Doanh nghiệp việt đẩy mạnh ứng dụng robot đóng bao tự động vào quy trình sản xuất
Bên cạnh tốc độ phát triển ấn tượng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 lên nền kinh tế cũng đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho robot công nghiệp thông minh và dây chuyền tự động hóa.
Ở thì hiện tại, việc ứng dụng robot và dây chuyền tự động hóa vào sản xuất đã trở thành xu hướng tất yếu của hầu hết mọi doanh nghiệp. Qua nhiều bằng chứng ứng dụng thực tiễn, robot thông minh và dây chuyền tự động hóa cho thấy ưu điểm vượt trội trong việc góp phần nâng cao năng suất, gia tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh và cải thiện điều kiện làm việc. Do đó, không khó hiểu khi nhiều doanh nghiệp Việt đẩy mạnh ứng dụng robot công nghiệp vào nhiều công đoạn của quy trình sản xuất, tiêu biểu như khâu đóng bao sản phẩm.
Vai trò của khâu đóng bao và bài toán nguồn lực tham gia quy trình
Từ trước đến nay, bao bì vẫn được xem là thành phần không thể thiếu cho một sản phẩm hoàn chỉnh, đặc biệt quan trọng trong ngành sản xuất thực phẩm, gia vị, phân bón hay thức ăn chăn nuôi…
Lợi điểm đầu tiên của bao bì phải kể đến khả năng bảo vệ sản phẩm bên trong, cả về chất lượng và số lượng. Bao bì giúp ngăn bụi bẩn và không khí tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hạn chế các phản ứng sinh - hóa học không mong muốn với môi trường bên ngoài, ví dụ như hiện tượng nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bao bì còn giảm nhẹ các tác động va đập, biến dạng lên sản phẩm trong quá trình bốc xếp, di dời và giúp khâu vận chuyển sản phẩm thêm dễ dàng, tiện lợi. Đáng nói, bao bì còn là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng mục tiêu, nhờ khả năng truyền tải thông điệp và bộ nhận diện thương hiệu thông qua các hình ảnh, logo, số liệu dẫn chứng thành phần... nhằm cam kết uy tín, chất lượng với đối tượng sử dụng.
Tuy đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng khâu đóng bao sản phẩm cũng được xem là một bài toán nan giải về nguồn lực thời gian, chi phí và nhân công. Thông thường, quy trình đóng bao cần từ 4-6 nhân công để vận hành, bao gồm các bước Cấp bao, Xả liệu, Đóng miệng bao, In vỏ bao và cuối cùng là Xếp bao lên pallet hoặc xe vận tải chuyên chở. Do công đoạn có tính chất lặp đi lặp lại nhàm chán, tốn kém chi phí thuê nhân công và không tận dụng được hết năng suất lao động, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn nên nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng ứng dụng robot và dây chuyền tự động hóa vào quy trình đóng bao, thay thế hoàn toàn con người.
Đẩy mạnh ứng dụng Robot đóng bao tự động vào quy trình sản xuất
Theo báo cáo gần nhất của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn Frost & Sullivan, Châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là thị trường robot công nghiệp hàng đầu thế giới, trong bối cảnh xu hướng ứng dụng công nghệ tự động hóa vào lĩnh vực sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Frost & Sullivan cũng dự báo thị trường robot công nghiệp toàn cầu sẽ đạt doanh thu 38.3 tỷ USD vào năm 2024, tăng gần 75% so với năm 2020. Trong đó, châu Á Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu với doanh thu ước tính đạt 25.08 tỷ USD.
Không nằm ngoài xu thế chung, nhu cầu sử dụng robot trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam cũng đang tăng mạnh, dựa trên xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước đang phát triển cùng dòng vốn FDI đổ vào ồ ạt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đang loay hoay chưa tìm ra "điểm bắt đầu" do rào cản về kiến thức công nghệ, bài toán nguồn lực kinh phí và tác động tâm lý từ đại dịch COVID-19. Dẫu vậy, nút thắt đang dần được tháo gỡ khi có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển giải pháp robot - tự động hóa, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Hạo Phương.
Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực tự động hóa, cung cấp các giải pháp 4.0 cũng như chuyên phân phối các sản phẩm Điện công nghiệp thuộc các tập đoàn hàng đầu thế giới như Fuji Electric, Idec, Kansai, Circutor… - Hạo Phương đang gây tiếng vang trên thị trường với bộ đôi sản phẩm mũi nhọn: Hệ thống đóng bao 2 lớp tự động OMBA (Open-mouth Bagging Automation) và Hệ xếp bao (Robot Palletizer). Sở hữu nhiều với ưu điểm nổi trội như khả năng tự vận hành thay thế 3 - 4 nhân công trên một dây chuyền sản xuất, được thiết kế với các yêu cầu cao về tốc độ, xếp đóng đến hơn 1000 bao sản phẩm/giờ và hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn công nghiệp. Hạo Phương đã ghi nhận mức năng suất tăng vọt đến hơn 300% trên dây chuyền đóng bao của doanh nghiệp đối tác.
Hệ thống đóng bao tự động OMBA được Hạo Phương thực hiện tại nhà máy C.P. Việt Nam
Tựu chung, có thể thấy việc ứng dụng robot công nghiệp thông minh là giải pháp tối ưu để các doanh nghiệp từng bước tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm với chi phí phù hợp. Từ đó doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi nhuận, tăng lợi thế cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào tay nghề lẫn trình độ của người lao động.