Startups giáo dục công nghệ của vợ Shark Bình: Founder từ bỏ vị trí Phó Chủ tịch Nexttech bắt đầu từ con số 0
Sau 15 năm sát cánh cùng chồng xây dựng Nexttech, bà Đào Lan Hương chuyển hướng xây dựng startups về công nghệ giáo dục Teky.
Trong khi Shark Nguyễn Hoà Bình làm mưa làm gió trên mạng xã hội và truyền hình nhờ phát ngôn "tìm ra long mạch, đón được gió đông, gặp người tri kỷ, ắt sẽ thành công" để chiêu mộ các startups về với hệ sinh thái của Nexttech thì vợ ông, bà Đào Lan Hương cũng là một nhà đầu tư kỳ cựu trong làng khởi nghiệp của Việt Nam.
Sát cánh cùng chồng thành lập tập đoàn Nexttech sau một thời gian quen nhau khi sinh hoạt chung ở Trung tâm tài năng trẻ FPT, 15 năm thanh xuân của bà Đào Lan Hương cùng Shark Bình đã gây dựng Nexttech từ con số 0 hiện nay lên một tập đoàn có 2000 nhân viên, hoạt động trên 8 quốc gia tại Đông Nam Á, hoạt động chính trong các lĩnh vực Thanh toán điện tử, Thương mại điện tử, Vận chuyển và hậu cần (Logistics), Chuyển đổi số, quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.
Năm 2017, bà Đào Lan Hương bất ngờ rời vị trí Phó Chủ tịch tập đoàn Nexttech để xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Học viện Công nghệ Teky ra đời với mục tiêu trở thành tổ chức Đổi mới giáo dục công nghệ dẫn đầu tại Khu vực Đông Nam Á.
Ngã rẽ này xuất phát từ một chuyến công tác của bà Đào Lan Hương khi sang Trung Quốc tham quan về hội chợ giáo dục tại Trung Quốc. "Bốn năm trước tôi đã bị choáng ngợp với nền giáo dục ở Trung Quốc, các vấn đề học tập, hội thảo trực tuyến và các lớp kết nối giáo viên dạy ở trường đại học với rất nhiều điểm cầu học offline khác nhau trên toàn quốc đã rất phổ biến. Các thiết bị hỗ trợ việc đó nhiều nhản nhan và rất hiện đại.
Sau chuyến đi ấy, tôi còn gặp gỡ thêm rất nhiều founder mô hình giáo dục tương tự thành công trên thế giới. Từ đó, tôi càng tin tưởng hơn vào sự lựa chọn của mình. Tôi thấy việc giảng dạy công nghệ tuy rất mới, nhưng đó chắc chắn sẽ là một xu hướng tất yếu phải bùng nổ ở Việt Nam. Bởi vì người Mỹ thậm chí đã coi nghe, nói, đọc, viết và công nghệ là kỹ năng thiết yếu. Tôi nhìn thấy đồng thời cả hai thứ là cơ hội đóng góp cho đất nước và thị trường đại dương xanh rộng lớn đang chờ mình khai phá", Founder kiêm Chủ tịch Học viện Teky chia sẻ.
Sau 3 năm bắt đầu Teky từ con số 0: Thị trường không có sẵn nhu cầu học công nghệ - Không sản phẩm giáo dục tương tự - Không lực lượng giáo viên hiểu biết về dạy công nghệ cho trẻ em, hiện tại Teky có 16 học viện trên toàn quốc tại 5 thành phố (Hà Nội - Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Quảng Ninh - Bình Dương), 300 nhân viên toàn thời gian và 500 giảng viên cộng tác.
Giai đoạn dịch bệnh vừa qua, theo bà Đào Lan Hương, không chỉ riêng Teky mà nhà trường cũng như nhiều trung tâm giáo dục khác đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Các biện pháp giãn cách và mới đây nhất là Chỉ thị 16 khiến các lớp học đều buộc phải đóng cửa và chưa rõ thời gian có thể mở lại.
Đầu năm 2021, Teky "trình làng" các khóa học Trại hè STEM Online bao gồm các bộ môn Toán, Anh và Công nghệ để phục vụ nhu cầu của phụ huynh, học sinh.
Một số khóa học công nghệ như Robotic, In 3D tưởng chừng như khó khăn trong việc học online, tuy nhiên cũng đã được Teky áp dụng chính sách tặng dụng cụ học tập để giúp học sinh học tập tại nhà tốt hơn.
Giãn cách xã hội do Covid-19 khiến nhu cầu học tập trực tuyến các môn học K12 chính khóa tăng cao. Áp dụng công nghệ và mô hình giáo dục được quốc tế thẩm định từ trước, Teky ra mắt ứng dụng TOPPY cung cấp thư viện học liệu, video bài giảng và bài tập tự luyện, các bộ đề thi chuẩn khung chương trình K12 của Bộ Giáo dục, các khóa học live cùng Star teacher trên toàn quốc.
"Hai năm trở lại đây, tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, học sinh khó khăn trong việc tiếp cận các phương pháp học tập hiệu quả do không thể gặp trực tiếp bạn bè, thầy cô. Cùng với đó, thời gian nghỉ học kéo dài khiến học sinh sa đà vào các trò chơi điện tử hay các thông tin xấu trên mạng xã hội.
Các nền tảng học tập online của nhà trường để giúp chương trình học không bị gián đoạn nhưng chưa thu hút các em học sinh. Nghiên cứu của GS. John Hattie chỉ ra các nhân tố tác động đến thành tích học tập, học sinh chiếm 50% - là "trung tâm của lớp học". Tuy nhiên, lớp học online khiến sự tập trung của học sinh bị phân tán, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Chính thời điểm "nguy" này, Teky đã nhìn ra "cơ" để chuyển đổi số và phát triển nền tảng Edtech tại Việt Nam. Với tinh thần của một doanh nghiệp công nghệ làm về giáo dục, Teky cùng các chuyên gia giáo dục xây dựng nền tảng học tập trực tuyến chất lượng cao Toppy", bà Đào Lan Hương chia sẻ về ý tưởng ra mắt nền tảng học tập trực tuyến.
Bà Đào Lan Hương, Chủ tịch Học viện Teky
Theo bà Hương, rào cản của những lớp học online truyền thống chính là học sinh không thể chủ động theo dõi quá trình học tập và phụ huynh khó hiểu được thế mạnh, niềm đam mê của con. Do đó, Toppy phân tích và tổng hợp quá trình học tập cũng như đưa ra các đề xuất bài giảng tích hợp video hướng dẫn, bài tập tự luyện phù hợp với từng học sinh. Học sinh có thể tự kiểm tra trình độ và nhận kết quả ngay trên phần mềm. Phụ huynh cũng vì thế mà theo dõi được quá trình học tập và điểm số của con, biết được môn mạnh, môn yếu và đưa ra hướng học tập phù hợp cho con trẻ với các bộ môn theo kiến thức chuẩn của Bộ giáo dục. Đó là cá nhân hóa học tập.
Về quyết định ra mắt Toppy, bà Hương cho biết, "sự thành công Startup Giáo dục Byju’s của Ấn Độ đã minh chứng rõ về hiệu quả của ứng dụng công nghệ (deep tech) vào mô hình giáo dục và tập trung phục vụ người học tại quốc gia mình. Sau vòng gọi vốn mới nhất 340 triệu USD công bố vào đầu tháng 6/2021, startup này đã được định giá 16,5 tỷ USD, vượt qua mức 16 tỷ USD của công ty công nghệ tài chính Paytm, trở thành startup giá trị nhất Ấn Độ và một trong những công ty giáo dục lớn nhất toàn cầu. Các mô hình tương tự như Khan Academy, IXL, VIPKids,... đều phát triển nhanh chóng khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu. Sự ghi nhận của các ứng dụng công nghệ giáo dục chính là nền tảng để Toppy tự tin vào định hướng phát triển của mình".
Chỉ một tháng sau khi ra mắt, Toppy đứng Top 3 trong số các ứng dụng học online trên iOS, Top 5 trên Android và Top 30 trên toàn bộ danh mục Education của Google Play. Những con số thống kê lượt người dùng và những đánh giá từ phụ huynh, học sinh và giáo viên đã "gỡ rối" trăn trở và là động lực để Toppy ngày càng hoàn thiện hơn.
"Định hướng phát triển trong tương lai của Toppy trở thành hệ thống học tập thích ứng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn dành cho học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 chất lượng, tiên phong đổi mới giáo dục tại Việt Nam và dẫn đầu Đông Nam Á trong cuộc cách mạng 4.0", bà Đào Lan Hương chia sẻ.