Từ việc nhà sáng lập Phan Nhật Minh rời Rever, ai sẽ là ‘nạn nhân’ tiếp theo của ‘cối xay founder’ ở giới startup Việt?
Phan Nhật Minh - co-founder kiêm CFO của startup Rever vừa thông báo về việc mình đã rời doanh nghiệp này. Nếu tính cả năm 2019, danh sách các founder startup Việt phải rời vị trí CEO hoặc thậm chí ‘từ bỏ’ của những đứa con của mình ngày càng dài: Nguyễn Hoàng Hải – Cavani, Nguyễn Quốc Tuấn – Juno, Trần Thanh Hải – be Group, Nguyễn Hải Ninh – Founder Coffee House…
Co-founder Phan Nhật Minh chính thức từ biệt Rever
Mới đây, Phan Nhật Minh - co-founder kiêm CFO của startup Rever vừa thông báo về việc mình đã rời doanh nghiệp này trên Linkedin.
Status cụ thể của Phan Nhật Minh:
Tôi sắp rời Rever.vn, startup mà tôi là đồng sáng lập. Tôi đã trải qua 4,5 năm làm việc tại đây và gần như tham gia quản lý trực tiếp những phòng ban quan trọng nhất trong công ty: từ kinh doanh, phát triển chiến lược sản phẩm, kêu gọi vốn, làm tài chính, vận hành, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Tôi đã được trao rất nhiều cơ hội để làm việc cùng những nhân tài công nghệ giỏi nhất, nhà phát triển bất động sản, giới tài chính; từ cả người mới lẫn những chuyên gia đầu ngành. Đó là lý do tại sao tôi có thể biết được ở ngoài kia chúng ta con nhiều việc phải làm, để một ngày nọ bất cứ ai tiến hành mua, bán hoặc thực hiện bất cứ giao dịch gì liên quan đến tài sản lớn nhất của chúng ta đều cảm thấy an toàn và yên tâm. Và tôi cũng hy vọng rằng, công ty có thể biến điều đó trở thành hiện thực trong tương lai.
Tôi đã học được nhiều bài học tuyệt vời cả ở khía cạnh công việc lẫn con người trong những năm tháng đó. Nhìn lại, tôi đã luôn mở lòng để đón nhận tất cả những thách thức và hiện tôi đang háo hức để khám phá những cơ hội tiếp theo của mình trong sự nghiệp. Tôi muốn biết ơn tất cả mọi người trong network của mình, những người đã dành nhiều thời gian chia sẻ và hỗ trợ tôi ở các lĩnh vực khác nhau. Cho những bạn bè ở TP. HCM, tôi bây giờ đi cà phê lúc nào cũng được!
Nhìn vào thông báo của Phan Nhật Minh, chúng ta khó mà biết được lý do chính xác anh rời ‘đứa con tinh thần" mà mình ‘nuôi dưỡng’ trong thời gian dài; nhưng theo suy đoán của giới startup, nguyên nhân có thể bởi mâu thuẫn nội bộ.
3 co-founder Rever trong ngày ký kết nhận tiền đầu tử từ VinaCapital Ventures.
Rever có 3 co-fouder gồm Phan Lê Mạnh đảm nhiệm vị trí CEO, Võ Thắng lợi là CTO và Phan Nhật Minh làm CFO. Phan Lê Mạnh và Võ Thắng Lợi là những đồng đội lâu năm, khi cả hai từng cùng làm việc cho Zalo (thuộc VNG). Năm 2016, ‘cặp đôi’ này mới tách ra làm riêng với Rever và Phan Nhật Minh gia nhập team Rever từ đó. Với tài ăn nói và khả năng tiếng Anh tốt, Phan Nhật Minh còn là gương mặt đại diện không chính thức của Rever.
Theo profile trên internet, Phan Nhật Minh từng du học tại Pháp và Anh, trước khi gia nhập Rever, anh từng làm việc trong những định chế đầu tư – tài chính và startup nổi tiếng như BCG, EY, Total Enegy Ventures, Grab.
Nhờ sự góp sức của Phan Nhật Minh, Rever ngoài nhận được tiền đầu tư từ những nhà ‘đầu tư thiên thần’ như ông ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập và chủ tịch VNG hay ông Phan Minh Tâm – nhà sáng lập và chủ tịch Tập đoàn 24h trong giai đoạn đầu; họ còn nhận khoảng 6,3 triệu USD đầu tư từ các quỹ nước ngoài trong năm ngoái. Cụ thể: Rever đã nhận được 2 khoản bao gồm 2,3 triệu USD từ Quỹ liên doanh quốc tế GEC-KIP và 4 triệu USD từ VinaCapital Ventures.
Ai sẽ là ‘nạn nhân’ tiếp theo của ‘cối xay thịt founder' ở thị trường khởi nghiệp Việt?
Hay tin Phan Nhật Minh rời đi, người ta có thể cảm thấy tiếc cho Rever, nhưng lẽ dĩ nhiên không bất ngờ. Kể từ năm 2019 đến nay, việc các đồng sáng lập phải rời vị trí CEO hay thậm chí còn phải ‘từ bỏ’ cả doanh nghiệp mà mình khổ công gầy dựng không hiếm. Bởi, một khi startup nhận được tiền từ nhà đầu tư, các founder không còn tự mình có thể quyết định ‘vận mệnh’ của bản thân.
Năm ngoái, khi chúng tôi đi phỏng vấn Lương Duy Hoài – CEO Giao Hàng Nhanh, anh từng chia sẻ: ở Giao Hàng Nhanh nói chung và Seedcom nói riêng, nếu các lãnh đạo cao cấp như CEO không phát triển nhanh bằng doanh nghiệp, thì phải đứng qua một bên để dành chỗ cho người khác thích hợp hơn, ngay cả khi là founder. Bản thân Lương Duy Hoài là minh chứng rõ ràng nhất, khi anh đã nhiều lần lên xuống vị trí CEO. Tuy nhiên, việc bị điều chuyển liên tục qua lại giữa các vị trí lãnh đạo ở doanh nghiệp mà mình một tay gầy dựng không phải là cảm giác mà nhiều người chịu được.
Hai nguyên nhân nói trên khiến Seedcom trở thành một ‘cối xay thịt’ cho các founder startup, khi nhiều nhà sáng lập các doanh nghiệp thành viên của họ đã rời bỏ hẳn doanh nghiệp hoặc không còn trực tiếp điều hành doanh nghiệp. Năm 2019, Nguyễn Hải Ninh – founder Coffee House rời bỏ chức vụ CEO để giữ vị trí Phó Chủ tịch, năm nay anh tham gia vào HĐQT của Pasteur Street Brewing – một công ty sản xuất bia thủ công tại TP. HCM.
Cũng trong năm 2019, Nguyễn Trần Thi – co-founder Giao Hàng Nhanh cũng rời doanh nghiệp này để đầu quân cho Vingroup, khi trở thành Giám đốc mảng logistic của One Mount Group. Năm 2020, founder duy nhất còn lại trong 3 founder của Juno cũng phải ‘lên đường’ là co-founder kiêm CEO Nguyễn Quốc Tuấn rời Juno để đến Hoàng Phúc International làm CEO.
Sự rời đi của ông Trần Thanh Hải khỏi be Group là một cú sốc nhẹ với giới khởi nghiệp Việt Nam năm 2019.
Câu chuyện ở Seedcom không cá biệt. Năm 2019, chúng ta có thể kể thêm sự rời đi của ông Trần Thanh Hải – founder kiêm CEO và linh hồn của công ty gọi xe công nghệ be Group. Trong năm 2020, còn có thêm Hoàng Anh Tuấn – co-founder kiêm CEO Soya Garden và Nguyễn Hoàng Hải – co-founder kiêm CEO của Cavani không còn tại vị. Đó là chưa kể sự phá sản của WeFit, Lefair, Món Huế, hay đóng cửa của Waves.
Cùng việc Egroup của Shark Thủy đã mua gần hết cổ phần của Soya Garden, Hoàng Anh Tuấn không những phải rời khỏi chiếc ghế CEO của chuỗi này mà dường như còn mất luôn cả ‘đứa con’ của mình. Hay Nguyễn Hoàng Hải – từng lọt vào danh sách Forbes 30 châu Á 2017, dù không rời khỏi startup mà chỉ chuyển từ vị trí CEO sang CIO, nhưng Cavani cũng phải tiến hành truyền thông đại chúng vì sợ bản thân bị ảnh hưởng xấu bởi sự điều chuyển này.
Trong vài năm gần đây, sự khốc liệt của thị trường khởi nghiệp của Việt Nam cũng đang ngày càng tỷ lệ với số vốn đầu tư đổ vào. Chẳng có lãnh đạo nào tuyệt đối an toàn tại các startup – đặc biệt trong thời điểm Covid-19 đầy khó khăn như hiện tại, ngay cả các founder. Dù có là "cha mẹ đẻ" của startup đi nữa, thì họ luôn có nguy cơ, không chỉ bị "mất ghế" CEO mà có khi phải từ biệt cả doanh nghiệp mình gầy dựng – theo cách chủ động hoặc bị động. Chỉ là, ai sẽ là ‘nạn nhân’ tiếp theo sau Phan Nhật Minh thì khó mà biết được.