Sai lầm của Vinasun, Mai Linh là không chịu chuyển đổi số, và hôm nay phải trả giá!
Như Vinasun hay Mai Linh, thời kỳ hoàng kim lãi lớn và chủ công ty không chịu chuyển đổi số. Lúc bấy giờ, các vị trả lời rằng khi chúng tôi đang tăng trưởng thì cần thiết gì phải chuyển đổi số. "Tuy nhiên, đó là sai lầm của chủ doanh nghiệp và hôm nay họ phải trả giá", đại diện DR SME thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu trong 10 năm tới Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ Điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%.
Theo đó, chuyển đổi số không còn là thuật ngữ mang tính tiên phong, mà là bắt buộc trong thời kỳ mới. Là đơn vị tư vấn tái cấu trúc, chuyển đổi số doanh nghiệp, Phó tổng Giám đốc DR SME – ông Vũ Tuấn Anh – nhận định: "Hình như chủ doanh nghiệp còn chậm trễ với chuyển đổi số. Bản thân chủ doanh nghiệp thực tế dùng công nghệ số nhiều nhất, thông qua các dịch vụ sản phẩm của đối tác khách hàng. Nhưng, bản thân người chủ doanh nghiệp tôi tiếp xúc thường lại ngại chuyển đổi số nhanh".
Như Vinasun hay Mai Linh, thời kỳ hoàng kim lãi lớn và chủ công ty không chịu chuyển đổi số. Lúc bấy giờ, các vị trả lời rằng khi chúng tôi đang tăng trưởng thì cần thiết gì phải chuyển đổi số. "Tuy nhiên, đó là sai lầm của chủ doanh nghiệp và hôm nay họ phải trả giá", đại diện DR SME thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Thực tế đã chứng minh, chuyển đổi số với doanh nghiệp tổ chức không còn là thích hay không thích, cần hay không cần, nên hay không nên mà đó là bắt buộc vì chuyển đổi số là xu hướng dòng chảy của kinh doanh toàn cầu. Chúng ta chỉ có thể đi ngược dòng chảy trong một khoảng thời gian trong một khu vực trong một hoàn cảnh chứ không thể đi ngược lại xu hướng trong cả hành trình doanh nghiệp.
Nói về mục tiêu của Chính phủ, vị này kỳ vọng phải cố gắng trước năm 2025 đã thực hiện xong nhiệm vụ của năm 2020. Vì sao cần đẩy nhanh tiến độ, vì chuyển đổi số hiện liên quan mật thiết để chủ quyền số, bên cạnh chủ quyền quan trọng bậc nhất là biên giới lãnh thổ. "Thời đại này là thời đại chủ quyền số, tức dữ liệu công nghệ của chúng ta chính chúng ta phải kiểm soát được. Với Việt Nam, nền tảng số ‘Made in Việt Nam’ hiện cực kỳ quan trọng, để trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng ta cũng xử lý được, nếu đặt bên ngoài quốc gia thì cực kỳ rủi ro", ông Anh nói.
Trên vai trò doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch HĐQT Gotadi khẳng định: "Ngày nay, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu của tất cả các doanh nghiệp muốn nâng cao hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm, tạo ra các giá trị mới nhằm tăng cường sự hài lòng của khách hàng cũng như tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đại dịch Covid-19 chính là một cú hích thúc đẩy quá trình này vì doanh nghiệp thấy được những nguy cơ, thất bại nên phải hành động ngay".
Chia sẻ câu chuyện của Gotadi, một công ty con trong Tập đoàn HG ra đời năm 2014 trong bối cảnh nhiều đại lý du lịch trên mạng (OTA – Online Travel Agency) đã và đang xuất hiện đồng loạt ở Việt Nam, ông Ngô Minh Đức cho hay, tại thời điểm này, Gotadi đã đi những bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số, với quyết tâm sánh vai cùng các OTA trong và ngoài nước để cung cấp những dịch vụ du lịch toàn diện và trực tuyến chỉ trên duy nhất một trang mạng.
Vào thời điểm năm 2014, chưa có công ty công nghệ nào tại Việt Nam đủ sức để xây dựng một hệ thống đặt giữ chỗ trực tuyến. Sau khi tìm hiểu, Gotadi quyết định sử dụng công nghệ của một công ty Ấn Độ làm nền tảng để xây dựng trang mạng này. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt đông, đội ngũ Gotadi nhận ra, không làm chủ được công nghệ sẽ rất khó vận hành hệ thống cũng như cải tiến nhanh và liên tục cho người dùng. Chính vì vậy, đến năm 2016, Gotadi đã xây dựng riêng cho mình một đội ngũ kỹ sư công nghệ đủ mạnh để xây dựng hệ thống đặt giữ chỗ và các phần mềm liên quan, chủ động trong việc kết nối cũng như hoàn thiện sản phẩm.
"Để chuyển đổi số thành công, mỗi doanh nghiệp cần đi từng bước nhỏ, sao cho phù hợp với quy mô và hoạt động của mình nhất và đặc biệt, chuyển đổi số cần xuất phát từ nhận thức phải thay đổi của chủ doanh nghiệp cũng như toàn bộ nhân viên" – Ông Ngô Minh Đức nhấn mạnh.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số sẽ không còn là một lựa chọn, mà là vấn đề sống còn với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xem việc chuyển đổi số vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cần tận dụng để nâng cao vị thế của mình. Chính vì vậy, chuyển đổi số sẽ không phải là cuộc chạy đua nước rút, mà là một quá trình dài hơi cần có chiến lược đúng và sức bền để có thể đi đến thành công.