Mỹ hủy bỏ thuế chống phá giá với “vua tôm” Minh Phú
Doanh nghiệp thủy sản lớn Minh Phú sẽ được tiếp tục xuất khẩu tôm đông lạnh sang Mỹ mà không bị áp thuế chống phá giá như Ấn Độ, hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác.
Ngày 17-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết doanh nghiệp này vừa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại từ Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP).
Theo đó, CBP đã huỷ bỏ quyết định đã ban hành ngày 13-10-2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào thị trường Mỹ.
"Quyết định mới nhất này cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác. Tập đoàn thủy sản này cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp (tiền ký quỹ) trước đó" - ông Lê Văn Quang nói.
Sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú. Ảnh: Ngọc Ánh
Trước đó, ngày 13-10-2020, CBP đã dựa theo Đạo luật Thực thi và Bảo hộ (EAPA) công bố kết luận rằng sản phẩm tôm đông lạnh do Minh Phú xuất khẩu vào thị trường Mỹ là đối tượng chịu thuế theo lệnh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ. Bởi lẽ, Minh Phú đã không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu của CBP để chứng minh công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ nhằm xuất khẩu sang Mỹ. Với kết luận này, sản phẩm tôm của Minh Phú xuất khẩu sang Mỹ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ (khoảng 10%).
Ngay sau đó, doanh nghiệp đã khiếu nại. Trên cơ sở khiếu nại của Minh Phú, cơ quan cấp cao phụ trách về luật pháp và phán quyết của CBP đã phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng và hồ sơ truy xuất nguồn gốc từ tôm nguyên liệu, qua các công đoạn sản xuất và xuất khẩu vào Mỹ mà Minh Phú đã cung cấp trong suốt vụ điều tra EAPA từ tháng 10-2019. Từ đó, CBP kết luận doanh nghiệp này không vi phạm các quy định của EAPA và quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ đối với những sản phảm xuất khẩu từ Minh Phú.
"Quyết định mới nhất của CBP thể hiện sự xem xét thấu đáo, công bằng và đánh giá chính xác về hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả cũng như những nỗ lực hợp tác của Minh Phú trong suốt hơn một năm kể từ khi CBP đã khởi xướng vụ điều tra EAPA vào ngày 9-10-2019" - ông Lê Văn Quang nhận xét.
Ông Quang cho hay để nhận được sự công nhận tại quyết định mới nhất của CBP, Minh Phú đã nỗ lực xây dựng và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc theo từng loại nguyên liệu, thậm chí từng vùng nuôi, cũng như hệ thống phần mềm lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất - kế hoạch hiện đại trong nhiều năm.