Sự hồi phục ngành hàng không sau đỉnh dịch: Nhìn từ câu chuyện của American Airlines
Năm 2020 là một năm thực sự khó khăn đối với ngành hàng không, khi dịch Covid – 19 cùng những lệnh cấm tới từ chính phủ đã khiến doanh thu và lượng hành khách sụt giảm một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, khó khăn nào rồi cũng qua đi, và cách một số hãng hàng không quay trở lại sau dịch thực sự gây ấn tượng. American Airlines – hãng hàng không quốc gia của Mỹ là một trong số đó với bước chuyển mình hoàn hảo trong năm 2021, sau một năm 2020 đầy thất vọng với những khoản thua lỗ khổng lồ.
American Airlines là hãng hàng không lâu đời tại Mỹ được thành lập từ năm 1930 có trụ sở chính tại Fort Worth, Texas. Đây là hãng hàng không lớn nhất thế giới tính theo quy mô đội bay (bao gồm 891 máy bay được sản xuất bởi Boeing và Airbus – hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới) và theo số lượng hành khách (200 triệu hành khách mỗi năm và 500.000 người mỗi ngày).
Số lượng nhân viên của hãng ở thời đỉnh cao lên tới 130.000 người. Tính tới cuối năm 2019, máy bay của American Airlines phục vụ 6.800 chuyến mỗi ngày tới 350 địa điểm tại 50 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Có thể nói, American Airlines là hãng bay có danh tiếng trên toàn cầu và tầm vóc mà ít ai sánh được.
American Airline là hãng hàng không số một thế giới tính theo quy mô đội bay (Ảnh: Air France)
Trước khi đại dịch diễn ra, trong các năm 2018 và 2019, doanh thu của American Airlines là tương đối ổn định với mức trên 40 tỷ USD trong hai năm này, cùng lợi nhuận sau thuế vào khoảng 1,5 tỷ USD, với mức tăng trưởng đều đặn hàng năm.
Số lượng chuyến bay và khách hàng được duy trì đều đặn, và hãng luôn mong muốn mở rộng thêm nhiều đường bay sang các quốc gia khác. Công ty có thể đạt được những điều trên là vì trong năm 2019, đặc biệt là vào quý 4, nhu cầu hành khách tăng mạnh và hệ số tải hành khách đạt mức kỷ lục là 83.8% (tăng 2,4% so với năm trước).
Thêm vào đó, doanh thu hành khách trên mỗi dặm ghế khả dụng (RASM – Rvenue per Availabe Seat Mile) đạt mức 14.72 cent (tăng 0,9%) – cũng là một kỷ lục nữa trong quý 4 năm 2019. Nhờ đó, dịch vụ vận chuyển khách hàng của hãng đạt mức doanh thu lên tới 42 tỷ USD – con số đáng mơ ước với rất nhiều hãng hàng không tại Mỹ.
Các doanh thu khác cũng tăng, đặc biệt là các dịch vụ liên quan tới khách hàng thân thiết. Những chỉ số quan trọng đều rất tuyệt vời đối với American Airlines, và với dự báo của nhiều chuyên gia, khi mà nhu cầu bay ngày càng tăng trong nhiều năm tới, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nữa đối với hãng hàng không này.
Doanh thu của hãng bay này khá ổn định trước dịch, duy trì ở mức trên 40 tỷ USD/ năm trên toàn cầu (Ảnh: Business Quant)
Tuy nhiên, đại dịch Covid – 19 đã thay đổi tất cả. Hệ số tải hành khách của hãng giảm kỷ lục xuống chỉ còn 64.1% (tức giảm 19.7% so với năm trước), doanh thu hành khách trên mỗi dặm ghế khả dụng giảm 34.8% tính đến hết năm 2020. Điều này khiến cho doanh thu từ vận chuyển khách hàng của hãng chỉ đạt một phần ba năm trước, tức 14.5 tỷ USD.
Đồng thời, giá cổ phiếu của hãng giảm 45% trong vòng 1 năm – mức thấp nhất kể từ khi họ sáp nhập cùng US Airways vào năm 2013. Kết thúc năm này, American Airlines đạt doanh thu chỉ 17.34 tỷ USD, tương đương với khoảng 38% của năm trước cùng mức lợi nhuận sau thuế âm 8.9 tỷ USD – một con số khổng lồ.
Công ty tốn tới hơn 100 triệu USD tiền mặt mỗi ngày cho việc vận hành (giảm xuống vào cuối năm chỉ còn khoảng 30 triệu USD), sa thải tạm thời hơn 32.000 nhân viên cho tới khi nhận được khoản trợ cấp đặc biệt từ chính phủ. Mọi thứ trở nên tồi tệ với họ, nhất là khi nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới buộc phải phá sản trong khoảng thời gian này, trong đó nổi bật là hãng hàng không lâu đời thứ hai thế giới Avianca.
Nhưng dưới sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ cùng việc nhiều loại vaccine được phát triển đã cứu American Airlines ngay trong năm 2021.
Thay vì đốt hàng triệu USD, họ tạo ra 1 triệu USD tiền mặt mỗi ngày. Lượng hành khách ngày một tăng lên nhờ việc các lệnh cấm dần được dỡ bỏ, khi mà phần lớn người dân đã được tiêm phòng vaccine.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại thị trường nội địa tăng lên nhanh chóng giúp cho hãng hàng không hàng đầu tại Hoa Kỳ bắt nhịp trở lại, và mọi thứ dần đi vào quỹ đạo. Bên cạnh yếu tố dịch bệnh đã phần nào được giảm bớt, công ty còn có quyền tiếp cận với khoản vay có kỳ hạn lên tới 75 tỷ USD từ chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, chính American Airlines cũng cứu bản thân mình thông qua hàng loạt chính sách thắt chặt chi tiêu, thông qua việc cắt giảm nhân sự, loại bỏ các máy bay lâu đời và giảm thiểu đầu tư vào loại tài sản này cùng việc trì hoãn bàn giao với Boeing....Chính vì vậy, tới quý 2 năm nay, lần đầu tiên sau 5 quý thua lỗ, hãng hàng không này đã có được khoản lãi sau thuế 19 triệu USD và doanh thu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 87% so với quý 1.
Chuyển biến tích cực của American Airlines trong quý 2/ 2021 (Ảnh: AlphaStreet)
Sau một năm thảm họa vì Covid – 19, American Airlines đã phần nào trở lại, dù phải còn rất lâu nữa hãng hàng không này mới khôi phục trở lại như trước dịch. Các đường bay quốc tế vẫn chưa được khôi phục trở lại, nhất là khi chủng mới của Covid – 19 đang bắt đầu xuất hiện ở một số quốc gia sẽ là trở ngại rất lớn. Dù vậy, với những bước tiến lớn trong việc phát triển vaccine, cùng với đó là việc các chuyến bay nội địa tại Hoa Kỳ đã được khôi phục phần lớn, sự hỗ trợ từ chính phủ và những chính sách thắt chặt mạnh mẽ sẽ giúp họ phần nào lấy lại vị thế của một trong những hãng hàng không hàng đầu thế giới.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hàng không cũng đang có nhiều động thái cho việc khai thác trở lại với những thông tin hỗ trợ như đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa từ đầu tháng 11 năm nay, cộng thêm việc Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến cho hàng khách xét nghiệm âm tính với nCoV và tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được bay một số chặng nội địa.