Đóng cửa gần 700 cửa hàng kém hiệu quả, chiến lược 'dọn cỏ dại' là chìa khóa giúp VinCommerce đạt EBITDA dương
EBITDA của VinCommerce ghi nhận 16 tỷ đồng trong quý 4/2020, tuy không phải con số lớn nhưng là dấu mốc quan trọng kể từ khi hệ thống bán lẻ top đầu cả nước về tay Masan Group.
Tháng 12/2019, Masan Group thực hiện thương vụ M&A với VinCommerce và VinEco, hai công ty thuộc Tập đoàn Vingroup để trở thành tập đoàn bán lẻ - hàng tiêu dùng quy mô hàng tỷ USD. Nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc Masan Group sẽ tiếp quản ra sao với một VinCommerce dù tăng trưởng rất nhanh nhưng đang thua lỗ nặng; và sức cộng hưởng giữa nhà sản xuất số một và công ty bán lẻ số một thị trường sẽ đem lại hiệu quả thế nào?
Sau một năm, câu trả lời đang dần được hé lộ.
EBITDA dương 16 tỷ đồng, cột mốc quan trọng của VinCommerce
Quý 4 này, VinCommerce lần đầu tiên đạt EBITDA dương sau nhiều năm (16 tỷ đồng - 0,2%), dù chưa phải là con số ấn tượng nhưng nó là dấu mốc quan trọng. Đây là mục tiêu mà ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group và các cộng sự đặt ra phải thực hiện trong năm nay, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch chưa từng có trong tiền lệ.
Trên thực tế, biên EBITDA của VinCommerce đã rơi xuống mức âm 8,4% trong quý 2 trước lệnh giãn cách xã hội, so với mức âm 4,8% của quý đầu năm. Chỉ số này được cải thiện mạnh mẽ xuống mức âm 3% trong quý 3, trước khi dương vào quý cuối năm như kế hoạch.
Trong quý 4, các cửa hàng tiện ích VinMart+ và siêu thị VinMart đạt biên EBITDA dương lần lượt 4,1% và 2,8% trên cơ sở so sánh tương đương, nhưng không bao gồm chi phí chung ở cấp cửa hàng. Doanh thu/m2 của VinMart+ tăng trưởng hai chữ số, đạt mức 10,7% vào năm 2020.
Doanh thu của VinCommerce trong năm ghi nhận gần 31.000 tỷ đồng, biên lãi gộp 16,9% không phải là mức thấp, nhất là so sánh trong ngành bán lẻ. Số này đang ngang với mảng kinh doanh thịt mát và thức ăn chăn nuôi của Masan Group – Masan MEATLife.
Điều mà VinCommerce vẫn đang cần cải thiện bên cạnh việc tăng tính hiệu quả tại các cửa hàng – siêu thị là làm sao giảm tỷ trọng chi phí SG&A (gồm chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp…) trên doanh thu. Chỉ số này tại VinCommerce đang là cao nhất trong số các công ty con kinh doanh chính của Masan Group, ghi nhận 27,3%; so với Masan Consumer Holdings 21,7%; Masan MEATLife 10,2%; và Masan High-Tech Materials 6,7%.
Việc cải thiện EBITDA lên mức dương trong quý 4 năm ngoái giúp VinCommerce có một nền tảng mạnh mẽ cho những mục tiêu kinh doanh của năm 2021 khi mà dịch bệnh tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt, tiến trình phát triển vắc xin hiệu quả, và các dự báo về tăng trưởng kinh tế đưa ra mức trên 7%.
Đóng cửa gần 700 cửa hàng, siêu thị kém hiệu quả
Để cải thiện hiệu quả của VinCommerce, công tác tái cơ cấu hệ thống cửa hàng và siêu thị được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Masan Group.
"VinCommerce là hệ thống lớn, chúng tôi không thể tái cấu trúc quá nhanh mà phải từ từ để sự vận hành ổn định và đảm bảo chất lượng phục vụ người mua hàng", ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan từng chia sẻ.
Các chiến lược nổi bật được thực thi, bao gồm: Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng tươi sống trên cả hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+, triển khai các các chương trình bán hàng giá tốt nhằm tạo động lực thu hút khách hàng. VinCommerce cũng điều chỉnh mô hình hoạt động của VinMart+, bao gồm việc khai trương các cửa hàng thí điểm mới tại TP HCM và Hà Nội với hình thức bày trí mới. Các mô hình thí điểm này sẽ được áp dụng khi mở cửa hàng mới nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn…
VinCommerce cũng đã mạnh tay đóng của các siêu thị và cửa hàng hoạt động kém hiệu quả nhằm cải thiện lợi nhuận toàn chuỗi. Trong 9 tháng đầu năm, 12 siêu thị VinMart và 421 cửa hàng VinMart+ được cho dừng hoạt động. Phía Masan Group cho biết đây là các siêu thị, cửa hàng có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn. Tổng mức thua lỗ EBITDA của các cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa là 202 tỷ đồng, các siêu thị VinMart bị đóng cửa là 37 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020 và khoản lỗ này không xảy ra lại trong năm 2021. Ở chiều ngược lại, 57 cửa hàng VinMart+ và 2 siêu thị VinMart được mở mới tại các khu vực tiềm năng.
Theo số liệu thống kê các cửa hàng của VinCommerce, việc đóng cửa các cơ sở kém hiệu quả tiếp tục được thực hiện trong quý 4/2020, với thêm 250 cơ sở dừng hoạt động. Đây chính là động thái bước đầu, và cần thiết của Masan Group trong công cuộc tái thiết VinCommerce.
Chiến lược biến VinMart, VinMart+ thành Point of Life
Trên thực tế, VinCommerce đang có vai trò quan trọng giúp Masan Group trong việc đưa các sản phẩm tiêu dùng của mình đến tay khách hàng. Các sản phẩm của Masan Consumer không chỉ có được vị trí thuận lợi trên các quầy hàng mà đối với các sản phẩm mới còn đón nhận được thông tin phản hồi nhanh chóng, giúp công ty có thể chủ động đưa ra các điều chỉnh.
Theo lời ông Nguyễn Đăng Quang, Masan Group trong năm 2021 sẽ không chỉ còn là điểm mua sắm thuần túy mà sẽ trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online to offline. Masan Group gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng.
"Đây chính là đích đến của Masan khi quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ", Chủ tịch Quang nói.
Trong năm 2021, mục tiêu của VinCommerce là tăng trưởng doanh thu từ 15% - 20% đến từ các cửa hàng hiện hữu, mở rộng hệ thống cửa hàng minimart và tái định vị mô hình siêu thị VinMart.