Saturday, Jan 21, 07:01 AM

Làm ăn với Apple là phải "im như thóc" và Hyundai vừa học được bài học đó

Trong một xác nhận hồi tuần trước, nhà sản xuất xe Hàn Quốc Hyundai cho biết họ đang đàm phán với Apple về ô tô. Tuy nhiên, những thông tin này đã được rút lại gần như ngay lập tức.

Làm ăn với Apple là phải
Làm ăn với Apple là phải "im như thóc" và Hyundai vừa học được bài học đó

Động thái của Hyundai gần như chắc chắn là hậu quả của việc Apple luôn khăng khăng giữ bí mật về các nhà cung ứng hoặc đối tác tiềm năng. Các công ty làm ăn với Apple phải tuân thủ thỏa thuận không tiết lộ thông tin nghiêm ngặt, ngay cả khi họ là công ty đại chúng và Apple là khách hàng lớn.

Trước đó, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cho biết họ đang trong giai đoạn đầu làm việc với Apple liên quan đến công bố theo đuổi xe điện của Táo khuyết. Tuy nhiên, thông tin này đã nhanh chóng được phía Huyndai đính chính, dấu hiệu tiêu cực cho tương lai mối quan hệ mà công ty Hàn Quốc nhắc đến.

Mặc dù các thỏa thuận không tiết lộ chủ yếu phổ biến trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng những người làm việc với Apple cho biết Táo khuyết coi trọng bảo mật thông tin hơn hết thảy các đối thủ cạnh tranh. Apple cũng nói với các đối tác rằng không được đề cập tới họ trước công chúng hoặc truyền thông. Một người từng làm việc với Apple cũng mô tả đòi hỏi của nhà Táo về bảo mật là vô cùng khắt khe.

Trong một số ít trường hợp, Apple đe dọa phạt các nhà cung cấp 50 triệu USD cho mỗi vụ rò rỉ thông tin riêng lẻ. Nhà cung ứng GT Advanced Technologies phá sản dường như bắt nguồn từ các điều khoản trong hợp đồng này.

Tuy nhiên, một số ít công ty có thể được nói một cách hạn chế về công việc làm ăn với Apple nếu được Táo khuyết công khai nói trước. Corning, một công ty làm kính cho iPhone là một trong số đó. Táo khuyết đã lên tiếng trước về mối quan hệ với công ty này.

Dẫu vậy, hồi đầu năm nay, CEO Apple không thoải mái khi nói về mối quan hệ này cho tới khi Corning ra mắt mẫu kính mới với khả năng chịu lực mạnh hơn. Nó được đề cập trong buổi ra mắt trực tuyến các mẫu iPhone 12 của Táo khuyết.

"Tôi phải nói rằng rất khó để gọi tên Apple thành tiếng. Tôi thậm chí còn không nghĩ mình đã làm điều đó. Bên trong công ty, chúng tôi gọi Apple bằng mã riêng. Thậm chí, chúng tôi còn chẳng bao giờ nói "apple" trong doanh nghiệp của mình. Bạn thấy đấy, tôi vẫn hơi ngượng ngịu khi đọc tên của họ", CEO Wendell Weeks của Corning chia sẻ trong một cuộc họp hồi tháng 10.

Vì sao Apple thích giữ bí mật?

Nỗi ám ảnh về bí mật của Apple là một trong những yếu tố then chốt ở gã khổng lồ công nghệ này. Ngay tại thung lũng Silicon, người ta cũng gọi đùa Apple là "công ty trái cây". Năm 2011, Apple bán một chiếc áo sơ mi trong cửa hàng quà tặng ở khuôn viên trụ sở của mình với dòng chữ: "Tôi đã đến thăm trụ sở Apple. Nhưng đó là tất cả những gì tôi được phép nói".

Sự bí mật của Apple có thể gắn liền với người sáng lập của nó Steve Jobs. Jobs là một thiên tài và là linh hồn của Táo khuyết. Người ta nhớ tới Jobs với các buổi trình diễn ấn tượng. Tuy nhiên, để có thể ra mắt sản phẩm một cách hoàn hảo, những bí mật là điều quan trọng nhất để cả thế giới luôn hào hứng với sản phẩm Apple.

Ngày nay, Apple vẫn dựa vào sự ngạc nhiên và vui mừng của người xem trong các buổi ra mắt sản phẩm để gia tăng độ phủ. Đây là chiến lược tiếp thị quan trọng và hiệu quả của nó đã được chứng minh. Ngoài ra, Apple còn coi thông tin chi tiết về các sản phẩm chưa phát hành là "một trong những tài sản lớn nhất của hãng".

Trong chính sách có hiệu lực từ tháng 10/2020, Apple cảnh báo nhân viên nên hết sức chọn lọc khi tiết lộ các thông tin của Apple cho các nhà cung ứng. Họ chỉ lên nói khi có thỏa thuận không tiết lộ.

"Khi cần chi sẻ thông tin bí mật với nhà cung ứng hoặc bên thứ 3 khác, đừng bao giờ tình nguyện nói nhiều hơn ngoài những gì cần thiết để giải quyết vấn đề. Bất cứ thông tin mật nào được chia sẻ bên ngoài Apple đều phải tuân thủ thỏa thuận không tiết lộ", chính sách của Apple cho biết.

Con dao hai lưỡi

Ngay cả khi đối diện với những thách thức, nhiều nhà cung ứng cũng nỗ lực chớp lấy cơ hội làm việc với Apple. Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ vào tháng 3/2020, Cirrus Logic, một nhà sản xuất chip âm thanh, nói rằng doanh số bán cho Apple chiếm 81% tổng doanh thu của họ, tương đương 1,28 tỷ USD.

Tuy nhiên, CEO của Cirrus hiếm khi nói đến tên Apple trong suốt nhiều năm trời. Năm 2017, trong một bài thuyết trình trước các nhà đầu tư, Cirrus để logo của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, người ta không thấy logo của Apple. Thay vào đó là một chiếc hộp màu nâu với dòng chữ "khách hàng số 1".

Các công ty đại chúng khác cũng chọn cách nói lái khi phải thảo luận về các hoạt động sản xuất kinh doanh với Apple. Tháng 6 năm ngoái, CEO Hock Tan của Broadcom tiết lộ rằng iPhone 12 sẽ được phát hành muộn hơn bình thường khi thảo luận về doanh thu của mình. Tuy nhiên, Tan không nói gì tới iPhone hay Apple. Thay vào đó, ông nói rằng "khách hàng điện thoại di động lớn nhất của chúng ta ở Bắc Mỹ".

Tuy nhiên, chơi với Apple cũng như chơi với lửa. Năm 2014, một vụ phá sản đã cho thấy sự nghiêm ngặt của Táo khuyết trong việc yêu cầu bảo mất của các nhà cung ứng. Năm 2013, GT Advanced Technologies đã ký thỏa thuận chế tạo kính để chống xước cho màn hình iPhone. Tuy nhiên, GT đã thất bại. Trong thủ tục phá sản, GT đưa ra một hợp đồng mật nói rằng họ sẽ phải trả 50 triệu USD cho Apple vì một vụ rò rỉ thông tin.

Apple đã làm việc với GT ngay khi thông tin về khoản phạt 50 triệu USD bị rò rỉ. Một điều kiện của thỏa thuận là GT giữ bí mật về "mối quan hệ của mình với Apple". Trong khi đó, Táo khuyết luôn từ chối bình luận về chuyện này.

linh-anh
Theo Theo Trí thức trẻ https://cafef.vn/lam-an-voi-apple-la-phai-im-nhu-thoc-va-hyundai-vua-hoc-duoc-bai-hoc-do-20210115171207955.chn Copylink