Transimex (TMS) muốn phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào các công ty logistics
Không chỉ mua bán cổ phần, HĐQT Logistics Transimex (TMS) cũng vừa thông qua Nghị quyết triển khai phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu.
Sau khi bán ra 2 triệu cổ phiếu, Đầu tư Toàn Việt tiếp tục muốn thoái sạch vốn tại Transimex (TMS). Trong thông báo mới nhất, Đầu tư Toàn Việt đăng ký bán toàn bộ gần 2,16 triệu cổ phần TMS, tương ứng tỷ lệ 2,65% vốn. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 24/3 - 22/4/2021.
Được biết, ông Bùi Tuấn Ngọc hiện là đồng Chủ tịch của cả Transimex và Đầu tư Toàn Việt.
Trên thị trường, cổ phiếu TMS liên tục phá đỉnh từ cuối năm 2020 đi cùng với động thái chuyển đổi cổ đông lớn. Trung tuần tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu TMS ghi nhận giao dịch thỏa thuận lớn với hơn 17 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn doanh nghiệp được chuyển giao. Bên bán ra là Casco Investments Limited sau hơn 8 năm trở thành cổ đông lớn và thu về khoảng 560 tỷ đồng. Cùng chiều, 2 công ty con của Chủ tịch là Đầu tư Toàn Việt bán 1,16 triệu cổ phần và Đầu tư và Thương mại Thiên Hải đăng ký bán hết hơn 2,2 triệu cổ phần TMS.
Bên mua vào lúc bấy giờ là Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam, gom đến 17 triệu cổ phần TMS, thay thế Casco và chính thức trở thành cổ đông lớn TMS với tỷ lệ nắm giữ hơn 24% vốn.
Sang năm 2021, thị giá TMS tiếp tục tăng trưởng, hiện đang giao dịch tại mức 59.800 đồng/cp – tăng cao gấp 3 lần chỉ sau vài tháng.
Tạm tính theo mức giá này, Đầu tư Toàn Việt dự thu về hơn 125 tỷ đồng nếu hoàn tất thương vụ.
Ở chiều ngược lại, cùng thời gian, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, Đầu tư và thương mại Thiên Hải lại đăng ký mua 1,5 triệu cổ phần TMS, nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,14% lên 4,98% vốn.
Không chỉ mua bán cổ phần, HĐQT Transimex cũng vừa thông qua Nghị quyết triển khai phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu.
Theo kế hoạch TMS dự kiến phát hành 2 triệu trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 40.72:1. Lãi suất trái phiếu là 6%/năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 và sau khi được UBCKNN nước chấp thuận.
Với 200 tỷ đồng vốn huy động được, Transimex sẽ dùng 50 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Dịch vụ Logistics Thăng Long để thực hiện dự án Trung tâm Logistics Thăng Long giai đoạn 2 và 60 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Logistics Vĩnh Lộc để thực hiện dự án Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc giai đoạn 1.
Ngoài ra, HĐQT cũng thông qua việc bảo lãnh cho Công ty TNHH MTV Transimex Hi-Tech Park Logistics vay vốn trung dài hạn tại Ngân hàng với hạn mức không quá 140 tỷ đồng và thông qua việc Công ty sẽ vay vốn lưu động tại ngân hàng với hạn mức không quá 100 tỷ đồng.
Về phần Transimex, Công ty sớm thành lập vào năm 1983, tiền thân là Công ty Kho vận Giao nhận Ngoại thương (Transimex). Đến năm 2000, Transimex chính thức chuyển thành CTCP và tháng 8 năm này cũng giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE.
Công ty chuyên hoạt động là đại lý giao nhận và vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, công cộng bằng đường biển, hàng không và đường bộ; cung cấp dịch vụ ngoại quan, kho CFS, kho ICD; kinh doanh kho bãi, xếp, dỡ, lưu giữ hàng hoá xuất nhập khẩu trung chuyển; đại lý tàu biển và môi giới hàng hải trong và ngoài nước; cung cấp dịch vụ kinh doanh hàng hoá quá cảnh và chuyển tải hàng hoá qua Campuchia, Lào, Trung Quốc... Hệ thống Transimex hiện gồm 6 công ty con và 7 công ty liên kết.
Transimex hiện có cảng ICD tại Thủ Đức, Tp.HCM, Trung tâm Logistic tại Đà Nẵng, Thăng Long, Tp.HCM, Trung tâm phân phối tại KCN Sóng Thần 2, Bình Dương, văn phòng cho thuê...
Về tình hình kinh doanh, TMS ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng 2020 lần lượt tăng 48% và 47% so với năm trước, đạt 3,462 tỷ đồng và 315 tỷ đồng.
tình hình kinh doanh của Transimex nhiều năm liền tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, năm 2017 doanh thu Công ty tăng đột biến lên mặt bằng mới, chủ yếu nhờ đóng góp từ Cảng ICD Transimex, Phòng Dịch vụ đại lý Dongjin, Phòng Hợp tác đại lý.
Kết thúc năm 2020, TMS đạt 3.465 tỷ đồng doanh thu, tăng 45% và 315 tỷ lãi ròng - tăng 47% so với năm 2019.