Friday, Dec 20, 11:12 AM

Vatgia.com, Baokim.vn, Nhanh.vn của VNP làm ăn thế nào?

CTCP VNP Group (VNP) và các thành viên trong hệ sinh thái (Vatgia.com, Baokim.vn, Nhanh.vn) từng báo lãi lớn trước khi chuyển lỗ trong vài năm gần đây.

Vatgia.com, Baokim.vn, Nhanh.vn của VNP làm ăn thế nào?
Vatgia.com, Baokim.vn, Nhanh.vn của VNP làm ăn thế nào?

CTCP VNP Group (VNP) tiền thân là CTCP Vật giá Việt Nam, được thành lập vào ngày 21/8/2006 bởi nhà sáng lập CEO Nguyễn Ngọc Điệp (SN 1978) với hoạt động chính trong lĩnh vực thương mại điện tử và truyền thông Internet.

Cập nhật đến tháng 9/2019, VNP có vốn điều lệ đạt 10,9 tỉ đồng, trong đó các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 46,7% vốn điều lệ, gồm: Voyage Group Inc (0,61%), Idgvv24 Company Limited (19,99%), CyberAgent Capital (3,078%), Recruit Global Incubation Partners (3%) và Mitsui & Co., Ltd (20,08%). Phần còn lại vẫn được sở hữu bởi các nhà đầu tư trong nước song danh sách chi tiết không được công bố.

Vatgia.com, Baokim.vn, Nhanh.vn của VNP làm ăn thế nào? - Ảnh 1.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, VNP chỉ báo lãi duy nhất một lần vào năm 2016, với doanh thu thuần đạt 48,7 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt 22,5 tỉ đồng. Song, công ty này lại báo lãi thuần ở mức 55,7 tỉ đồng. Nhiều khả năng VNP còn ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường khác trong năm.

Các năm sau đó, VNP càng làm càng lỗ dù doanh thu vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Như năm 2017, VNP ghi nhận lỗ thuần ở mức 7,39 tỉ đồng, sang năm 2018 là 24,25 tỉ đồng. Năm 2019, khoản lỗ thuần của VNP tăng lên 32,7 tỉ đồng, cao gấp 4,4 lần so với năm 2017.

Không có lãi trong nhiều năm, quy mô tài sản và nguồn vốn của VNP cũng giảm sút nghiêm trọng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của VNP đạt 89,67 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 64,1 tỉ đồng, giảm lần lượt 28% và 33% so với thời điểm đầu năm.

Hệ sinh thái VNP

Hệ sinh thái của VNP hiện bao gồm 3 dự án thương mại điện tử chính là Vatgia.com, Baokim.vn và Nhanh.vn.

Trong đó, Vatgia.com là dự án thương mại điện tử đầu tay của VNP, chính thức được ra mắt vào ngày 15/7/2007. Trang web này từng là sàn mua sắm trực tuyến kết nối hàng triệu người mua, bán mỗi ngày.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của hàng loạt website mua sắm trực tuyến như tiki, lazada, shopee, sendo nhiều khả năng là nguyên nhân chính dẫn đến Vatgia.com không còn được nhắc đến nhiều. Trong năm 2019, Vatgia.com đã ngừng cung cấp hàng loạt dịch vụ và tính năng như hỗ trợ thanh toán và vận chuyển, tính năng Vpoint, tính năng đăng sản phẩm từ Excel, …

Về Baokim.vn, đây là một cổng thanh toán trực tuyến với mô hình ví điện tử được quản lý và vận hành bởi CTCP Thương mại Điện tử Bảo Kim (Bảo Kim) – thành lập vào tháng 2/2010.

Tháng 2/2016, Bảo Kim được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số 26/GP-NHNN.

Cập nhật đến tháng 9/2017, Bảo Kim có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, trong đó VNP nắm giữ 73% vốn điều lệ. Cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu phần vốn còn lại không được công bố. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trung Đức (SN 1986).

Hiện nay, Bảo Kim đang cung cấp hàng loạt dịch vụ thanh toán như QRPay, ATM nội địa, Internet Banking, liên kết ví, nạp tiền điện thoại, mua thẻ game, thanh toán tiền điện, nước, …

Vatgia.com, Baokim.vn, Nhanh.vn của VNP làm ăn thế nào? - Ảnh 2.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Bảo Kim có sự biến động mạnh. Cụ thể, năm 2016 và 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 12,1 tỉ đồng và 20,2 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 3 tỉ đồng và 9,16 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 24% và 45%.

Tuy nhiên 2 năm sau đó, Bảo Kim bất ngờ báo lỗ với khoản lỗ thuần năm 2018 lên đến 16,76 tỉ đồng. Năm 2019, Bảo Kim ghi nhận doanh thu thuần đạt 10,83 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 2,9 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Bảo Kim đạt 71,36 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 26,64 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 45% và âm 9,8% so với thời điểm đầu năm.

Nhanh.vn chính thức được thành lập vào tháng 7/2019 với vốn điều lệ ban đầu 2 tỉ đồng, trong đó VNP góp 1,5 tỉ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 75% vốn. Phần còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Chử Khánh Văn (12,5%) và ông Nguyễn Quỳnh Dương (12,5%).

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quỳnh Dương (SN 1978). Ông Dương còn là người đại diện của Công ty TNHH Logistic 24H, song pháp nhân này đã giải thể và ngừng hoạt động.

Nhanh.vn cung cấp phần mềm quản lý bán hàng đa kênh, từ việc quản lý bán hàng, vận hành kho, quản trị tài khoản đến thiết lập báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực trong kinh doanh.

Hiện nay, Nhanh.vn đang cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ như POS (phần mềm quản lý bán hàng), Vpage (quản lý bán hàng trên Facebook), thiết kế website, cổng vận chuyển, … cho hơn 80.000 doanh nghiệp và chủ shop.

Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2019, Nhanh.vn ghi nhận doanh thu thuần đạt 51,2 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 3 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Nhanh.vn đạt 28,9 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức âm 1 tỉ đồng.

Ngoài 3 dự án Vatgia.vn, Baokim.vn và Nhanh.vn, VNP từng triển khai hàng loạt dự án khác trong lĩnh vực thương mại điện tử và truyền thông Internet như Cucre.vn, Mytour.vn (đã bán cho Traveloka vào năm 2018), vChat./.

theo-3665ng-ti3665n
Theo Viettimes https://cafef.vn/vatgiacom-baokimvn-nhanhvn-cua-vnp-lam-an-the-nao-20201225111102529.chn Copylink