Vì sao dùng cả tấn vàng để dát khách sạn nhưng đại gia Đường bia lại không hề thích vàng?
Ông Đường cho biết bản thân ông không thích vàng, nhưng trong kinh doanh, tôi biết dùng vàng để thỏa mãn suy nghĩ của người khác.
Đại gia dát vàng khách sạn nhưng không thích vàng
Nhắc tới ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình phần lớn mọi người đều biết đến ông với biệt danh "Đường bia". Ông Đường nổi tiếng trong ngành kinh doanh bia tại miền Bắc những năm 1980-1990 và đây cũng là lĩnh vực khiến ông trở nên giàu có.
Sau này khi Hòa Bình có thêm mảng kinh doanh bất động sản, vị đại gia này lại được biết đến với những dự án dát vàng "từ trong ra ngoài" ở nhiều tỉnh thành. Các dự án dát vàng của ông Đường bao gồm Wyndham Hanoi Golden Lake, Danang Golden Bay... hay chung cư Hòa Bình Green City tại Hà Nội.
Thế nhưng một điều khá thú vị là chủ tịch tập đoàn Hòa Bình lại cho biết mình không hề thích vàng. Trong bài trả lời phỏng vấn Zing cách đây không lâu, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết:
"Bản thân thôi không thích vàng, nhưng trong kinh doanh, tôi biết dùng vàng để thỏa mãn suy nghĩ của người khác. Vàng thể hiện sự giàu có và quyền lực. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người muốn được tận hưởng sự quyền quý, giàu sang.
Các dự án của tôi dùng vàng, đặc biệt là dát vàng ở nhiều chi tiết để thỏa mãn khách hàng, thỏa mãn khách du lịch. Có nghĩa là tôi tạo ra một lý do để người ta đến với khách sạn của tôi, đó là vàng.
Tôi dùng 1 tấn vàng để mạ cho khách sạn ở Giảng Võ, Hà Nội. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 22 tấn vàng mà một khách sạn khác ở Dubai (UAE) đã dùng."
Cách dùng vàng để thỏa mãn khách hàng phần nào phản ánh triết lý của ông Đường Bia trong kinh doanh. Theo ông Đường, làm kinh doanh là phải mở ra những con đường riêng để hướng người khác đi theo mình. Làm kinh doanh mà đi theo người khác thì rất khó thành công.
Để chuẩn bị cho điều khác biệt này, ông Đường đã cho tập đoàn nghiên cứu công nghệ mạ vàng từ khá lâu. Xưởng của vị đại gia này có rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ Bỉ, Pháp, Đức, Áo… làm việc. Ông cũng mạnh tay chi trả mức lương của những chuyên gia này vào khoảng 10.000-15.000 USD mỗi tháng.
"Chúng tôi có thể phủ vàng, mạ vàng lên hầu hết mọi thiết bị, dù là thiết bị rẻ tiền. Khi đó sẽ nâng cao giá trị, thẩm mỹ cho chính thiết bị đó.
Do đó, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng, nó có thể giúp nâng cao giá trị của rất nhiều loại hàng hóa, trang thiết bị. Việc áp dụng công nghệ để thu được lợi nhuận cao, lợi ích cao là điều mà tôi luôn tìm kiếm", chủ tịch Hòa Bình chia sẻ thêm.
Thế nhưng ông cũng nhấn mạnh thêm ở nhà mình chưa bao giờ có vàng trong nhà. Nhà ông chỉ đơn giản có giường, có đệm, đầy đủ tiện nghi, có bể bơi, có phòng tập thể thao…
"Tôi nhắc lại là mình chỉ dùng dát vàng để tạo ra sự đặc biệt trong sản phẩm dịch vụ mà thôi. Khách hàng đến với khách sạn của tôi đều thích chụp ảnh vì khung cảnh lạ mắt. Họ được ăn bát phở mà cái thìa, cái đũa, cái bát được dát vàng, uống cốc cà phê dát vàng... đấy là những trải nghiệm thú vị mà người ta thích", vị đại gia này nhấn mạnh.
Câu chuyện của Apple
Triết lý kinh doanh muốn thành công phải tạo ra điều đặc biệt cũng được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới hướng tới, điển hình nhất có lẽ phải kể đến Apple.
Năm 1985, Steve Jobs thất bại lớn về mặt marketing với sản phẩm máy tính đầu tiên của Apple mang tên Lisa. Ông từ chức khỏi Apple và thành lập công ty sản xuất máy tính cá nhân NeXT đồng thời sở hữu công ty điện ảnh Pixar. Tại Pixar, Jobs bắt đầu hiểu tầm quan trọng trong marketing: Một câu chuyện.
Bằng cách nói chuyện với các nhân viên sáng tạo của Pixar, Jobs đã biết được rằng điều ông còn thiếu ở Lisa là kể một câu chuyện cho người tiêu dùng. Jobs đã quá tập trung vào bản thân sản phẩm và các chi tiết xung quanh nó, và ông đã nhầm tưởng rằng ông có thể thuyết phục người tiêu dùng mua Lisa nếu họ biết mọi thứ về máy tính.
Tuy nhiên, những gì người tiêu dùng muốn là một câu chuyện hay. Người tiêu dùng muốn cảm thấy rằng họ phải có sản phẩm và nhờ sản phẩm mà cuộc sống của họ bằng cách nào đó sẽ tốt hơn. Họ không muốn biết tất cả các chi tiết, cũng như không muốn nghe các thuật ngữ kỹ thuật về sản phẩm. Họ không muốn phải gặp rắc rối khi tìm hiểu cái gì đang được bán. Họ muốn một câu chuyện nhanh chóng, đơn giản và hấp dẫn.
Jobs đã chấp nhận suy nghĩ này và ông đã rút ra những bài học kinh nghiệm.
Năm 1987, Apple mua lại NeXT với giá 429 triệu USD. Steve Jobs bất ngờ trở lại với công ty cũ mà ông đã tạo ra.
Vài tháng sau trong cùng năm ấy, Jobs thuyết phục hội đồng quản trị của Apple bổ nhiệm ông làm CEO tạm thời. Sau đó, ông đã khởi động một chiến dịch sản phẩm mới: iMac.
Jobs biết rằng iMac có thể thành công và có giá trị đối với khách hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm cho người tiêu dùng biết điều đó.
Để cho người tiêu dùng thấy iMac có giá trị như thế nào, Jobs đã thay đổi toàn bộ hệ thống marketing của Apple.
Donald Miller, tác giả cuốn sách Building a StoryBrand từng phân tích:
"Khi Jobs trở lại công ty sau khi điều hành Pixar, Apple đã chuyển hướng lấy khách hàng làm trung tâm, giao tiếp hấp dẫn và rõ ràng. Chiến dịch đầu tiên mà anh ấy phát hành tiến hóa từ chín trang trên New York Times thành chỉ hai từ trên các bảng quảng cáo trên khắp nước Mỹ: Think Different (Nghĩ Khác)."
Miller viết tiếp:
"Khi Apple bắt đầu lọc thông tin giao tiếp, biến nó trở nên đơn giản và phù hợp, họ đã thực sự đã ngừng làm rõ đặc tính của máy tính trong hầu hết các quảng cáo của mình. Thay vào đó, họ hiểu người tiêu dùng của họ đều là những anh hùng còn sống, đang thở và họ khai thác những câu chuyện của mình. Họ đã làm điều này bằng cách (1) xác định khách hàng của họ muốn gì (được để ý và được lắng nghe), (2) xác định thách thức của khách hàng (rằng mọi người không nhận ra thiên tài tiềm ẩn của mình) và (3) cung cấp cho khách hàng một công cụ mà họ có thể dùng để thể hiện bản thân (máy tính và điện thoại thông minh). "
Trong quảng cáo iMac, tất cả đã thay đổi. Jobs bắt đầu chú trọng đến người tiêu dùng, và ông bắt đầu định hình câu chuyện cho những khách hàng đó.
Từ câu chuyện iMac của Apple và dùng vàng để lát khách sạn của đại gia Đường Bia có thể rút ra những câu chung như sau:
1. Người tiêu dùng muốn gì? Hành động khác biệt, suy nghĩ khác biệt và trở nên khác biệt.
2. Những thách thức nào mà người tiêu dùng phải đối mặt trong việc đạt được mục tiêu của họ? Họ không có gì để chứng tỏ rằng họ khác biệt.
3. Chúng ta có thể cung cấp những gì? Một chiếc iMac, check in ở một khách sạn dát vàng sẽ thực sự chứng minh người tiêu dùng khác biệt.