Thursday, Jul 21, 07:07 AM

Huawei và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển công nghệ thông tin của nhân loại

Hơn 30 năm qua hãng công nghệ viễn thông hàng đầu thế giới Huawei đã phát triển vì một sứ mệnh lớn lao hơn, đó là thu hẹp khoảng cách số và cống hiến cho sự phát triển công nghệ thông tin của nhân loại.

Huawei và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển công nghệ thông tin của nhân loại
Huawei và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển công nghệ thông tin của nhân loại

Huawei được ông Nhậm Chính Phi – cựu kỹ sư Trung Quốc thành lập năm 1987 tại Thâm Quyến, ngay thời điểm Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa. Bản thân ông Nhậm giai đoạn này gặp muôn vàn khó khăn với số vốn ban đầu là 3.300 USD. Chưa hiểu rõ về kinh tế thị trường, từng nhiều lần bị chèn ép, thất bại, thời điểm đó ông Nhậm nghĩ "chỉ gây dựng một công ty nhỏ" vì vẫn còn vợ con và gia đình phía sau. Vì thế, cựu quân nhân đã phải "dò đá băng sông", cùng đội ngũ nhân viên nỗ lực phi thường để đảm bảo sự "sinh tồn" cho đứa con tinh thần Huawei.

Ba mươi năm trước, ở một thế giới khi con người muốn gọi điện phải quay số điện thoại bàn, Huawei đã bắt đầu với một số thiết bị viễn thông đơn giản và dùng những số tiền kiếm được đầu tiên để tái đầu tư. Từng bước đi lên và chuyên tâm vào lĩnh vực công nghệ viễn thông, Huawei lớn mạnh cùng sự phát triển nhảy vọt của thời đại: một xã hội đã có cáp quang, thông tin di động và băng thông rộng, nay đang bước vào thời kỳ xã hội đám mây, kết nối toàn diện cùng trí tuệ nhân tạo (AI).

Ba mươi năm một con đường – mở rộng kết nối mạng, thu hẹp khoảng cách số

Nếu ví thị trường viễn thông như một khu rừng, thì các đối thủ cùng thời của Huawei là báo gấm, sư tử - được hậu thuẫn về vốn, công nghệ hay chính phủ. Còn Huawei đích thị là một con sói "đơn thân độc mã" và phải sống bằng bản năng sinh tồn. Chẳng có nguồn lực, công nghệ và sự hỗ trợ từ bên ngoài, ông Nhậm xác định phải thu hẹp sức mạnh của Huawei, nhắm một "cửa thành" mà xung phong từng chút một. "Cửa thành" cao lớn của năm nào giờ được công phá, Huawei đứng tự tin trên chiến đài và phất cao lá cờ đi đầu trong công nghệ viễn thông.

Huawei hiện cung cấp đầy đủ các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông. Các giải pháp của Huawei đã phục vụ hơn 3 tỷ người tại 170 quốc gia, giúp các nhà khai thác viễn thông cắt giảm chi phí, giúp nhiều người ở vùng sâu, các nước nghèo, các nước đang phát triển được kết nối mạng dễ dàng. Tại các nước đang phát triển, nơi điện thoại di động là hình thức truy cập internet chính, Huawei cũng mang đến rất nhiều sản phẩm ở các mức chi phí khác nhau, phục vụ cho tất cả đối tượng người dùng. Tính đến năm 2018, Huawei bán được 200 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu, gấp 66 lần trong 8 năm, kể từ năm 2010.

Sau hơn 33 năm, Huawei đã mang lại những cống hiến ý nghĩa cùng sứ mệnh cung cấp kết nối tốt hơn và thông minh hơn. Huawei cam kết mang đến một nền tảng viễn thông phù hợp với tất cả công ty trên thế giới theo cùng một tiêu chuẩn. Ông Nhậm ví von Huawei như một mảnh đất và nhiệm vụ của công ty là làm cho mảnh đất này luôn màu mỡ, tươi tốt, để người khác có thể trồng nhiều thứ như ngô, đậu nành, khoai tây, lạc… và gặt hái được vụ mùa năng suất.

Điều gì sẽ khiến mảnh đất nhiều dinh dưỡng, chẳng phải chính là phân bón? Huawei đã đưa "phân bón" vào đất đai của mình mỗi ngày với số tiền đầu tư cho R&D hằng năm chiếm từ 10 – 15% doanh thu của công ty, tương đương 15-20 tỷ USD. Nhờ tập trung cho đầu tư nghiên cứu, Huawei liên tục là đơn vị hàng đầu về công nghệ, đi trước đối thủ nhiều năm. Mặc dù điều Huawei mong muốn không phải là cạnh tranh với đối thủ, mà là áp lực cải tiến công nghệ để đáp ứng nhu cầu của con người.

Những giải thưởng, những sự công nhận mà Huawei đạt được tương tự như ánh sáng rực rỡ tỏa xung quanh viên kim cương đã được mài dũa trong nhiều thập kỷ. Huawei liên tục giành nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2020, giải pháp Huawei AirPON nhận giải thưởng Giải pháp truy cập cố định tốt nhất tại Diễn đàn Thế giới băng thông rộng (BBWF), nhờ bộ tính năng sáng tạo, cung cấp các trải nghiệm mạng gia đình cao cấp và giúp các nhà khai thác di động nhanh chóng xây dựng mạng cố định.

Huawei và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển công nghệ thông tin của nhân loại - Ảnh 1.

Huawei đầu tư 10-15% doanh thu vào R&D - Ảnh: Reuters

Tiếp tục cống hiến cho nhân loại

"Nếu các bạn có kiên nhẫn, hoan nghênh các bạn mua cổ phiếu của Huawei sau 3000 năm nữa", ông Nhậm vừa quả quyết vừa hóm hỉnh khi trả lời trước câu hỏi kế hoạch niêm yết của Huawei. Từ ban đầu, công ty đã không đi theo con đường niêm yết trên sàn chứng khoán và tương lai cũng sẽ không. Việc không cần quan tâm đến một báo cáo tài chính đẹp, sự hài lòng của nhà đầu tư hay làn sóng biến động của cổ phiếu giúp Huawei vững tâm bước đi trên con đường đã chọn: phục vụ lợi ích của nhân loại. Nếu chọn phát triển theo hướng công ty niêm yết và xem trọng lợi nhuận, Huawei đã không sẵn sàng phục vụ ở nơi có nạn sốt rét, không thể triển khai mạng ở đỉnh núi Everest hay trong rừng rậm hiểm nguy tận Colombia.

Trong một lần đi tham quan trạm gốc của Huawei tại đỉnh Everest, tại điểm dừng 5.200 m, ông Nhậm được mọi người khuyên: "Đừng đi, ông không thể". Ông quả quyết: "Tại sao tôi không thể đi? Nếu tôi tham sống sợ chết, làm sao tôi có thể thúc đẩy nhân viên lên phía trước? Khi đất nước xảy ra chiến tranh, tôi cũng ở đó. Nếu chúng ta không phục vụ đúng nhiệm vụ, sẽ có nhiều người gặp hiểm nguy hơn".

Tinh thần cống hiến của người sáng lập vẫn cháy bỏng trong từng nhân viên Huawei. Khi bệnh sốt rét hoành hành ở châu Phi, động đất ở Nhật Bản, nhân viên Huawei vẫn túc trực và hoàn thành nhiệm vụ. Họ đi ngược chiều tị nạn, tiến vào hiểm nguy để ứng cứu, khôi phục trạm gốc, để giúp người dân và chính phủ có được kết nối sớm nhất, góp phần ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Trong trận sóng thần ở Indonesia nhấn chìm hàng trăm nghìn người, 47 nhân viên Huawei đã nỗ lực phục hồi 668 trạm gốc tại khu vực thảm họa chỉ trong vòng 13 giờ. Trên thực tế, khi hoạt động ở các nước nghèo, điển hình tại Sudan, Huawei làm mọi thứ không phải để kiếm tiền, nhưng vì lý tưởng phục vụ con người, Huawei vẫn sẽ tiếp tục ở đây.

Huawei và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển công nghệ thông tin của nhân loại - Ảnh 2.

Huawei nỗ lực thu hẹp khoảng cách số - Ảnh: Huawei

Ươm mầm cho nhân tài tương lai

Để phục vụ được nhiều người hơn, "mảnh vườn" Huawei cần phải được mở rộng và ươm mầm nhiều hạt giống chất lượng. Trong nhiều năm, Huawei đã mở cửa đón nhân tài, thu hút hàng trăm nhà toán học, vật lý, hóa học và hàng nghìn chuyên gia nghiên cứu cơ bản, các kỹ sư cao cấp… về nghiên cứu và làm việc.

Huawei chỉ là một "công ty công nghệ nghèo", nhưng có những khối óc tài năng. Đó chính là sứ mệnh giáo dục mà ông Nhậm đã muốn hồi sinh như thời Học viện Quân sự Hoàng Phố. Trường đào tạo sĩ quan lục quân của Trung Quốc chỉ hoạt động từ năm 1924-1927, nhưng đã cho "ra lò" những tướng lĩnh, danh nhân quân sự xuất sắc dưới sự giảng dạy của các chuyên gia quân sự cấp cao trong và ngoài nước. Với ông Nhậm, trọng tâm của quốc gia là phải phát triển giáo dục bằng cách mở đường cho các tài năng và nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên.

Với hàng chục chương trình tài trợ nghiên cứu tại các trường đại học lớn trên thế giới, Huawei đã và đang mang đến đôi cánh và cánh cửa rộng mở cho các nhà khoa học trẻ bước vào thế giới khoa học – kỹ thuật mới. Tiến sĩ Viktor Kovales từ đại học London, người được Huawei hỗ trợ trong một dự án về nhận diện giọng nói qua AI cho biết: "Nhờ có Huawei, tôi đã có cơ hội nghiên cứu sâu hơn để có thể đưa ra những sáng kiến cho công nghệ này. Tôi hy vọng Huawei sẽ mở rộng chương trình tài trợ nhằm giúp cho nhiều nhà khoa học trẻ có điều kiện khám phá những công nghệ có ích cho nhân loại".

Hàng năm, Huawei đã đầu tư vào hoạt động đào tạo nhân tài. Đặc biệt, trong năm nay, Huawei đã công bố Chương trình Hạt giống cho Tương lai 2.0, qua đó Huawei có kế hoạch đầu tư 150 triệu USD vào phát triển tài năng kỹ thuật số trong 5 năm tới. Chương trình này dự kiến ​​sẽ mang lại lợi ích cho hơn 3 triệu người. Tại Việt Nam, Chương trình này đã được tổ chức suốt 5 năm qua.

Xuất thân trong một gia đình nghèo tại vùng nông thôn xa xôi ở Quý Châu, ông Nhậm từ nhỏ đã ý thức được giá trị của giáo dục sẽ giúp trẻ em làng quê bước khỏi cánh cổng ao làng để xây dựng quê hương. Có lẽ vì thế, động lực phục vụ con người đặc biệt ở vùng quê và các nước nghèo càng được thôi thúc trong sứ mệnh của Huawei, trong đó, kết nối mạng chính là chiếc chìa khóa vàng để mở ra một thế giới tri thức và sáng tạo công nghệ cho tương lai.

14297nh-d14297ng
Theo Theo Nhịp sống kinh tế https://cafef.vn/huawei-va-no-luc-cong-hien-cho-su-phat-trien-cong-nghe-thong-tin-cua-nhan-loai-20210714163846873.chn Copylink