SSI Research: Ngành bia phải đến năm 2022 mới hồi phục hoàn toàn, 2 "ông lớn" Sabeco và Heineken vẫn miệt mài "chạy đua"
Kênh phân phối mua về nhà (off-premise) dần trở nên quan trọng hơn. Do đó, các công ty bia đã bắt đầu tập trung hơn vào kênh off-premise và kênh thương mại hiện đại. SAB cho biết công ty sẽ tiến xa hơn vào kênh thương mại hiện đại. Có thể nói, Heineken là nhãn hãng có sự hiện diện mạnh mẽ trong kênh thương mại hiện đại tại các thành phố lớn.
Năm 2020 có thể nói là một năm thật sự khó khăn đối với ngành bia. Lĩnh vực này chịu tác động kép từ luật phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) và dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Trong số các ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhu cầu bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả bởi Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2020, tương ứng giảm -3,6%/ -22,9%/ -11,9% so với cùng kỳ trong quý 1-3/2020.
Tổng lượng sản xuất năm 2020 giảm 14% trước áp lực kép
Theo Nielsen, tổng tiêu thụ hàng FMCG giảm -7,5% trong 9 tháng đầu năm 2020. Đáng lưu ý, dữ liệu của Nielsen phản ánh mức tiêu thụ bia thực tế, trong khi doanh thu của SAB và các nhà máy bia khác dựa trên số liệu thống kê bán hàng đến các nhà phân phối, phía SSI Research ghi nhận tại báo cáo ngành mới công bố.
Trong đó, quý 2 là quý tệ nhất của ngành bia do giãn cách xã hội trên toàn quốc, các cơ sở dịch vụ đồ uống - được xếp vào nhóm "dịch vụ không thiết yếu" phải đóng cửa trong thời gian dài hơn các ngành kinh doanh khác (giữa tháng 3 đến đầu tháng 6). Yêu cầu đóng cửa các cơ sở dịch vụ đồ uống vẫn áp dụng tại những khu vực có nguy cơ cao vào thời gian sau đó. Đối với Sabeco (SAB), quý 1 là quý tệ nhất về doanh thu và lợi nhuận, do công ty không đẩy mạnh hàng hóa vào kênh bán hàng trong quý này.
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), từ tháng 6, sản lượng sản xuất bia hàng tháng giảm nhẹ hơn so với mức giảm trong tháng 3 đến tháng 5 và có dấu hiệu phục hồi. Điều này cũng cho thấy rằng chu kỳ tăng/giảm tồn kho của các nhà sản xuất bia hiện có khả năng trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, cho cả năm 2020, tổng sản lượng sản xuất đạt chỉ 4,4 tỷ lít, giảm -13,9% so với cùng kỳ.
Phải đến năm 2022 mới có thể hồi phục như trước Covid-19
Nhìn chung, ngành bia rất nhạy cảm với đại dịch. Nếu năm 2019, kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ (on premise) chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam; thì sang năm 2020, kênh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội. Đà phục hồi sẽ tiếp tục, nhưng nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước Covid-19 vào năm 2022 mà không phải 2021, SSI Research cho biết.
Dù rằng, Việt Nam đã xử lý rất tốt các đợt bùng phát Covid-19, hỗ trợ ngành dịch vụ ăn uống và giải trí đã được cải thiện và bắt đầu quay trở lại. Nhưng, vẫn cần nhiều thời gian hơn để hồi phục về mức trước Covid. Xu hướng khách ghé thăm nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, bảo tàng, v.v. vẫn còn yếu, giảm 10% so với mức cơ sở, theo báo cáo tháng 12/2020 của Google. Việc thiếu vắng khách quốc tế cũng góp phần khiến lượng tiêu thụ bia giảm. Theo GSO, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ năm 2019.
Thứ hai, liên quan đến việc thi hành Nghị định 100, giới quan sát nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng điều chỉnh thói quen uống rượu của họ, đặc biệt là ở các thành phố lớn (nơi tài xế thường xuyên được kiểm tra nồng độ khí thở). Người tiêu dùng đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (taxi, dịch vụ gọi xe). Tác động của Nghị định 100 có thể sẽ giảm dần khi người tiêu dùng bắt đầu tự giác chấp hành các quy định vì sự an toàn của chính họ.
Hệ quả, kênh phân phối mua về nhà (off-premise) dần trở nên quan trọng hơn. Do đó, các công ty bia đã bắt đầu tập trung hơn vào kênh off-premise và kênh thương mại hiện đại. SAB cho biết công ty sẽ tiến xa hơn vào kênh thương mại hiện đại. Có thể nói, Heineken là nhãn hãng có sự hiện diện mạnh mẽ trong kênh thương mại hiện đại tại các thành phố lớn.
Cạnh tranh đang nóng tại 2 đơn vị dẫn đầu
Ở khía cạnh khác, trong ngành bia phát triển sản phẩm vẫn là yếu tố cạnh tranh quyết định. Bởi lẽ, người tiêu dùng luôn muốn thử các sản phẩm mới, đặc biệt là những người trẻ, nên việc ra mắt sản phẩm mới thành công sẽ rất quan trọng đối với các nhà sản xuất bia để đạt mức tăng trưởng cao hơn toàn ngành.
Trong dài hạn, loại đồ uống lên men từ trái cây (cider/perry) ước tính ngày càng trở nên phổ biến hơn (mặc dù giá cao), với tỷ lệ CAGR về sản lượng tiêu thụ ước tính là 8% trong giai đoạn 2019-2024, cao hơn bia, rượu mạnh hoặc rượu vang, ước tính bởi Euromonitor.
Theo đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt đang diễn ra trong ngành. Bất chấp đại dịch, các thương hiệu bia vẫn hoạt động tích cực vào năm 2020 bằng cách tung ra một số sản phẩm mới. Heineken giới thiệu Heineken 0.0 tại thị trường Việt Nam, như một phản ứng nhanh đối với Nghị định 100.
Các công ty bia đã đẩy mạnh sự hiện diện ở tất cả các phân khúc, SSI Research ghi nhận. Trong đó, SAB xuất hiện ở phân khúc cận cao cấp với Saigon Chill (vào tháng 10/2020) và Lạc Việt (phân khúc tiết kiệm, vào tháng 6), trong khi Đại Việt được Heineken giới thiệu vào tháng 4 để cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ hơn. Theo Euromonitor, hai công ty lớn nhất là Sabeco và Heineken tiếp tục giành thêm thị phần trong những năm gần đây, trong đó Heineken dường như gia tăng thị phần nhanh hơn.