Trước sức ép của Bitis, Nike, Adidas, Giày Thượng Đình lỗ 4 năm liên tiếp, "bi kịch" đất vàng 3,6ha trên đường Nguyễn Trãi
Tại thời điểm 31/12/2020, số dư nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, công ty chỉ còn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, kiểm toán cho rằng khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty có thể không được đảm bảo.
CTCP Giày Thượng Đình (mã GTD), thương hiệu vang bóng một thời có trụ sở tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội có kết quả kinh doanh bết bát kể từ khi cổ phần hoá.
Năm 2020, doanh thu bán hàng sau kiểm toán của công ty đạt 104,3 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019. Công ty lỗ sau thuế 13,73 tỷ đồng, đây là năm thứ 4 liên tiếp Giày Thượng Đình thua lỗ. Lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2020 của Giày Thượng Đình lên tới 48,4 tỷ, chiếm một nửa vốn điều lệ (93 tỷ).
Tổng tài sản của công ty cuối năm 2020 còn gần 110 tỷ, giảm 23% so với đầu năm, chủ yếu giảm mạnh hàng tồn kho từ 47 tỷ còn 27 tỷ, và khoản phải thu khách hàng từ 26,78 tỷ còn gần 20 tỷ.
Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán 2020 của Giày Thượng Đình, khi Báo cáo tài chính của công ty này tại ngày 31/12/2020 ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn tồn đọng với số tiền 11,87 tỷ đồng. Ban giám đốc Giày Thượng Đình đang tiến hành các thủ tục để thu hồi khoản công nợ này (bao gồm việc yêu cầu thi hành án ngày 22/10/2020. Tháng 10/2020, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự Quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 416/QĐ0CCTHADS. Vì vậy, Ban Giám đốc công ty tin tưởng khoản công nợ sẽ được thu hồi. Trong khi đó, kiểm toán không thu nhập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng này. Kiểm toán cũng không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến Báo cáo tài chính năm 2020 của công ty.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh Hàng tồn kho của công ty có một số vật tư, thành phẩm chậm luân chuyển với số tiền 2,52 tỷ đồng. Ban Giám đốc công ty đánh giá đây là các mặt hàng dự trữ cần thiết và không bị suy giảm giá trị vào thời điểm 31/12/2020.
Tại thời điểm 31/12/2020, số dư nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, công ty chỉ còn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, kiểm toán cho rằng khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty có thể không được đảm bảo. Tuy nhiên Ban giám đốc đánh giá những tháng cuối năm 2020 công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, các khoản nợ đến hạn đã được thanh toán trước hạn và Ban giám đốc công ty cam kết sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Bi kịch nằm trên đất vàng Nguyễn Trãi
Giày Thượng ĐÌnh là một doanh nghiệp nhà nước thành lập năm 1957 có nhiệm vụ sản xuất mũ cứng và giầy vải cung cấp cho quân đội. Năm 2015, công ty cổ phần hoá và chuyển sang thành CTCP vào năm 2016. Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội hiện vẫn đang nắm giữ 68,67% công ty. Từ thời điểm cổ phần hoá đến nay công ty không tăng vốn điều lệ.
Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020. Theo đó, Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (UPCoM: GTD) trước ngày 31/12/2020, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.
Trải qua hơn 60 năm, Giày Thượng Đình hiện nay có thị trường xuất khẩu sang các nước EU, Châu Úc và một số nước Châu Á. Tuy nhiên cạnh tranh tại thị trường nội địa ngày càng ngay gắt, Giày Thượng Đình bị lép về hoàn toàn trước trước ép của giày nhập khẩu như Nike, Adidas hay như doanh nghiệp trong nước như Bitis. Bản thân Bitis trong 5 năm trở lại đây thay đổi mẫu mã nên chinh phục được khách hàng trẻ, trong khi mẫu mã của Giày Thượng Đình gần như không thay đổi nhiều.
Chỗ dựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào "quỹ đất vàng" của công ty, nằm tại những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội như sở hữu khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội, khu đất 17.587m2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam, khu đất 18.403m2 tại khu công nghiệp Đồng Văn, xã Duy Minh, Hà Nam, thời hạn thuê đến 2054…Các khu đất thuê tại phố trung tâm Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội và Hạ Đình, Thanh Xuân.
Công ty cho biết việc sản xuất kinh doanh ở 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội không hiệu quả, kém lợi thế. Chi phí bình quân bị tăng do chi phí cố định như khấu hao, thuê đất…hầu như không thay đổi trong khi sản lượng giảm sút từ đó dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn trong năm 2020.
Công ty cho biết thông tin di dời nhà máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của công ty: khách hàng dừng kế hoạch hợp tác sản xuất, dừng phát triển mẫu, dừng đặt hàng, người lao động không yên tâm làm việc. Công ty mong UBDN TP.Hà Nội phê duyệt ngay phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất cho công ty để công ty thoái vốn theo quy định, di dời cơ sở sản xuất xuống nhà máy tại khu công nghiệp Đồng Văn – Hà Nam để công ty có điều kiện tái cơ cấu.