Doanh nghiệp tìm cách “xoay sở” trong bão dịch
Hoạt động kinh doanh, xuất khẩu đang trên đà phục hồi song gần đây các doanh nghiệp lại phải đối mặt với những khó khăn mới khi dịch bùng phát trên diện rộng, buộc chính quyền địa phương phải phong tỏa nhiều nơi. Để không bị ngưng trệ sản xuất, nhiều giải
Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 6/7 đã ghi nhận 796 ca nhiễm Covid-19 ở 38 doanh nghiệp, công ty. Trong đó, ổ dịch tại Công ty Hong IK Vina (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) ghi nhận 38 ca; tại Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, phát hiện 136 ca. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Thành phố đã thực hiện phong tỏa, giãn cách ở những khu vực này vì thế một số doanh nghiệp đã xoay sở bằng cách sắp xếp chỗ ở cho công nhân tại khách sạn nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như hoạt động sản xuất.
Đơn cử Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao) có khoảng 2.000 công nhân đang cư ngụ hoặc ở trọ tại phường Tân Phú (TP Thủ Đức)- khu vực mới bị phong tỏa từ chiều 5/7. Do đó, với những công nhân muốn đăng ký tiếp tục đi làm sẽ được công ty sắp xếp cho ở lại khách sạn, được bố trí tăng ca, ăn ba bữa ở công ty, số còn lại về lại phường Tân Phú sẽ thực hiện cách ly theo quy định.
Nhiều nhà máy đang tuân thủ quy định chống dịch để đảm bảo an toàn sản xuất |
Đối với những khu vực còn tương đối an toàn thì các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Ông Lưu Huỳnh, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH MeiZan CLV (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) - chia sẻ, tính đến chiều ngày 6/7 nhà máy của doanh nghiệp vẫn đang hoạt động hết công suất bởi đơn hàng đặt nui, mì từ các nhà phân phối như Điện máy xanh, Co.opmart tăng đột biến.
“Để không ảnh hưởng tới hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu ngay từ đầu mùa dịch công ty đã chia nhỏ các ca sản xuất, lắp vách ngăn trong nhà ăn cho công nhân, đồng thời tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Mới đây toàn bộ công nhân trong nhà máy đã thực hiện xét nghiệm và rất may là không có ca nhiễm nào”- ông Huỳnh cho biết.
Tương tự, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (trú tại quận Tân Phú)- một trong những điểm “nóng” về dịch của Thành phố những ngày qua- tuy nhiên tới nay doanh nghiệp này vẫn cố gắng sắp xếp phù hợp để vận hành dây chuyền sản xuất. Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công - cho biết, mặc dù hiệu suất hoạt động nhà máy giảm khoảng 15% so với bình thường song cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu đặt ra cho các đơn hàng xuất khẩu.
Theo ông Tùng, để giữ an toàn được như hiện nay, công ty đã chuẩn bị trước các kịch bản như: Nhà máy có F0, F1, F2… hoặc nằm trong khu vực bị phong tỏa. Do đó, ngay khi phát hiện một số trường hợp công nhân là F2, F3, công ty đã áp dụng cách ly tại nhà và không gây ảnh hưởng tới các hoạt động khác.
Không riêng TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành ở phía Nam như Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Tháp cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 gia tăng. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 khu, 5 cụm công nghiệp thu hút hơn 110.000 người lao động; trong đó có số lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 30% và có 1.100 lao động nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Tiền Giang đều thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động kể cả người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…
“Chúng tôi chia ra theo nhóm để giãn cách công nhân trong các xưởng sản xuất, đồng thời luân phiên cho nhân viên ăn thành 3 ca. Trong quá trình ăn, anh chị em công nhân không được trao đổi. Chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc ăn uống xong rồi đeo khẩu trang lại và về vị trí làm việc. Với những nhân viên làm văn phòng, chúng tôi cho làm việc tại nhà để giảm nguy cơ tiếp xúc”- bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền cho biết.
Trước đó, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất công nghiệp được hiệu quả, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Nam đã tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn các quy định phòng chống dịch theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19. Các Sở cũng tăng cường công tác triển khai cung cấp thông tin tài khoản đăng nhập ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp; Yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất có quy mô lớn…