Tuesday, Jun 21, 06:06 PM

Làn sóng Covid-19 thứ 4: Doanh nghiệp không còn hoang mang

Không còn tâm lý hoang mang, lo lắng như đợt dịch lần đầu tiên, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã chủ động hơn trong việc ứng phó với làn sóng Covid-19 lần thứ 4, vì thế hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều.

Làn sóng Covid-19 thứ 4: Doanh nghiệp không còn hoang mang
Làn sóng Covid-19 thứ 4: Doanh nghiệp không còn hoang mang

Ký hợp đồng… qua mạng

Là một doanh nghiệp nhỏ với khoảng 25 nhân viên, thành lập vào năm 2015, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, thời trang. Hiện Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam cung cấp cho khoảng trên 40 hãng thời trang trong nước và đang bắt đầu tiếp cận với các đối tác tại thị trường nước ngoài. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Hà Minh – Giám đốc Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam – cho biết: So với những đợt dịch trước, đợt dịch Covid-19 lần này công ty đã bình tĩnh, chủ động hơn rất nhiều, không còn tâm lý hoang mang, lo lắng.

Làn sóng Covid-19 thứ 4: Doanh nghiệp không còn hoang mang
Giao dịch qua mạng được ưu tiên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Theo đó, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gần như vẫn diễn ra bình thường. Bởi bà Lê Hà Minh cho rằng, môi trường kinh doanh trong thời đại số hiện nay đã hoàn toàn thay đổi, để có được hợp đồng doanh nghiệp không nhất thiết phải đến gặp mặt trực tiếp với đối tác để trao đổi, không cần “vượt biên” như trước đây mà thay vào đó có thể trao đổi online trên môi trường mạng và đi đến ký kết các thỏa thuận hợp tác.

“Nhờ đó, kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2021 của Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam vẫn tốt hơn cùng kỳ năm 2020 và chúng tôi đánh giá quý II/2021 cũng khả quan hơn quý II/2020” – bà Lê Hà Minh nhấn mạnh.

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có trụ sở đặt tại quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) - chia sẻ, trải qua liên tiếp các đợt dịch từ đầu năm 2020 cho đến nay, nên đến đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này lãnh đạo công ty không còn tâm lý hoang mang, lo lắng như những lần trước. Dù khó khăn rất nhiều, nhất là khi một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đang phải dừng hoạt động – trong số đó có cả khách hàng của công ty, nhưng thay vì hoang mang, chờ đợi dịch qua đi, chúng tôi vẫn chủ động tìm kiếm khách hàng thông qua hình thức trực tuyến hay tại các diễn đàn, do đó vẫn có những hợp đồng mới được ký kết và người lao động vẫn có đủ việc làm.

Cái khó “ló” cái khôn

Với bà Bùi Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty CP Basca Việt Nam, dịch Covid-19 đem đến rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng trong khó khăn ấy lại xuất hiện những cơ hội. Cụ thể, bà Bùi Thị Thanh Xuân cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát, giá dầu thô thế giới bị đẩy lên cao, kéo theo đó là giá vật liệu đầu vào cũng tăng, các doanh nghiệp cung cấp buộc phải tăng giá, nhưng không được tăng quá 5-10% đơn giá đã ký với khách hàng. Điều này gây khó khăn cho những doanh nghiệp cung ứng vật liệu như Basca Việt Nam. Đứng trước thách thức đó, buộc doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động, tiết giảm chi phí không cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn tăng giá vật liệu với đối tác là chủ đầu tư và nhà thầu. Theo đó, thay vì nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài về bán, thì trong “cái khó ló cái khôn”, Basca Việt Nam đã tìm cách tự đầu tư dây chuyền, sản xuất một số sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước để giúp hàng hóa được bình ổn, không phụ thuộc cuộc tăng giá phi mã từ vật tư nhập khẩu.

“Trải qua 3 đợt dịch, đến làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, công ty chúng tôi xác định, nếu trường hợp xấu nhất xảy đến là giãn cách toàn xã hội trong vòng 14-21 ngày thì cũng không quá lo lắng vì hàng hóa đã đủ để cung cấp cho thị trường. Basca Việt Nam xác định, chuyển đổi sản xuất để bình ổn giá, chủ động nguồn vật tư, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên và đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi nếu dịch còn kéo dài trong thời gian tới là việc làm cần thiết” – bà Bùi Thị Thanh Xuân khẳng định.

Giống như Basca Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp cung ứng văn phòng phẩm trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, để ứng phó với dịch Covid-19, doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống là bán tại cửa hàng sang mô hình giao hàng trực tiếp cho khách tại nhà, tại nơi làm việc. Nhờ vậy mà doanh thu và đời sống người lao động vẫn ổn định.

nguy10762n-h10762a
Theo Công Thương https://congthuong.vn/lan-song-covid-19-thu-4-doanh-nghiep-khong-con-hoang-mang-158206.html Copylink