Wednesday, Dec 20, 07:12 AM

Nhà đầu tư thấy chuyển đổi số trừu tượng, CEO FPT nói: “FPT có hợp đồng trăm triệu USD”

Nếu các doanh nghiệp Ấn Độ đã tận dụng khủng hoảng Y2K để ghi tên mình vào bản đồ CNTT thế giới thì Covid-19 chính là cơ hội trăm năm có một cho Việt Nam.

Nhà đầu tư thấy chuyển đổi số trừu tượng, CEO FPT nói: “FPT có hợp đồng trăm triệu USD”
Nhà đầu tư thấy chuyển đổi số trừu tượng, CEO FPT nói: “FPT có hợp đồng trăm triệu USD”

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến tất cả các nền kinh tế nhưng đồng thời cũng là cú hích tạo lực đẩy cho các Chính phủ và doanh nghiệp tăng tốc trong việc thực hiện chuyển đổi số. Công nghệ đang trở thành công cụ trợ giúp đắc lực khi nhà nhà đều phải tìm cách sống chung với Covid-19.

"Covid-19 đã tạo cú hích để chúng tôi có được những hợp đồng trên 100 triệu USD, con số mà trong điều kiện bình thường có lẽ phải 3 năm nữa mới đạt được" – CEO Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa đã chia sẻ trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây.

Khái niệm chuyển đổi số đã được các lãnh đạo FPT truyền tải liên tục trong nhiều năm vừa qua nhưng với số đông nhà đầu tư cá nhân thì đây vẫn là mảng kinh doanh khá trừu tượng và khó hình dung so với các mảng khác của Tập đoàn như viễn thông hay quảng cáo, giáo dục…

Nhưng rõ ràng mảng kinh doanh này đang đóng góp ngày một quan trọng vào kết quả chung của toàn Tập đoàn. Trong 10 tháng đầu năm 2020, trước ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu hợp nhất của FPT chỉ tăng 7% thì mảng kinh doanh chuyển đổi số (tập trung vào các công nghệ điện toán đám mây, AI, RPA, IoT, low-code…) tăng trưởng tới 38%, đạt 2.704 tỷ đồng.

Nhà đầu tư thấy chuyển đổi số trừu tượng, CEO FPT nói: “FPT có hợp đồng trăm triệu USD” - Ảnh 1.

FPT đẩy mạnh đầu tư 6 công nghệ cốt lõi tạo ra những giá trị mới cho khách hàng

Tốc độ tăng trưởng này thực tế cũng không quá bất ngờ khi nhu cầu chuyển đổi số đang rất cao, tăng trưởng 18-25% trong khi tốc độ trung bình của ngành IT chỉ là 5-6%. Bên cạnh đó, chuyển đổi số có biên lợi nhuận trước thuế vào khoảng 20% - cao hơn đáng kể so với mức 16-17% của các dịch vụ CNTT truyền thống.

Báo cáo của FPT cũng cho biết tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của quý 3 về số lượng hợp đồng mới. Doanh thu ký mới của mảng Dịch vụ CNTT nước ngoài trong 10 tháng đầu năm đạt 10.944 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ và doanh thu ký mới của dịch vụ CNTT trong nước cũng tăng 16% lên gần 4.400 tỷ.

Trả lời băn khoăn của cổ đông về áp lực cạnh tranh trước các đối thủ tại thị trường quan trọng nhất là Nhật Bản, lãnh đạo FPT cho biết so với các công ty bản địa, FPT có lợi thế về tốc độ, nguồn lực công nghệ trẻ đông đảo và chi phí hiệu quả. Còn các đối thủ Ấn Độ mạnh về tiếng Anh trong khi muốn cung cấp dịch vụ vào Nhật Bản thì phải biết tiếng Nhật, hiểu văn hóa Nhật. Các công ty Trung Quốc là đối thủ lớn nhưng đang mất dần lợi thế vì giá rất cao.

Tổng Giám đốc FPT cũng nhận định nhu cầu chuyển đổi số bùng nổ trên toàn cầu sẽ yêu cầu nhiều kỹ năng, công nghệ mới. Do đó, cơ hội dành cho các nước như Việt Nam để bắt kịp các cường quốc dịch vụ CNTT khác như Ấn Độ và Trung Quốc là rất lớn. Ông Khoa cũng nhận định nếu ngành dịch vụ CNTT trị giá 80 tỷ USD của Ấn Độ có cú nhảy vọt lịch sử với các tên tuổi lớn như TCS, Infosys, Wipro sau cuộc khủng hoảng toàn cầu Y2K những năm 2000, thì Covid-19 chính là cơ hội trăm năm có một cho Việt Nam nói chung và những công ty công nghệ tiên phong chuyển đổi số như FPT nói riêng để có thể đưa tên mình lên bản đồ công nghệ thế giới.

Căn cứ để ông Khoa đưa ra nhận định trên không chỉ dựa vào sự tăng trưởng của thị trường mà còn dựa vào lợi thế nội tại.

Lợi thế đầu tiên chính là nguồn nhân lực. Việt Nam có hơn 150 trường có đào tạo ngành CNTT, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin với trình độ từ cao đẳng trở lên. Do vậy, Việt Nam được nhiều tập đoàn đa quốc gia xem là một điểm đến an toàn, cung cấp nguồn nhân lực tốt đảm bảo sự tăng trưởng cho họ, ông Khoa cho biết. Trong vài năm trở lại đây, ngành CNTT là một trong những ngành có sức hấp dẫn đặc biệt trong kỳ thi Đại học, điểm đầu vào cao, từ 26-29 điểm (năm 2020).

Lợi thế tiếp theo là nắm bắt và cập nhật công nghệ mới. Với truyền thống yêu Toán học – môn nền tảng của công nghệ thông tin, Việt Nam đang tiếp cận rất nhanh với những xu hướng công nghệ số mới trên thế giới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa thông minh (Hyper-automation), công nghệ chuỗi khối (Blockchain)…

Với các lợi thế đó cùng môi trường làm việc, sản xuất an toàn trong suốt thời kỳ dịch bệnh, Việt Nam chính là lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp lớn thế giới khi muốn tìm các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ để triển khai quá trình chuyển đổi số. Các hợp đồng có quy mô từ 120 đến 150 triệu USD mà các công ty công nghệ lớn như FPT thắng thầu trong vòng nửa năm qua chính là dấu hiệu rõ nét nhất cho xu hướng này.

Dựa trên những lợi thế và cơ hội đang có, ban lãnh đạo FPT cho biết sẽ đặt kế hoạch "tăng trưởng mang tích thách thức" cho năm 2021, dự kiến các mảng sẽ tăng trưởng cao hơn năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT cũng tăng liên tục từ cuối tháng 8/2020 với mức tăng gần 30% lên mức 56.000 đồng/cp. Sau những thông tin được cập nhật trong thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán lớn như SSI, VCSC đã nâng mức định giá dành cho cổ phiếu này.

3076nh-d3076ng
Theo Theo Nhịp sống kinh tế https://cafef.vn/nha-dau-tu-thay-chuyen-doi-so-truu-tuong-ceo-fpt-noi-fpt-co-hop-dong-tram-trieu-usd-20201208162510326.chn Copylink