Mảng vẫn tải biển vẫn lỗ gần nghìn tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng hải muốn thoái vốn tại hàng loạt công ty
Năm 2020, Công ty mẹ Vinalines tiếp tục báo lỗ 824 tỷ đồng, trong khi mục tiêu ĐHĐCĐ đề ra là có lãi 52 tỷ. Năm 2019, công ty mẹ Vinalines cũng lỗ đến 613 tỷ đồng, chủ yếu ở mảng vận tải biển.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, MVN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên. Ghi nhận tình hình kinh doanh năm 2020, Vinalines đạt 11.127 tỷ doanh thu, vượt kế hoạch đề ra tuy nhiên giảm khoảng 10% so với năm 2019. Khấu trừ chi phí, Tổng Công ty lãi trước thuế 499,5 tỷ đồng, chỉ thực hiện được phân nửa chỉ tiêu và giảm 27%.
Chi tiết từng mảng kinh doanh hợp nhất, gồm:
+ Khối vận tải biển: Ước lỗ toàn khối vận tải biển (bao gồm các công ty con và công ty liên kết) năm 2020 khoảng 684,29 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề lên hoạt động kinh doanh của khối vận tải biển làm giảm doanh thu và hiệu quả khai thác của các đơn vị.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc từ tháng 1/2020, thị trường vận tải biển chịu ảnh hưởng nặng nề trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu và cước vận chuyển sụt giảm mạnh trên tất cả các tuyến chính, đặc biệt các tuyến khu vực Trung Quốc, Ấn Độ, Philippine. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển VIMC do đội tàu của các đơn vị chủ yếu hoạt động trên các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 30%) và ảnh hưởng tới tất cả các phân khúc tàu dầu, tàu container và tàu hàng rời.
+ Khối cảng biển: Năm 2020, khối cảng biển tiếp tục là điểm sáng trong công tác phát triển thị trường, khách hàng và đã thu hút được thêm 12 dịch vụ mới từ các hãng tàu container lớn trên thế giới. Tổng sản lượng của khối cảng biển đạt 110,6 triệu tấn, tăng so với thực hiện năm 2019 và kế hoạch năm 2020. Mặc dù doanh thu không đạt so với kế hoạch nhưng tổng lợi nhuận trước thuế toàn khối đạt 1.402 tỷ đồng, tăng 9,8% so với kế hoạch.
+ Khối dịch vụ hàng hải: Năm 2020 khối đã vượt kế hoạch được giao về doanh thu (đạt 1.716 tỷ đồng - tăng 12% so với kế hoạch) và lợi nhuận (đạt 60 tỷ đồng - tăng 7,9% so với kế hoạch). Một số đơn vị có lợi nhuận sụt giảm so với kế hoạch giao do bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Công ty mẹ tiếp tục báo lỗ 824 tỷ đồng, trong khi mục tiêu ĐHĐCĐ đề ra là có lãi 52 tỷ. Năm 2019, công ty mẹ Vinalines cũng lỗ đến 613 tỷ đồng, chủ yếu ở mảng vận tải biển.
Lên kế hoạch cho năm 2021, Tổng Công ty ước vận tải biển giảm hơn 16% sản lượng, xuống còn khoảng 18.707 ngàn tấn, vận tải qua cảng tăng nhẹ 3% lên 113.921 ngàn tấn. Tương ứng, tổng doanh thu dự đạt 10.828 tỷ đồng, giảm 3%; LNTT kế hoạch tăng mạnh lên 944 tỷ đồng. Công ty mẹ đặt kế hoạch không lỗ trong năm nay.
Năm nay, Vinalines dự kiến tiếp tục thoái vốn tại các công ty vận tải biển khi mảng vận tải biển đang thua lỗ nặng. Trong đó, Tổng Công ty sẽ thoái vốn khỏi 12 doanh nghiệp vận tải biển; riêng 8 công ty sẽ thoái hết toàn bộ cổ phần đang nắm giữ.
Đồng thời, Vinalines cũng thoái vốn mảng vận tải biển để dồn lực tập trung cho 2 mảng tiềm năng hiện nay là mảng khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Cùng với việc thoái vốn tại các công ty vận tải biển thành viên, năm 2021 Công ty cũng tiếp tục bán thanh lý 10 tàu biển (4 tàu thuộc công ty mẹ, 6 tàu thuộc các công ty thành viên) trong bối cảnh mảng vận tải biển của công ty này tiếp tục thua lỗ.
Chiều ngược lại, Công ty sẽ đầu tư 2 tàu container dung tích 1.700 -2.200 TEU đã qua sử dụng có tính năng phù hợp để khai thác. Tổng mức đầu tư dự kiến cho 2 tàu là 474 tỷ đồng.