Friday, Feb 21, 08:02 AM

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, nhà đầu tư cần có thêm cách nhìn để có nhiều lựa chọn đầu tư mới.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường
Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà đầu tư cần có thêm cách nhìn để có những lựa chọn đầu tư hợp lý.

Hơn 1 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư đã chứng kiến nhiều biến động của thị trường chứng khoán. Chỉ số VnIndex cũng trải qua nhiều "trạng thái" từ tăng mạnh đến giảm sâu, đặc biệt có phiên giảm điểm sâu nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần có thêm cái nhìn toàn diện, để có những lựa chọn tốt nhất.

Năm 2020 khép lại, cũng là lúc nhà đầu tư chờ đợi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài những con số lời lãi, những chỉ tiêu công nợ... thì một trong những chỉ số khiến các nhà đầu tư quan tâm là EPS hay còn gọi là lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu.

Quán quân đã đổi chủ, bất ngờ với doanh nghiệp đứng TOP

Nếu như năm 2019 Vinacafe Biên Hòa (VCF) được xem là doanh nghiệp trên sàn có chỉ số EPS cao nhất với 25.615 đồng thì năm nay vị trí quán quân đã đổi chủ. Và cái tên đứng trên đỉnh TOP lại còn khiến nhà đầu tư bất ngờ hơn nữa: Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL).

Năm 2020 Bóng đèn Rạng Đông đạt mức lãi kỷ lục 336 tỷ đồng, gấp 2,7 lần lợi nhuận đạt được năm 2019. EPS đạt 29.223 đồng – gần gấp 3 so với chỉ số 10.884 đồng đạt được năm 2019. Bóng đèn Rạng Đông đứng trên TOP các doanh nghiệp đạt chỉ số lợi nhuận cao đã gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân, cũng bởi ấn tượng của nhà đầu tư về vụ cháy nhà máy công ty hơn 1 năm trước vẫn còn đó – sự việc khiến cho công ty ghi nhận số lỗ 36 tỷ đồng trong quý 4/2019 – quý đầu tiên báo lỗ sau nhiều năm kinh doanh.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 1.

Tuy nhiên, Bóng đèn Rạng Đông cũng không "chìm" mãi trong thất thoát, ngay sau đó doanh nghiệp đã phục hồi, giá cổ phiếu tăng trở lại và kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Rạng Đông đạt 4.027 tỷ đồng, tăng 33% so với thời điểm đầu năm. Rạng Đông cũng là doanh nghiệp đặc biệt khi từ năm 2007 đến nay công ty chưa từng tiến hành tăng vốn điều lệ.

Trên thị trường, RAL là một trong số ít những mã chứng khoán có thị giá "3 chữ số - trên 100.000 đồng". RAL đã tăng khoảng 14% từ đầu năm 2021 đến nay, hiện giao dịch quanh mức 157.300 đồng/cổ phiếu. Trong đó có thời điểm RAL đã tăng mạnh lên mức 178.900 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1/2021) trước khi giảm điểm.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 2.

VinaCafe Biên Hòa bị đẩy xuống thứ 2

VinaCafe Biên Hòa (mã chứng khoán VCF) là doanh nghiệp thường xuyên lọt TOP những doanh nghiệp đạt EPS cao trên sàn chứng khoán. Năm 2019 công ty đứng trên đỉnh TOP với EPS đạt 25.615 đồng.

Năm 2020 VinaCafe Biên Hòa đạt 721 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 6,4% so với năm trước đó. EPS đạt 27.224 đồng, cao hơn khoảng 1.600 đồng so với chỉ số 25.615 đồng đạt được năm 2019 nhưng vẫn để vuột mất vị trí đứng đầu.

VCF cũng là cổ phiếu có thị giá cao, hiện đứng thứ 2 trên thị trường chứng khoán với mức 237.800 đồng/cổ phiếu – tăng được 5% so với thời điểm đầu năm 2021.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 3.

"Bé hạt tiêu" Bến xe Miền Tây

Một cái tên cũng thường xuyên được nhắc đến với EPS cao là Bến xe Miền Tây (WCS) – một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bến bãi xe ô tô với vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng. Tuy vậy, năm 2019 vừa qua Bến xe Miền Tây để lại nhiều dấu ấn cho nhà đầu tư với việc chia cổ tức cho năm 2018 tổng tỷ lệ 400%. Mới đây nhất công ty trả cổ tức đợt 2/2019 bằng tiền tỷ lệ 258%, nâng tổng tỷ lệ chi trả cổ tức cho cả năm 2019 lên 516%.

Bến xe Miền Tây cũng nhiều năm liền thuộc TOP những doanh nghiệp có EPS cao trên thị trường chứng khoán với 22.925 đồng năm 2019. Năm 2020 Bến xe Miền Tây kinh doanh không thuận lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Doanh thu cả năm đạt 111 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước đó còn lợi nhuận sau thuế giảm 18% xuống còn hơn 56 tỷ đồng. EPS đạt 18.174 đồng – mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Không chỉ cổ tức cao, chỉ số EPS luôn thuộc TOP cao, cổ phiếu WCS của Bến xe Miền Tây cũng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường. Hiện WCS đang giao dịch quanh mức 220.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 5% so với thời điểm đầu năm 2021.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 4.

Những doanh nghiệp ngành Khu công nghiệp

Ngành khu công nghiệp luôn là ngành "hot" trong những năm trở lại đây. Phần lớn các doanh nghiệp ngành khu công nghiệp đều có kết quả kinh doanh thuận lợi. Những năm trước đây, cái tên thường xuyên được nhắc tới nhất là Nam Tân Uyên (NTC) với cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.

Năm 2019 Nam Tân Uyên lãi sau thuế 236 tỷ đồng, chỉ số EPS đạt 14.782 đồng. Còn năm 2020 lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 18% lên trên 280 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ số EPS lại giảm còn 11.697 đồng. Nguyên nhân, trong năm cổ phiếu NTC đã bị pha loãng khi công ty phát hành gần 8 triệu cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ thêm 50%.

Năm 2020 cổ phiếu NTC cũng tạo nên một kỷ lục với mức tăng đột biến 37.000 đồng trong 1 phiên – lập nên kỷ lục mới về cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong một phiên giao dịch trong hơn 1 thập kỷ qua. Kỷ lục hiện vẫn thuộc về cổ phiếu BMC của Khoáng sản Bình Định khi tăng 40.000 đồng trong phiên giao dịch ngày 21/5/2007 – giai đoạn mà trên thị trường rất nhiều cố phiếu có thị giá hàng trăm ngàn đồng.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 5.

Quay trở lại về chỉ số EPS, năm nay do vừa bị pha loãng, Nam Tân Uyên bị đẩy về phía sau. Doanh nghiệp ngành hạ tầng khu công nghiệp khác là CTCP Thống Nhất (mã chứng khoán BAX) vừa vươn lên tiến sát sau TOP 3.

Năm 2020 Thống Nhất đạt 146 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 71% so với năm 2019. EPS đạt 17.755 đồng, tăng đáng kể so với con số 10.369 đồng đạt được năm 2019. BAX cũng được xem là doanh nghiệp "nhỏ nhưng có võ" trong ngành. Công ty đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 3/2017.

Hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) cũng nằm trong số các doanh nghiệp có EPS trên 10.000 đồng. Tuy vậy do năm tài chính của Hạ tầng Vĩnh Phúc bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau, nên hiện tại, Hạ tầng Vĩnh Phúc đã kết thúc năm tài chính 2019-2020 và hoàn thành quý 1 năm tài chính 2020-2021.

Năm tài chính 2019-2020 Hạ tầng Vĩnh Phúc đạt 220 tỷ đồng doanh thu, tăng 77% so với năm trước đó còn lợi nhuận sau thuế hơn gấp đôi, lên 210 tỷ đồng. EPS đạt 11.785 đồng.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 6.

Doanh nghiệp ngành chăn nuôi – Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán DBC) đạt 10.022 tỷ đồng doanh thu năm 2020, tăng trưởng 39,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục 1.400 tỷ đồng, gấp 4,6 lần lợi nhuận đạt được năm trước đó.

Năm 2020 cũng được xem là năm khó khăn với ngành chăn nuôi, chế biến thức ăn như Dabaco do ảnh hưởng kép từ dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi. Do vậy việc công ty tiết giảm tối đa chi phí, làm tăng lợi nhuận cũng là điểm nhấn của doanh nghiệp năm vừa qua. EPS đạt 13.370 đồng – cải thiện rất nhiều so với chỉ số 3.482 đồng đạt được năm trước đó.

Doanh nghiệp ngành xây dựng, CTCP SCI E&C (mã chứng khoán SCI) công bố doanh thu năm 2020 giảm 3,6% so với cùng kỳ, còn 1.154 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại gấp 4,4 lần lên mức 185 tỷ đồng. Cùng với đó chỉ số EPS tăng đáng kể từ dưới 3.500 đồng lên 14.574 đồng.

Loạt doanh nghiệp có EPS cao còn có Thủy lợi Lâm Đồng (LHC), có xây dựng Tiền Giang (THG), có FPT Online (FOC), XNK Bình Thạnh (GIL), Hưng Thịnh Incons (HTN), như Dược phẩm Trung Ương 3 (DP3), Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APF)...

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 7.

Còn đó những cái tên "rớt đài"

Có rất nhiều doanh nghiệp năm 2019 được điểm tên là những doanh nghiệp có EPS thuộc TOP cao, nhưng năm nay lại không được nhắc tới. Điển hình trong số đó, nhà đầu tư hẳn còn nhớ D2D – doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp.

Năm 2019 D2D đạt 392 tỷ đồng – gấp 4 lần năm trước đó và EPS đạt 18.411 đồng. Đây cũng là năm D2D đạt kỷ lục về cả doanh thu và lợi nhuận.

Bước sang năm 2020 D2D đạt 268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 100 tỷ đồng tương ứng giảm 27% so với năm trước đó dù vẫn vượt 50% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS chưa đến 9.000 đồng.

Như Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2), như Vĩnh Hoàn (VHC), Coteccons (CTD), Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB)...

Từ chỉ số EPS đến chỉ số P/E

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp kể trên thị giá cổ phiếu đều đang ở mức cao so với thị trường. Thậm chí như NTC của Nam Tân Uyên đã giữ vị trí cao nhất về thị giá hiện nay trên thị trường. Và trên thực tế, khi thị giá quá cao, nhà đầu tư sẽ thận trọng, cho rằng tiềm năng tăng là khá hạn hẹp.

Rất nhiều nghiên cứu liên tiếp đã chỉ ra rằng những cổ phiếu có chỉ số giá trên thu nhập PE thấp sẽ mang lại hiệu quả đầu tư đáng kể so với những cổ phiếu có PE cao. Một nghiên cứu của giáo sư Aswath Damodaran của NewYork University đã chỉ ra mức chênh lệch về hiệu quả này có thể lên đến 9-12% mỗi năm.

Vì vậy, các nhà đầu tư muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư, còn quan tâm đến hệ số P/E (thị giá/EPS lũy kế 4 quý gần nhất).

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 8.

Xét hệ số P/E các doanh nghiệp thuộc TOP có chỉ số EPS cao, thì có thể thấy, P/E của Nam Tân Uyên đạt gần 20, của Bến xe Miền Tây trên 12. Những doanh nghiệp có chỉ số P/E thấp nhất là Hưng Thịnh Icons (HTN), SCI E&C, Thống Nhất (BAX), và Dabaco (DBC) với chỉ số từ 3 đến 4.

Đi tìm ý tưởng đầu tư từ những mã chứng khoán của doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường - Ảnh 9.

Dù vậy, điểm hạn chế là nhiều doanh nghiệp có chỉ số P/E nhờ khoản thu lợi nhuận bất thường (từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con), vì vậy những khoản lợi nhuận này sẽ không bền vững vì không đến từ kinh doanh cốt lõi và khó có thể lặp lại trong tương lai. Vì vậy, P/E cũng là một trong các chỉ số, nhà đầu tư cần xem xét kỹ trước khi quyết định đầu tư.

th5003ch-l5003m
Theo Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị https://cafef.vn/di-tim-y-tuong-dau-tu-tu-nhung-ma-chung-khoan-cua-doanh-nghiep-co-eps-cao-nhat-thi-truong-20210208094648992.chn Copylink