Giúp Samsung "đổ rác", một doanh nghiệp Việt lãi hơn 1.100 tỷ trong 4 năm, tỷ suất lợi nhuận cao bất ngờ
Hoạt động xử lý chất thải cho Samsung dường như lại là lĩnh vực màu mỡ nhất với lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận cao một cách khó tin theo như các số liệu tài chính của Thuận Thành Environment.
Với quy mô quá lớn của tổ hợp Samsung, việc cung ứng được một sản phẩm, dịch vụ nào đó phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn điện tử Hàn Quốc này cũng có thể mang đến cơ hội "đổi đời" cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Nếu như trong lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện thì các doanh nghiệp Việt Nam có rất ít cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị thì vẫn còn rất nhiều dịch vụ khác mà Samsung dùng đến các đối tác trong nước như cung ứng dịch vụ y tế khám chữa bệnh, cung ứng bao bì, logistics, xử lý chất thải…
Theo Báo Nhân dân, trong số các công ty xử lý rác thải công nghiệp ở phía bắc, CTCP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành Environment) vốn được coi là một trong số các công ty lớn nhất. Sớm tham gia lĩnh vực vẫn được coi là non trẻ này từ năm 2009, công ty này nhanh chóng được coi là "anh cả". Những năm gần đây, Thuận Thành Environment là đơn vị được coi là đối tác lớn giúp Samsung giải quyết vấn đề xử lý rác thải ở hai khu công nghiệp của họ tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Điều thú vị là hoạt động xử lý chất thải cho Samsung dường như lại là lĩnh vực màu mỡ nhất với lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận cao một cách khó tin theo như các số liệu tài chính của Thuận Thành Environment.
Cụ thể năm 2016, chỉ với 1.052 tỷ đồng doanh thu, Thuận Thành Environment thu về 406 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2017, doanh thu tăng lên hơn 1.200 tỷ nhưng lợi nhuận lại giảm xuống còn 379 tỷ đồng. Việc lãi 3-4 đồng sau thuế trên 10 đồng doanh thu của giai đoạn này vượt trội so với nhiều ngành nghề.
Hai năm tiếp theo, công ty ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu nhưng các chi phí trực tiếp (chủ yếu là giá vốn) tăng vọt dẫn đến lợi nhuận của năm 2018 và 2019 giảm đáng kể xuống còn 152 tỷ và 168 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận chỉ còn khoảng hơn 10%.
Năm 2019, một doanh nghiệp lớn cùng ngành là Công ty Xử lý chất thải Việt Nam – Vietnam Waste Solutions (VWS) – chủ đầu tư khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước chỉ với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng nhưng cũng đạt mức lợi nhuận tương đương Thuận Thành Environment.
Lũy kế trong 4 năm gần nhất, Thuận Thành Environment đạt tổng cộng 1.104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Do không phân phối lợi nhuận trong giai đoạn này nên đến cuối năm 2019, Thuận Thành Environment có vốn chủ sở hữu 1.304 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Các cổ đông của Thuận Thành Environment gồm có ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Hoa – vợ ông Đắc (5%) cùng ông Nguyễn Trọng Khánh (40%).
Bên cạnh Thuận Thành Environment, nhóm doanh nhân này cũng sở hữu một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang như Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh, CTCP Đầu tư Công nghiệp và Thương mại dịch vụ Tân Yên, Công ty Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao Xanh… Các công ty này tiếp tục đầu tư nắm giữ cổ phần lớn của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Con trai của ông Đắc, ông Vũ Ngọc Tú dù tuổi đời còn khá trẻ - sinh năm 1989 – nhưng cũng đã nổi danh trên thương trường với một số thương vụ M&A trong lĩnh vực nước sạch, thủy điện thông qua CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings). Cá nhân ông Tú cũng góp 60% vốn thành lập CTCP Môi trường Hiệp Hòa.
VSD Holdings cùng ông Tú đang nắm giữ 13% cổ phần của Nhựa Đồng Nai (DNP) – doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nước sạch, nắm giữ cổ phần chi phối tại Thủy điện Nậm La; từng mua và hiện đã thoái vốn 24,4% cổ phần của Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) cũng như 11% cổ phần của Vinaconex Power (VCP)…