Cựu CEO các hãng gọi xe nước ngoài tại Việt Nam làm gì sau khi rời ‘ghế nóng’?
Sau khi rời 'ghế nóng' các hãng gọi xe, một số cựu CEO đầu quân cho công ty khác, cũng có người tự khởi nghiệp hoặc thành lập quỹ đầu tư riêng.
Nguyễn Tuấn Anh, cựu CEO Grab Việt Nam, cựu Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam
Khi bắt đầu vào thị trường Việt Nam năm 2014, Grab mong muốn tìm một đối tác tin tưởng để mở đường - một người Việt nắm công nghệ, hiểu người dùng, dám mạo hiểm và Nguyễn Tuấn Anh được tìm thấy từ LinkedIn. Ông Tuấn Anh được ví như "công thần", người đặt nền móng cho hoạt động của Grab tại Việt Nam, mở đường cho việc triển khai thành công dịch vụ đặt xe, đặc biệt là GrabBike.
Ông Tuấn Anh cũng là người tiên phong mang đến các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua việc thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Moca. Tuy nhiên, sau 6 năm gắn bó với Grab, CEO sinh năm 1982 này đã nói lời chia tay với công ty vào đầu năm 2020.
Tháng 2 cùng năm, ông Tuấn Anh được bổ nhiệm làm CEO VinID và nghỉ việc vào tháng 1/2021, theo thông tin trên LinkedIn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh từng có 6 năm làm việc ở Grab Việt Nam. Ảnh: NTA
Nguyễn Tuấn Anh tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ông từng là Giám đốc sản phẩm của Yahoo! tại Đông Nam Á và tham gia một số dự án khởi nghiệp công nghệ như Geeky, Metis hay Trường Xưa.
Đặng Việt Dũng, cựu CEO Uber Việt Nam
Khi đang theo học chương trình thạc sỹ tại Trường Kinh doanh Harvard vào năm 2014, Đặng Việt Dũng quyết định tạm dừng và về nước làm CEO Uber Việt Nam.
Sau 3 năm gắn bó, Đặng Việt Dũng rời “ghế nóng” của hãng gọi xe này vào tháng 10/2017. Đây cũng là thời điểm có tin Uber bị Cục thuế TP HCM quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, truy thu gần 67 tỷ đồng tiền thuế và nhiều tin đồn liên quan đến việc công ty này sắp đóng cửa. Chỉ vài tháng sau đó, hãng gọi xe công nghệ Mỹ bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab và Uber Việt Nam chính thức dừng hoạt động vào ngày 8/4/2018.
Cũng vào tháng 4/2018, Đặng Việt Dũng đầu quân cho VNG – kỳ lân đầu tiên của Việt Nam - với chức danh Head of Payment Business VNG (Giám đốc mảng kinh doanh thanh toán), phụ trách ZaloPay.
Sau khi rời Uber Việt Nam, Đặng Việt Dũng từng đầu quân cho VNG và hiện là CEO Nano Technologies. Ảnh: Uber Việt Nam |
Năm 2020, Đặng Việt Dũng đồng sáng lập Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ Nano Việt Nam (Nano Technologies) và hiện là CEO startup này. Nano Technologies hợp tác với các doanh nghiệp để cung cấp giải pháp ứng lương (EWA), thống kê thu nhập và giáo dục về quản lý tài chính cho người lao động thông qua nền tảng công nghệ Vui App. Startup này vừa công bố gọi vốn thành công 3 triệu USD trong vòng hạt giống và tiền hạt giống.
Nguyễn Vũ Đức, cựu CEO Go-Viet
Nguyễn Vũ Đức là CEO đầu tiên của Go-Viet (hiện nay là Go-Jek Việt Nam). Sau hơn một năm gắn bó với công ty này, ông Đức rời “ghế nóng” vào tháng 3/2019. Cùng rời Go-Viet với ông Đức thời điểm đó có Phó tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh.
Theo danh sách được công bố cuối năm 2020 của Ví MoMo, ông Đức là một trong số 10 lãnh đạo chủ chốt của công ty. Ông Đức đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách đơn vị Hợp tác ngân hàng và chuyển tiền P2P của ví điện tử này.
Ông Nguyễn Vũ Đức hiện là Phó tổng giám đốc đơn vị Kinh doanh Ngân hàng & Kinh doanh Chuyển tiền của MoMo. Ảnh: MoMo |
Trước khi đầu quân cho Go-Viet và MoMo, ông Đức từng là đồng sáng lập và CEO của TDC - một startup về công nghệ tài chính. Ông Đức cũng là người đã đưa Uber về Việt Nam và triển khai thành công Uber tại TP HCM vào năm 2014. Doanh nhân này còn có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Go-Viet
Tháng 4/2019, Lê Diệp Kiều Trang được bổ nhiệm vào vị trí CEO Go-Viet, thay ông Nguyễn Vũ Đức. Chia sẻ tại thời điểm đó, nữ doanh nhân sinh năm 1980 cho biết đây là công việc thú vị khó tìm.
"Nhìn thấy thành công của nền tảng đa dịch vụ Go-Jek làm thay đổi sâu sắc đời sống tại Indonesia, tôi cũng mong nhìn thấy những thành công này tại Việt Nam. Trong thế giới công nghệ tại thời điểm này, thật khó có thể tìm thấy công việc nào thú vị hơn", bà Trang nói.
Về phía Go-Jek, công ty mẹ của Go-Viet cho biết việc bổ nhiệm bà Trang là một phần trong mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành của Go-Viet. Ông Andrew Lee - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế của Go-Jek cho rằng bà Trang là lựa chọn lý tưởng để Go-Viet duy trì mức tăng trưởng của công ty.
Lê Diệp Kiều Trang – Đồng sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam. Ảnh: Zing |
Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng ngồi “ghế nóng”, bà Trang rời khỏi vị trí CEO Go-Viet. Hiện nay bà Trang là đồng sáng lập của Alabaster, quỹ đầu tư chuyên rót tiền vào các giải pháp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu. Alabaster đã có hơn 30 khoản đầu tư giai đoạn đầu vào các lĩnh vực như khoa học vật liệu, chất bán dẫn và công nghệ sinh học.
Trước Go-Viet, Lê Diệp Kiều Trang từng là đồng sáng lập Misfit, CEO Fossil Việt Nam và CEO Facebook Việt Nam.