Founder Vua Cua và giấc mơ cua 'xâm chiếm' Việt Nam bằng những chiếc xe đẩy
Có thể nói, chuỗi 5 nhà hàng Vua Cua tại TP. HCM chính là thành tựu lớn nhất của founder Đoàn Thị Anh Thư. Tuy nhiên, ngạc nhiên là khi có ý định mở chuỗi, chị không chọn mô hình nhà hàng đã tốn rất nhiều tâm huyết gầy dựng mà là Vua Cua Bike. Chị tin mình sẽ làm nên chuyện, dù sợ cạnh tranh nhưng nếu cả khi có ông lớn tham chiến thì mình chưa chắc đã thua.
Với nhiều người quen biết, chị Đoàn Thị Anh Thư là một người bạn doanh nhân đặc biệt. Không phải bởi chị thuộc cộng đồng LGBT, mà đơn giản chị kinh doanh thực tế, ‘biết mình biết ta’ và luôn cầu thị.
Sự khôn ngoan và thực tế của chị thể hiện rõ trong việc xây dựng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau cho thương hiệu Vua Cua cũng như quyết định lựa chọn Vua Cua Bike thay vì Vua Cua Express hay Vua Cua Restaurant để nhượng quyền.
Nguyên tắc của tôi là không bao giờ từ chối bất cứ khách hàng nào
Vua Cua không phải là lần khởi nghiệp đầu tiên của chị Đoàn Thị Anh Thư nhưng có lẽ là lần thành công nhất tính cho đến thời điểm bây giờ. Hơn nữa, lý do chị tạo ra Vua Cua khá đơn giản: đầu tiên là để thỏa mãn mong ước được ăn cua ngon với giá cả phải chăng của bản thân. Trước năm 2016, chị luôn cảm thấy khó khăn để tìm một quán ăn thỏa mãn tất cả mong ước của bản thân lúc lên cơn thèm cua.
Ghiền cua có thể không dữ dội như ghiền sầu riêng, nhưng từ trải nghiệm của bản thân, chị biết rằng ‘cơn thèm cua’ nếu không được thỏa mãn cũng sẽ khiến người ta vô cùng thất vọng. Đó là nguyên do, kể từ khi bắt đầu cho đến thời điểm bây giờ, sau 5 năm, chị vẫn giữ nguyên tắc nhất quán cho bản thân và đội ngũ là ‘không bao giờ từ chối bất cứ khách hàng nào’.
"Ở khối nhà hàng, các nhân viên của tôi luôn tự biết rằng, nếu hôm đó họ để ‘rơi’ hoặc ‘từ chối’ bất cứ khách hàng nào đã lặn lội đường xa đến với Vua Cua, với bất cứ lý gì, thì nên đích thân viết bản kiểm điểm, chứ không cần đợi người khác phải nhắc nhở. Bởi, nếu tìm cách ‘trốn tội’ hoặc để người khác nhắc nhở và đến tai tôi, mọi người có khi phải nghe mắng đến nửa đêm", chị Đoàn Thị Anh Thư kể.
Đội ngũ nhân sự của Vua Cua.
Tuy nhiên, chị Anh Thư không phải là theo trường phái kỹ trị. Chị quản trị nhân sự bằng cách tác động lên cả đời sống tinh thần lẫn vật chất của nhân viên.
Cho tới bây giờ, chị vẫn là người trực tiếp đi training cho các nhân sự mới về thương hiệu, sứ mệnh và mục tiêu của Vua Cua. Mục đích là để truyền lửa đam mê trong ngành F&B và khiến các bạn nhân viên yêu quý thương hiệu như thể nó là của mình.
Chị tự tin rằng, mức lương mình đang trả cho nhân viên bằng với mức khá của thị trường: trung bình từ 7 đến 8 triệu/người.
"Tôi vẫn luôn tin vào câu, vật chất quyết định ý thức, nên trong quá trình khởi nghiệp, tôi luôn cố gắng đối đãi với các nhân sự của mình tốt nhất có thể - về mặt lương bổng", founder Vua Cua tâm tình.
Vua Cua với 3 mô hình kinh doanh: nhà hàng – Restaurant, mang đi – Express và xe đẩy – Bike
Nguyên tắc không bỏ rơi bất cứ khách nào còn thể hiện rõ ở việc Vua Cua có tới 3 mô hình kinh doanh khác nhau.
Nhà hàng Vua Cua: là nơi để khách hàng đến trải nghiệm sản phẩm và có thể thưởng thức tất cả những món ăn tinh túy nhất của thương hiệu này. Tuy nhiên, dù đây là niềm tự hào lớn nhất của chị Anh Thư, song xây dựng và điều hành một nhà hàng không phải là điều dễ dàng. Sau 5 năm mà Vua Cua mới chỉ có 5 cửa hàng, đủ biết mô hình này gặp nhiều khó khăn như thế nào. Chỉ năm ngoái, họ mới chuẩn hóa được quy trình sản phẩm – dịch vụ.
Vua Cua Express: vì mô hình nhà hàng rất khó nhân rộng, nhưng Vua Cua lại muốn phục vụ tất cả khách hàng yêu mến món cua, vậy là họ nghĩ ra mô hình Vua Cua Express. Đây sẽ là những kioks đặt gần nhà hàng và có hầu hết những món nhà hàng Vua Cua có, song chỉ phục vụ cho việc mang đi. Nếu xem Vua Cua Express phát triển theo mô hình bếp trung tâm – cloud kitchen cũng chẳng sai.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì Vua Cua Express vẫn không thích hợp để nhân rộng một cách tiện lợi và nhanh chóng, nhằm phục vụ khách hàng toàn quốc. Đầu tiên là vì nó có quá nhiều món, mặt bằng cố định và đầu tư nhiều tiền; vậy là Vua Cua nghĩ ra thêm mô hình Vua Cua Bike.
"Vua Cua Bike chỉ bán vài món cua ngon thích hợp để mang đi. Phí nhượng quyền sẽ không rẻ, nhưng với thương hiệu đã có sẵn, cộng với nguồn cua chất lượng và 13 loại nước sốt độc quyền, tôi tin rằng mức giá đó đáng", chị Anh Thư khẳng định.
Mặc dù Vua Cua không có vùng nguyên liệu riêng của bản thân, song mạng lưới thu mua của họ trải rộng khắp tỉnh Cà Mau và có team giàu kinh nghiệm trong mảng này. Do cua khó nuôi và lâu lớn, tại Cà Mau, nông dân hay nuôi xen canh cua vào ao tôm. Mỗi 6 tháng, nông dân Cà Mau sẽ thu hoạch khoảng vài kg cua và đến đầu nậu con để bán, sau đó đầu nậu con sẽ bán cho đầu nậu cái.
Vua Cua Express
Team thu mua của Vua Cua sẽ làm việc trực tiếp với đầu nậu cái. Tất nhiên, Vua Cua sẽ phải mua tất cả các loại cua, chứ không được phép chỉ mua cua loại 1. Sau khi mua một số lượng cua nhất định, bằng kinh nghiệm của mình, team thu mua của Vua Cua sẽ chọn những con cua ngon nhất – chắc thịt nhất, để lại phục vụ khách hàng của mình; còn hàng loại 2 và 3 sẽ bán cho những đối tác chỉ cần chất lượng như thế.
Mỗi ngày, team thu mua của Vua Cua có thể mua vài tấn cua từ các đầu nậu cái, nên tất nhiên là doanh nghiệp này không sợ thiếu hàng, ngay cả khi chuỗi Vua Cua Bike của mình vươn ra khắp cả nước. Hàng cua tuyển đi miền Trung hoặc miền Bắc sau này, sẽ được vận chuyển bằng đường máy bay.
13 loại nước sốt của Vua Cua không phải tự dưng mà có, đó là thành quả của 5 năm nghiên cứu và cải tiến không ngừng của team R&D từ thương hiệu này. Chị Anh Thư tự tin, với nguồn cua loại 1 và nước sốt độc quyền mà Vua Cua cung cấp, cộng với công thức đã được đóng gói sẵn, kể cả người không giỏi nấu ăn vẫn có thể nhượng quyền Vua Cua Bike và làm ra được món ăn ngon.
"Nếu nói không sợ cạnh tranh là không đúng, nhưng mặt khác, tôi cũng khá tự tin với những gì Vua Cua đã làm được. Kể cả khi các doanh nghiệp lớn nhảy vào ngành cua, thì họ cũng phải phát triển từng bước, như tìm kiếm vùng nguyên liệu – sáng tạo ra món ăn ngon độc quyền và chuẩn hóa nó – xây dựng đội ngũ nhân sự để có thể vận hành nhịp nhàng hoạt động kinh doanh…
Tôi đã từng kinh qua những việc nó, nên biết là không dễ dàng, ngay cả khi chúng ta đổ rất nhiều tiền. Hơn nữa, tôi thật sự tự tin với những món ăn của bếp nhà mình, là không phải ai làm cũng ngon bằng. Dù sao, thì tôi cũng đã đi trước họ 5 năm", chị Anh Thư cho hay.
Đây chính là quyết định sau sự xuất hiện của Covid-19 cộng với ‘tỉnh thức’ kịp thời của chị Anh Thư.
Ngoài ra, theo lời kể của chị Anh Thư, thì việc Vua Cua quyết định nhượng quyền Vua Cua Bike thay vì Vua Cua Express hay Vua Cua Restaurant còn bởi ảnh hưởng của Covid-19.
Như tất cả những ông bà chủ của các chuỗi F&B, trước đây, chị Anh Thư chỉ chú tâm vào việc phát triển nhà hàng cũng như luôn mơ ước mở được càng nhiều nhà hàng càng tốt. Chuỗi càng nhiều nhà hàng càng chứng tỏ được sự thành công của thương hiệu và sự giỏi giang của founder.
Vua Cua Bike
"Đây là một cái bẫy ‘ngọt ngào nguy hiểm’, không chỉ mình tôi mà hầu hết người chủ của chuỗi F&B đều ít nhiều mắc phải. Nếu không vì Covid-19, lắm khi tôi vẫn còn đắm chìm trong giấc mơ đó, mà không thể thức tỉnh", founder Vua Cua nhớ lại.
Như tất cả các chuỗi F&B khác, các nhà hàng của Vua Cua đã gần như thất thu trong các đợt giãn cách hoặc cao trào dịch bệnh. Đến lúc đó, chị Anh Thư mới bắt đầu ngộ ra: chuỗi nhà hàng offline càng nhiều càng mau chết. Các nhà hàng offline nhìn thì hoành tráng – sang chảnh, nhưng lại không thể chống chọi tốt với những biến động bất ngờ của xã hội cũng như không theo kịp xu hướng của thị trường.
Trong dịch bệnh, đầu tư nhỏ - cơ động – thu hồi vốn nhanh mới là vương đạo. Hơn nữa, chỉ bán hàng offline thôi không đủ, mà phải bán hàng take-away và cả online. Bán hàng đa kênh đang là giải pháp hiệu quả được nhiều chuỗi F&B lớn trên thị trường đi theo. Dù như thế nào, thì Vua Cua cũng không thể ngó lơ với thời cuộc. Cũng may, trước đó Vua Cua đã có hệ thống tốt phục vụ việc giao hàng, nên khi chuyển dịch nhiều lên online thì không gặp quá nhiều bỡ ngỡ.
Kế hoạch của chị Anh Thư với Vua Cua Bike là không nhượng quyền ở TP.HCM mà chỉ nhượng quyền ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai – Bình Dương – Vũng Tàu; sau đó đi miền Trung và ra Bắc. Hiện tại, chị đã có rất nhiều lời hỏi thăm về nhận quyền mô hình này của các đối tác.