Hộ chiếu kháng thể: Tập đoàn của bầu Hiển bắt tay đối tác Nga tìm cách mở cửa cho hàng triệu du khách Nga vào Việt Nam
CV-PASS (Hộ chiếu kháng thể) là khái niêm mới để chỉ loại chứng nhận cho cá nhân có kháng thể với dịch bệnh COVID-19 trong người, bao gồm những người đã nhiễm COVID-19, sau khỏi bệnh cơ thể đã sinh ra và còn tồn tại kháng thể; và những người tiêm xong vắc-xin và đã sinh ra kháng thể. Việc hợp tác giữa T&T Group và đối tác Nga có thể mở cửa trở lại cho gần 1 triệu lượt khách Nga/năm.
Để gỡ khó cho ngành du lịch toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, mới đây Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã bắt tay với một tập đoàn hàng đầu của LB Nga là VR-Logistic để triển khai giải pháp CV-PASS (Hộ chiếu kháng thể).
Cụ thể, ngày 24/3/2021, tại Moskva (LB Nga), Công ty T&T Nga (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nga là Công ty CV-PASS thuộc Tập đoàn VR-Logistic đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ thông tin và giải pháp công nghệ nhằm khôi phục dòng khách du lịch trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 với mục tiêu sẵn sàng cho việc tái khởi động ngành du lịch và khôi phục dòng du khách an toàn đến hai nước.
CV-PASS (Hộ chiếu kháng thể) là khái niệm mới để chỉ loại chứng nhận cho cá nhân có kháng thể với dịch bệnh COVID-19 trong người, bao gồm những người đã nhiễm COVID-19, sau khỏi bệnh cơ thể đã sinh ra và còn tồn tại kháng thể; và những người tiêm xong vắc-xin và đã sinh ra kháng thể. Việc áp dụng giải pháp CV-PASS là một sáng kiến toàn cầu giúp nới lỏng hoạt động đi lại và mở lại các sự kiện đông người, nhằm khởi động lại ngành công nghiệp du lịch và thiết lập tiêu chuẩn an toàn quốc tế chất lượng cao cho hoạt động đi lại trong điều kiện đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Andrey Kolmogorov, Tổng Giám đốc CV-PASS nhấn mạnh, để gỡ khó cho nền kinh tế, các công ty hai nước cần sớm thích ứng với bối cảnh bình thường mới, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, trong đó có các dụng cụ kiểm tra kháng thể nhanh tại sân bay, phần mềm số hóa chứng nhận kháng thể đối với COVID-19, qua đó tạo điều kiện thuận lợi khôi phục dòng du khách an toàn.
Theo ông Evghniy Petrishev, Giám đốc điều hành Tập đoàn VR-Logistic, hợp tác với Việt Nam là một trong những hướng hoạt động quan trọng của tập đoàn này, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc bắt tay hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại những kết quả tích cực, mở ra đường bay vận tải hành khách và mở cửa lại thị trường du lịch giữa các nước, góp phần gia tăng kim ngạch thương mại song phương Nga – Việt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Huy Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty T&T Nga cho biết, trước đại dịch COVID-19, du khách Nga luôn coi Việt Nam là một hướng tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng yêu thích, với gần 1 triệu lượt khách mỗi năm. T&T Nga mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Nga để ngày càng có nhiều người Việt Nam được làm quen với những di sản văn hóa, tinh thần phong phú của nước Nga.
"Thông qua việc hợp tác với Công ty CV-PASS và Tập đoàn VR-Logistic của Nga, chúng tôi đang nỗ lực hướng đến mục tiêu sẵn sàng cho việc tái khởi động ngành du lịch và khôi phục dòng du khách an toàn đến hai nước; mở cửa trở lại cho gần 1 triệu lượt khách Nga/năm, giảm thiểu chi phí giãn cách xã hội, cách ly bắt buộc 14 ngày với người nhập cảnh. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư Nga đang tìm kiếm các kênh đầu tư ra nước ngoài sang Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh bị nhiều hạn chế trên các nước trên thế giới" – ông Nguyễn Huy Hùng Việt nhấn mạnh.
Được biết, VR-Logistic là tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nga hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế và đại diện hải quan, có hệ thống mạng lưới các chi nhánh ở khắp Châu Âu, Trung Quốc và Nga.
Cùng với việc bắt tay hợp tác với đối tác Nga, T&T Group vừa qua đã hợp tác với "ông lớn" ngành logistics – Tập đoàn YCH (Singapore) để triển khai "Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc". Đây là trung tâm logistics đa phương thức tích hợp cảng cạn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD, quy mô 83 ha, công suất thiết kế hàng hóa thông qua khoảng 530.000 TEU, nằm tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, được kỳ vọng sẽ tạo ra điểm kết nối lưu thông chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và quốc tế.