Kết quả giám đốc thẩm vụ ly hôn nghìn tỷ ở Trung Nguyên: Y án phúc thẩm, chỉ một chi tiết trong bản án phúc thẩm bị thay đổi
Hội đồng giám đốc thẩm chỉ sửa một phần án liên quan đến yêu cầu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Mới đây, TAND Tối cao mở phiên tòa đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, sau khi có kháng nghị từ viện trưởng VKSND Tối cao .
Theo đó, các quyết định của bản án phúc thẩm cuối năm 2019 sẽ được giữ nguyên. Chỉ duy nhất một phần bản án thay đổi do phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ có đơn đề nghị rút yêu cầu chia 70 tỉ trong tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn (anh trai bà Thảo). Vì đây là sự định đoạt của đương sự, TAND Tối cao đã sửa án phần này theo yêu cầu của ông Vũ.
Cụ thể, trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, xuất hiện các tài khoản tại ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam có tên ông Lê Hoàng Văn nhưng tòa án hai cấp không làm rõ nguồn gốc số tiền (1.400.269 GBD và 7.350.000 USD). Tòa hai cấp không làm rõ quá trình quản lý, sử dụng, tài sản hiện tại còn bao nhiêu, ai là người quản lý… mà vẫn xác định là tài sản chung của vợ chồng và chia cho bà Thảo số tiền này là không đúng.
Kháng nghị Giám đốc thẩm
Trước đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm án phúc thẩm ngày 5/12/2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM. Kháng nghị đề nghị huỷ bản án sơ và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử lại từ đầu.
Kháng nghị cho rằng bản án trên có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể tòa sơ thẩm và phúc thẩm không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất động sản vào tham gia tố tụng nhằm giải quyết triệt để vụ án là vi phạm.
Theo tờ Tuổi trẻ, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện KSND TP.HCM đã có quyết định kháng nghị và chỉ ra 11 điểm sai phạm nghiêm trọng, đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM hủy bản án sơ thẩm.
Cụ thể, về quan hệ hôn nhân, bà Thảo kháng cáo, muốn được đoàn tụ với ông Vũ nhưng ông Vũ không đồng ý. Do đó, bà Thảo và ông Vũ không còn là thuận tình ly hôn. Tòa án cấp phúc thẩm vẫn công nhận thuận tình ly hôn là không đúng.
Tòa án không tiến hành định giá mà sử dụng kết quả thẩm định giá và giá các bất động sản do các bên thống nhất để giải quyết vụ án là không bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự; nhiều báo cáo tài chính năm của các công ty không được kiểm toán; chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên...
Đặc biệt, về vấn đề chia tài sản, Viện KSND tối cao cho rằng tuyên giao cho bà Thảo quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất tại 7 bất động sản là không đúng mà phải giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng mới đúng theo quy định của pháp luật.
Bởi dù bà Thảo sang Úc kinh doanh và được Chính phủ Úc cấp thị thực định cư thì bà vẫn là người Việt Nam nên bà Thảo vẫn có quyền quản lý, sử dụng, sở hữu đối với 7 bất động sản nêu trên.
Về cổ phần các công ty, Viện KSND cho rằng đây là tài sản chia được bằng hiện vật. Tòa án chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo bằng giá trị là không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tòa án hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho ông Vũ phần nhiều hơn, chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo.
Về tài sản là tiền, vàng gửi ngân hàng, đại diện của ông Vũ xác định tổng số tiền yêu cầu phản tố là 1.764 tỉ đồng. Tuy nhiên, tòa án không yêu cầu bị đơn cung cấp căn cứ để tính ra số tiền trên mà đã công nhận số tiền do bị đơn khai tại phiên tòa là chưa có căn cứ vững chắc.
Ngoài ra, tòa án hai cấp giao cho bà Thảo được sở hữu khối tài sản tiền, vàng, các loại ngoại tệ hiện nay nằm trong ngân hàng quy đổi thành tiền là 1.764 tỉ đồng tại các ngân hàng trong khi kết quả xác minh tại thời điểm xét xử số dư chỉ còn 1 tỉ đồng là chưa chính xác, không đúng với số tiền thực có gửi tại ngân hàng, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Tuổi trẻ cũng cho biết, theo yêu cầu của ông Vũ, tòa án đã có công văn yêu cầu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam cung cấp số dư trong 23 tài khoản mang tên bà Thảo tại ngân hàng này. Trong 23 tài khoản ở ngân hàng trên thì có 6 tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn (anh bà Thảo) nhưng tòa án lại xác định số tiền trong 6 tài khoản này là tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo là chưa có cơ sở.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và phía ông Vũ có đơn đề nghị rút yêu cầu chia 70 tỉ trong 1 tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn, căn cứ vào sự định đoạt của đương sự, TAND tối cao đã sửa một phần bản án theo hướng chấp nhận yêu cầu này của ông Vũ. Các quyết định khác của bản án được giữ nguyên.
Kết quả xét xử phúc thẩm
Ngày 5-12-2019, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, giao cho bà Thảo nuôi các con chung, ông Vũ cấp dưỡng nuôi các con chung 10 tỉ đồng/năm từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Đối với cổ phần Trung Nguyên, tòa chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%. Tuy nhiên, tòa giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số sổ phần chung của hai vợ chồng trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên - tương đương 5.365 tỷ đồng và thanh toán lại tiền cho bà Thảo.
Đối với 13 bất động sản, tòa ghi nhận sự thoả thuận của hai bên, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỷ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỷ đồng bao gồm căn nhà trên đường Tú Xương - nơi bà và các con sinh sống.
Bà Thảo tiếp tục sở hữu số tài sản khoảng hơn 1.700 tỷ đồng là tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng. Sau khi cấn trừ ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán cho bà Thảo thêm 1.220 tỷ đồng.
Thời khởi nghiệp của Đặng Lê Nguyên Vũ: Lò cà phê của những sinh viên cứ cháy lên lại bị chủ trọ dẹp bỏ, bán chiếc dream của bạn để có vốn làm ăn