Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành nợ thuế triền miên ra sao?
Theo công bố mới nhất của Cục Thuế Đồng Nai, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) do đại gia Lê Thành nắm cổ phần chi phối, tới hết tháng 2/2021 đang nợ hơn 36 tỷ đồng tiền thuế.
Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tới hết 28/2/2021. Theo đó, Tân Mai Group (địa chỉ tại đường số 11, KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa, Đồng Nai) đang nợ hơn 36,87 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hoá đơn. Số thuế Tân Mai Group đang nợ tăng hơn 6 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.
Đáng chú ý, Tân Mai Group đã được xướng tên trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà cơ quan thuế công bố từ năm 2015 tới nay. Cụ thể, năm 2019, đơn vị này nợ khoảng 32 tỷ đồng; năm 2018 nợ trên 60 tỷ đồng, tháng 6/2017 nợ trên 47 tỷ đồng; tháng 12/2016 nợ hơn 51 tỷ đồng; tháng 12/2015 nợ trên 63,7 tỷ đồng.
Trong đó, thời điểm nợ thuế nhiều nhất là tháng 6/2018, với 77,18 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hoá đơn để thu thuế từ năm 2015 tới nay.
Tân Mai Group tiền thân là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam, thành lập năm 1958, thuộc sở hữu nhà nước, cổ phần hoá năm 2006. Tháng 12/2008, tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty CP Giấy Tân Mai và Công ty CP Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890,9 tỷ đồng. Hiện tập đoàn này đang sở hữu rất nhiều đất đai làm nhà máy, khu trồng cây nguyên liệu tại Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Tháng 12/2019, đại gia Lê Thành đã mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, tương đương tỷ lệ sử hữu 61,47% trở thành cổ đông lớn. Tháng 1/2020, ông Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tân Mai Group nhiệm kỳ 2020-2024.
Ngoài cá nhân sở hữu cổ phần chi phối là ông Lê Thành, Tân Mai Group còn có cổ phần của Tổng Cty Giấy Việt Nam (giữ 22,73% cổ phần), Nhà xuất bản Giáo dục (giữ 8,1% cổ phần), cổ đông khác nắm 7,43% cổ phần.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, tập đoàn này lỗ trước thuế hơn 15 tỷ đồng (gấp đôi năm 2018). Công ty mẹ lỗ sau thuế hơn 12,5 tỷ đồng. Hết năm 2019, tập đoàn này nợ hơn 7.840 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 890 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các khoản nợ của Tân Mai Group, có 8 khoản vay quá hạn với tổng nợ gốc hơn 2.000 tỷ đồng, tiền lãi hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi tập đoàn có tiền mặt và khoản tương đương tiền chỉ hơn 43,1 tỷ đồng.
Đại gia Lê Thành được biết tới với vai trò lãnh đạo của một số doanh nghiệp bất động sản có tiếng, trong đó có Công ty CP Tân Thành Holdings.
Giai đoạn 2016-2017, Tân Mai Group góp 3 khu đất rộng hàng trăm nghìn mét vuông tại Đồng Nai và Bình Dương để lập các doanh nghiệp bất động sản, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, sau đó chuyển nhượng lại cho chính liên danh.
Đáng chú ý, trong danh sách doanh nghiệp tại Đồng Nai còn nợ thuế có cả tên các công ty tham gia liên danh với Tân Mai Group để phát triển các dự án bất động sản trên, như: Công ty CP Tập đoàn địa ốc Kim Oanh nợ thuế hơn 18 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ - Thương mại và Xây dựng địa ốc Kim Oanh nợ hơn 15,9 tỷ đồng (đã cưỡng chế hoá đơn); Công ty TNHH Thuận lợi Hưng thịnh nợ hơn 8,8 tỷ đồng (đã cưỡng chế hoá đơn).
Ngoài ra, Tân Mai Group có 2 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư do chậm triển khai. Dự án nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi, với chi phí xây dựng dở dang ghi nhận đến tháng 9/2019 là hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi giấy phép đầu tư do dự án chậm tiến độ.
Tương tự, Dự án nhà máy giấy Tân Mai Lâm Đồng (Cụm Công nghiệp Đạ Oai, Lâm Đồng), tháng 1/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, do nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục triển khai dự án.