KIDO chính thức nhảy vào cuộc chiến bán lẻ theo chuỗi sau 5 năm hụt mua PhinDeli: Lập liên doanh và nắm chi phối 61% vốn
Được biết, thị trường bán lẻ theo chuỗi là cuộc chơi của loạt tay lớn ngoại nội hiện nay. Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, giá trị thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam hiện đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Các thương hiệu lớn hiện nay phải kể đến The Coffee House, Highland, Starbucks… đều đang trong cuộc đua "đốt tiền" và chưa có tín hiệu sẽ dừng tăng tốc.
Ngày 27/5/2021, Tập đoàn KIDO (KDC) công bố ký thoả thuận với đối tác kinh doanh, chính thức công bố triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng. Tổng đầu tư dự án dự kiến 100 tỷ đồng, KDC sẽ tham gia 61% vốn và nắm chi phối hệ thống bán lẻ này.
Được biết, thị trường bán lẻ theo chuỗi là cuộc chơi của loạt tay lớn ngoại nội hiện nay. Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, giá trị thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam hiện đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Các thương hiệu lớn hiện nay phải kể đến The Coffee House, Highland, Starbucks… đều đang trong cuộc đua "đốt tiền" và chưa có tín hiệu sẽ dừng tăng tốc.
Trong động thái mới nhất, Công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng chính thức đánh tiếng tham gia, trong đó Công ty TNHH The Sherpa - thành viên của Tập đoàn Masan – đã mua lại 20% cổ phần thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam.
Trước đó không lâu, Nova Consumer - thành viên Tập đoàn No Va (Novaland) của ông Bùi Thành Nhơn - cũng thâu tóm PhinDeli. Điều đặc biệt, trước Nova Consumer, PhinDeli đã từng định bán mình cho Kinh Đô khi tập đoàn này muốn hợp tác để bước chân vào thị trường cà phê, khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, hợp tác này sau đó không trở thành hiện thực, nguyên nhân do Kinh Đô đang bận triển khai thương vụ với Mondelēz, do đó PhinDeli không còn là ưu tiên.
Hay thương hiệu ngoại, Café Amazon – ông lớn Thái Lan – đầu năm nay chính thức gia nhập và tuyên bố sẽ phủ khắp từ năm 2021.
Về phía KDC, xuất thân là công ty trong ngành hàng thực phẩm, lợi thế hiện nay của Tập đoàn là công đoạn R&D sản phẩm, đón đầu được xu thế, khẩu vị tiêu dùng của giới trẻ. Năm 2020, KDC đã có một công cuộc tái cấu trúc toàn bộ Công ty, đưa hết những thành viên sáp nhập vào Tập đoàn. Ngoài ra, KDC cũng bắt tay với Vinamilk cùng ra mắt thương hiệu nước Vibev.
Lên kế hoạch cho năm 2021, KDC đặt kế hoạch doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020. Tương ứng lợi nhuận trước thuế dự đạt 800 tỷ đồng, tăng 91,5% so với năm 2020. Trong đó, riêng ngành hàng mới là Snacking, KDC sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra thị trường các sản phẩm ăn vặt, trung thu, bánh tươi. Dự kiến các sản phẩm trong ngành hàng Snacking cũng sẽ đóng góp phần lớn vào doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn.
Ngoài ra, khoản đầu tư về dịch vụ, thương mại dự kiến cũng sẽ ghi nhận vào doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn trong năm 2021.