Doanh nghiệp đồng hành cùng nền nông nghiệp xanh, bền vững
Các ý kiến tham luận Diễn đàn nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp; đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu máy bay nông nghiệp.
Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 với chủ đề: “Doanh nghiệp vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho biết, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất nông nghiệp quý 1/2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 3 tháng đầu năm 2024 dự kiến đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Với thành tựu này, ngành nông lâm thủy sản đã xuất siêu 3,36 tỷ USD trong quý đầu năm 2024, với mức tăng trưởng 96,5% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối năm 2023, cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta.
Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp, qua đó đề xuất kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững. Đây là dịp tốt để các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và tạo môi trường cho liên kết đầu tư với các Doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt kết nối. Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam đánh giá.
Các tham luận tại diễn đàn tập trung trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp, qua đó đề xuất kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững như: sản xuất phân bón sử dụng trong trồng trọt hữu cơ, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp, tín dụng, thị trường và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An hoạt động về lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với tham luận “Tích tụ đất đai và những bất cập trong hàng rào kỹ thuật của nông sản xuất khẩu”. Nhấn mạnh, dù luật đất đai 2024 đã mở nhiều nhưng ngày càng khó tiếp cận; các nước đang đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật cho mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu, sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh rất khốc liệt...
Kiến nghị, cần tích tụ đất đai để có những thửa đất lớn, những hợp tác lớn, xây dựng chuỗi liên kết; thành lập hợp tác xã. Để tiếp cận vốn cần có những thể chế bảo vệ cán bộ tín dụng, thẩm định và ban hành “tín dụng làn xanh” cho đơn vị và cá nhân dễ tiếp cận. Cần thay đổi thủ tục quản lý nhà nước để bắt kịp công nghệ thế giới, để có được nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái; số hóa nền nông nghiệp đòi hỏi làm rõ vai trò của từng tầng lớp xã hội tham gia như nông dân, HTX, nhà nước, khuyến nông, doanh nghiệp,...
Ông Phan Huy Thùy - PGĐ Công ty TNHH thương mại kỹ thuật Trường Thịnh đề xuất các cơ quan, ban ngành quản lý nhà nước cần có những hỗ trợ để doanh nghiệp ứng dụng máy bay nông nghiệp - sản phẩm công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Để ứng dụng công nghệ này, cần tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực từ các cấp, cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và các cấp ngành liên quan.
Một số kiến nghị như: Để máy bay được công nhận là sản phẩm dùng trong nông nghiệp, doanh nghiệp phải đem sản phẩm đó giám định ở đơn vị độc lập xác nhận là máy bay dùng trong nông nghiệp. Trong quá trình này, việc giám định một lần sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động nhanh chóng, giảm chi phí. Cùng đó là tạo điều kiện về quản lý hoạt động bay. Cần linh hoạt các thủ tục về biểu mẫu xem xét cấp phép tại các địa phương. Đề xuất cơ quan quản lý có những chương trình, những lớp học triển khai về vấn đề đào tạo, hướng dẫn sử dụng máy bay nông nghiệp một cách bài bản, có hàm lượng khoa học và có tính thực tiễn cho bà con.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà tham luận “Tín dụng, thị thường và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” chia sẻ những kinh nghiệm quá trình tham gia các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; các xu hướng mới trong nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ: Nông nghiệp hữu cơ sử dụng các phương pháp canh tác tự nhiên, hạn chế sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước. Cần bảo vệ và phát triển hệ sinh thái để duy trì sự cân bằng của môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách tốt, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giảm thiểu thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại cho doanh nghiệp doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp.
Đánh giá về tình trạng nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, TS, Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng: Ngành nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai sau ngành năng lượng sinh ra từ các quá trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, trồng lúa nước… giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón.
TS, Phùng Hà đề xuất một số giải pháp, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ammoniac xanh, hóa học xanh; tập trung vào phương thức quản lý, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng nhằm giảm thất thoát ra môi trường, đặc biệt đối với phân đạm; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón hiệu quả cao, phân bón lá và sử dụng phụ gia ức chế các quá trình phát thải N2O, phụ gia chống mặn, chống ngập lụt, ưu tiên sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên từ khoáng chất, thực vật…
Các tham luận khác tại diễn đàn tập trung trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp, qua đó đề xuất kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững. Cụ thể như: sản xuất phân bón sử dụng trong trồng trọt hữu cơ, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp, tín dụng, thị trường và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Cũng tại Diễn đàn, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ký kết bản ghi nhớ hợp tác MOU với Hội đồng kinh doanh Mỹ - Việt.