Không đâu như ở Hoà Phát: Công ty lãi 13.500 tỷ năm 2020, CEO Trần Tuấn Dương còn bị giảm lương, "mưa" tiền thưởng phải chờ ĐHCĐ
Về cơ bản, lãnh đạo Hoà Phát đi làm không phải vì lương.
Báo cáo kiểm toán năm 2020 của Tập đoàn Hoà Phát cho thấy doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của tập đoàn lập đỉnh lịch sử, lần lượt đạt 91.279 tỷ đồng và 13.506 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 78% so với năm 2019.
Mặc dù vậy, thù lao thành viên Hội đồng quản trị và lương thưởng của Ban Giám đốc đều giảm so với năm 2019.
Thù lao và lương thưởng của Ban điều hành Hoà Phát (Nguồn: Báo cáo kiểm toán)
Cụ thể, tổng thù lao của thành viên HĐQT năm 2020 ghi nhận trên báo cáo kiểm toán là 25,24 tỷ đồng, giảm hơn 2 tỷ so với năm trước, trong khi đó lương thưởng của Ban Giám đốc là 2,32 tỷ đồng, giảm 220 triệu đồng so với năm 2019.
Hội đồng quản trị của Hoà Phát có 9 thành viên bao gồm Chủ tịch Trần Đình Long, 3 Phó Chủ tịch HĐQT là ông Trần Tuấn Dương kiêm Tổng giám đốc, ông Doãn Gia Cường, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, 5 thành viên là ông Hoàng Quang Việt, ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Tạ Tuấn Quang, ông Nguyễn Việt Thắng và ông Hans Christian Jacobsen, Tổng giám đốc của Bank Invest đại diện cho quỹ PENM.
Danh sách HĐQT Hoà Phát
Như vậy mức thù lao của các thành viên HĐQT Hoà Phát năm 2020, theo số liệu của báo cáo kiểm toán là 2,8 tỷ đồng/người/năm.
Ban Tổng giám đốc gồm có 3 thành viên là ông Trần Tuấn Dương (CEO), và 2 Phó Tổng giám đốc là ông Nguyễn Việt Thắng và bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên. Bình quân lương thưởng của Ban Tổng giám đốc là 773 triệu đồng/người/năm, tương đương 64,4 triệu đồng/tháng, chỉ ngang với một chuyên viên hoặc trưởng nhóm cấp cao tại các ngân hàng tư nhân.
Mức lương này là quá thấp so với tầm vóc của Hoà Phát, khi tổng tài sản của tập đoàn tính đến 31/12/2020 là 151.000 tỷ, tương đương 6,4 tỷ USD. Tập đoàn cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 rất tham vọng, doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Masan Group Danny Le thu nhập từ lương là 9,535 tỷ đồng năm 2020. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) năm 2020 nhận thu nhập 9,56 tỷ đồng.
Do ông Trần Tuấn Dương kiêm nhiệm thành viên HĐQT, nên tổng thu nhập sẽ vào khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.
Ngày 26/3/2021, Tập đoàn Hoà Phát ra Nghị quyết HĐQT để trình ĐHCĐ. Theo đó, Tập đoàn trích lập 5% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 vào quỹ khen thưởng Ban điều hành, tương đương 225 tỷ đồng, trích lập 0,6% LNST thù lao Hội đồng quản trị, tương đương 81 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi thành viên HĐQT sẽ nhận thêm thù lao khoảng 3 tỷ đồng.
Với con số 225 tỷ đồng quỹ khen thưởng Ban điều hành, không chỉ có Ban Tổng giám đốc mà còn là các giám đốc công ty con, trưởng nhóm phụ trách tại các nhà máy.
Trích lập các quỹ của Hoà Phát năm 2020
Về cơ bản, lãnh đạo Hoà Phát đi làm không phải vì lương. Nếu nhìn vào số cổ phiếu HPG của các thành viên ban điều hành nắm giữ.
Chủ tịch Trần Đình Long đang nắm khoảng 1/3 công ty, Tổng số cổ phiếu HPG của gia đình ông Long (bao gồm vợ và con trai, con gái) tại thời điểm cuối năm 2020 là 1,155 tỷ cổ phiếu. Với thị giá 46.000 đồng/cp, tổng giá trị cổ phần của gia đình ông Long đang nắm giữ khoảng 53.132 tỷ đồng, con số này đã tăng gần gấp 3 trong năm qua. Mỗi năm HPG trả cổ tức 30%, giá trị cổ phiếu của ông Long là rất xa so với thù lao HĐQT.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Dương đang nắm giữ 88.645.000 cổ phiếu HPG (2,68%), giá trị hơn 4.077 tỷ đồng. Năm qua, giá trị cổ phiếu của ông Dương cũng tăng gần gấp 3, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng khi cổ phiếu HPG tăng từ 16.000 đồng/cp lên 46.000 đồng/cp.
Công ty cũng trích 3,02% lợi nhuận sau thuế tương đương 408 tỷ đồng vào quỹ khen thưởng phúc lợi.
Năm 2020, chi phí lương của Hoà Phát tăng mạnh. Tổng chi phí cho nhân viên năm 2020 là 2.952 tỷ đồng, tăng 58,8% so với năm 2019.