Những startup trong Forbes 30 under 30 châu Á 2021 gọi vốn thành công nhất
Startup của các doanh nhân trẻ trong danh sách Forbes 30 Under 30 châu Á năm nay thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những startup nhận được số vốn đầu tư "khủng" nhất gọi tên các lĩnh vực như phần mềm doanh nghiệp, robot công nghiệp.
Công nghệ liên quan tới doanh nghiệp nở rộ
Trong 19 startup lọt vào danh sách năm nay có đến 8 công ty khởi nghiệp đến từ Trung Quốc. Tại quốc gia tỷ dân, phần mềm quản lý doanh nghiệp là lĩnh vực đang có tiềm năng rất lớn và được rất nhiều nhà đầu tư để mắt tới. Ví dụ như startup SmartMore của doanh nhân trẻ Li Ruiyu. Được sáng lập vào năm 2019 bởi Li Ruiyu và nhà khoa học trí tuệ nhân tạo nổi tiếng Jia Jiaya, công ty khởi nghiệp này tập trung vào sản phẩm phần mềm thị giác máy tính, được sử dụng để cải thiện chất lượng hình ảnh video, theo dõi sản phẩm và xác định sự cố trong dây chuyền sản xuất. Tháng 10 năm ngoái, SmartMore đã huy động được hơn 100 triệu USD trong vòng gọi vốn series A từ các nhà đầu tư bao gồm Pine VC và Sequoia Capital (Trung Quốc).
Startup Recurrent AI của doanh nhân trẻ Yang Zhilin cũng đang hướng đến việc đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng trong doanh nghiệp. Được sáng lập vào năm 2016, phần mềm của công ty khởi nghiệp này giúp quản lý các cuộc hội thoại với khách hàng của nhân viên bán hàng, đồng thời tóm tắt thông tin, sở thích cũng như nhóm tuổi của khách hàng. Các nhà đầu tư, bao gồm Sequoia Capital và GSR Ventures, đã rót thêm 12 triệu USD cho công ty này hồi tháng 9 năm ngoái, nâng tổng số tiền huy động được lên 20 triệu USD. Các sản phẩm của công ty khởi nghiệp này đã được ứng dụng bởi hàng chục công ty Trung Quốc bao gồm công ty bảo hiểm Zhong An và công ty cho thuê nhà Ziroom.
Li Ruiyu, nhà sáng lập SmartMore. Ảnh: Suppled Image
4D ShoeTech là một công ty khởi nghiệp khác cũng đang tập trung vào lĩnh vực phát triển phần mềm doanh nghiệp, với khách hàng tiềm năng là các công ty trong ngành thời trang. Được sáng lập bởi doanh nhân Lin Zisen, 24 tuổi, sản phẩm của 4D ShoeTech sử dụng công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường để số hóa quá trình thiết kế, cho phép các thương hiệu cắt giảm đến 2/3 thời gian từ lúc lên mẫu cho tới khi sản phẩm được trình diễn trên sàn catwalk.
“Kể từ khi thành lập công ty, chúng tôi nhận thấy ngành kinh doanh thời trang vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ cổ điển và kém hiệu quả", nhà đồng sáng lập của 4D ShoeTech cho hay. 4D ShoeTech đã nhận được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư, đứng đầu là quỹ đầu tư CMC Capital, trong đó bao gồm 14 triệu USD trong vòng gọi vốn series A.
Đầu tư cho các fintech
Trong khi đó tại Ấn Độ, một số công ty khởi nghiệp fintech đã huy động được các khoản đầu tư lớn cho những sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số và cho vay trực tuyến. Một trong các startup được gọi tên là Razorpay của doanh nhân Harshil Mathur. Công ty khởi nghiệp này đã huy động được tổng số vốn đầu tư lên tới 365 triệu USD để mở rộng sản phẩm dịch vụ thanh toán, cho vay kinh doanh và quản lý sổ sách tài chính. Startup này được định giá ở mức 3 tỷ USD tại vòng gọi vốn gần nhất trong tháng này.
Các dịch vụ thanh toán cũng là sản phẩm giúp startup Slice của doanh nhân Rajan Bajaj huy động được 33 triệu USD tài trợ cho đến nay. Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bangalore cung cấp thẻ thanh toán với hạn mức tín dụng được phê duyệt trước cho hầu hết người dùng thẻ tín dụng lần đầu nhưng gặp khó khăn trong việc mở thẻ thông thường. Slice hiện có gần 300.000 khách hàng tại 30 thành phố và đang xử lý các giao dịch trị giá 200 triệu USD mỗi năm. Các nhà đầu tư của Slice bao gồm Blume Ventures, Tracxn Labs và Finup (Trung Quốc).
|
Tushar Mehndiratta và Ankush Aggarwal, đồng sáng lập Avail Finance. Ảnh: Prakrithi Sangeeth |
Một cái tên khác cũng nổi bật không kém là startup Avail Finance của hai doanh nhân Ankush Aggarwal và Tushar Mehndiratta. Công ty khởi nghiệp này cung cấp các khoản vay cho công nhân, những người thường bị các tổ chức ngân hàng chính thống bỏ qua. Cho đến nay, Avail Finance đã huy động được 21,6 triệu USD từ các quỹ đầu tư Matrix Partners, Falcon Edge và ANI Technologies.
Những ngôi sao khởi nghiệp ở Singapore
Các công ty khởi nghiệp của Singapore cũng thu hút được nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Startup BitWell của doanh nhân Jeff Young đã huy động được 30 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Hashkey, Dragonfly Ventures và Ceyuan Digital Assets. Jeff Young được mời đảm nhận vị trí lãnh đạo BitWell sau khi công ty đầu tư Block Vision Capital của anh cũng rót vốn tài trợ cho nền tảng tiền kỹ thuật số phái sinh này. Từ sau khi Jeff Young trở thành giám đốc mới, khối lượng giao dịch hàng ngày của BitWell đã lên hơn 100 triệu USD.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đã bơm hơn 20 triệu USD vào startup Janio Asia của 3 doanh nhân Nathaniel Yim, Mohamed Afiq và Junkai Ng. Janio Asia tập trung vào lĩnh vực hậu cần, cung cấp dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới, giao hàng chặng cuối và theo dõi giao hàng trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. “Janio hiện đang hợp tác với hơn 200 đối tác logistics trên toàn cầu và có mặt tại hơn 3.000 thành phố trên khắp Đông Nam Á", Junkai Ng, người đã giúp mở rộng quy mô công ty khởi nghiệp Janio Asia lên hơn 200 nhân viên tại 5 quốc gia trong ba năm cho biết.