và tăng 22% so với đầu năm. Công ty cho biết đây là khoản khách hàng đặt cọc cho dự án The Terrra - An Hưng (Hà Đông, Hà Nội), sẽ được đưa vào bàn giao, ghi nhận doanh thu, lợi nhuận cho 6 tháng cuối năm.
Một số doanh nghiệp có lượng người mua trả tiền trước/tổng nguồn vốn đạt trên 10% như Nhà Đà Nẵng ( HNX: NDN ), Nam Long ( HoSE: NLG ), DIG Corp ( HoSE: DIC ), Nhà Từ Liêm ( HoSE: NTL ) hay TTC Land ( HoSE: SCR ). Trong đó, Nam Long có hơn 2.730 tỷ đồng người mua trả tiền trước, tăng 30% đầu năm. Công ty đang triển khai và mở bán sản phẩm cùng lúc tại các phân khu dự án Mizuki Park, Akari City (TP HCM) và Waterpoint - giai đoạn 1 (Long An). Còn TTC Land ghi nhận người mua trả trước 1.444 tỷ đồng, tăng 64% so với đầu năm. Công ty cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận và bàn giao 289 căn hộ còn lại của dự án Carillon 7, TP HCM vào nửa cuối năm.
Ở chiều ngược lại, một số công ty đang có người mua trả tiền trước giảm so với đầu năm, như Cen Land ( HoSE: CRE ), Đất Xanh ( HoSE: DXG ), Khang Điền ( HoSE: KDH ), Hải Phát ( HoSE: HPX )... Nửa đầu năm, Đất Xanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 830 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 488 tỷ đồng), hoàn thành 61% kế hoạch năm do ghi nhận đột biến từ bán căn hộ và đất nền.
Nhiều doanh nghiệp có giá trị thấp ở khoản mục này, dưới 100 tỷ đồng và chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng nguồn vốn là Hải Phát, Cen Land và Năm Bảy Bảy ( HoSE: NBB ). Cen Land vốn là doanh nghiệp môi giới bất động sản và mảng đầu tư vào bất động sản thứ cấp chỉ mới chiếm tỷ trọng trên 50% từ năm 2020. Còn Năm Bảy Bảy trong năm 2020 đã bàn giao nhiều dự án như Khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside (TP HCM), Khu biệt thự đồi Thủy Sản (Quảng Ninh), Khu dân cư Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Năm nay, công ty dự kiến mở bán khu dân cư De Lagi (Bình Thuận), hoàn thiện các thủ tục đầu tư Khu căn hộ cao tầng NBB Garden III, NBB II (TP HCM)...