Viettel Global triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên ở các thị trường nước ngoài
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu, Viettel Global đang tiến hành tiêm chủng cho người lao động (bao gồm cả người Việt Nam và người bản địa) tại các thị trường nước ngoài nhằm chung tay thúc đẩy nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Dù đã dịu đi ở Mỹ và châu Âu nhưng đại dịch Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh ở phần lớn các quốc gia trên toàn cầu. Các chuyên gia liên tục cảnh báo Covid-19 sẽ tạo ra những tác động bất cân xứng do sự chênh lệch về khả năng tiếp cận vắc xin Covid-19 giữa nước giàu và nước nghèo.
Ở thời điểm hiện tại, vắc xin chống Covid-19 được mô tả là chìa khóa để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng gọi tiêm phòng là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Tổ chức này khuyến cáo các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Bên cạnh đó, WHO cũng đã phê duyệt nhiều loại vắc xin chống Covid-19 được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp - một quy trình được rút gọn để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tính đến đầu tháng 6, 2 tỷ liều vắc xin đã được tiêm nhưng chỉ 0,3% trong số đó dành cho người dân ở 29 nước nghèo nhất thế giới.
Trước tình trạng khan hiếm vắc xin trầm trọng, các quốc gia chủ yếu phải dựa vào chính mình trong việc tìm kiếm nguồn cung. Đây cũng là lúc để các doanh nghiệp tham gia vào nỗ lực này bởi tiêm phòng cho người lao động không chỉ thể hiện trách nhiệm với xã hội mà còn bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.
Hiểu rõ tầm quan trọng của vắc xin, Viettel đã triển khai tiêm phòng cho người lao động tại các thị trường nước ngoài mà Tập đoàn này đang đầu tư. Không chỉ đóng góp cho nỗ lực chống dịch của nước sở tại, đây còn là dấu ấn của doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến toàn cầu nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Tại các thị trường nước ngoài, Viettel Global (công ty con của Tập đoàn Viettel) tổ chức tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động từ tháng 4/2021. Việc tiêm phòng được thực hiện theo đúng các quy định về an toàn tiêm chủng, bao gồm việc khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm và tổ chức tiêm, theo dõi tình hình sức khỏe sau khi tiêm theo thời gian quy định.
Đến nay, 84% người lao động ở Metfone (Viettel Campuchia), gồm cả người Việt và người Campuchia, đã được tiêm xong mũi thứ 2. Tại Unitel (Viettel Lào), 100% người Việt được tiêm mũi 1 và 50% người Lào được tiêm mũi 2. Tại Myanmar, 100% người Việt được tiêm mũi 2. Tại Timor, 100% người Việt và 85% người sở tại tiêm xong mũi 1… Sau tiêm phòng, tất cả nhân viên của Viettel đều có sức khỏe tốt.
Trong thời gian tới, các thị trường còn lại sẽ tiếp tục được Viettel Global tổ chức tiêm phòng Covid-19 khi quốc gia đó có vắc xin. Tại Việt Nam, Viettel sẽ đề xuất để được ưu tiên tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho những người lao động được cử đi công tác nước ngoài.
Bên cạnh việc thúc đẩy tiêm vắc xin chống Covid-19, Viettel Global cũng đưa ra nhiều biện pháp để chung tay chống dịch với các cộng đồng sở tại. Khi đại dịch mới bùng lên trong tháng 4 năm ngoái, Viettel đã triển khai hệ thống nhắn tin tự động tới hơn 100 triệu khách hàng tại Lào, Campuchia, Đông Timor, Myanmar, Haiti, Peru và Burundi để truyền thông và cảnh báo dịch bệnh. Những công nghệ phát huy hiệu quả trong chống dịch ở Việt Nam cũng được Viettel chủ động đề xuất để áp dụng ở những quốc gia khác.
Ngoài ra, Viettel cũng miễn phí dịch vụ viễn thông nhằm tạo mọi điều kiện cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại nhiều thị trường đang kinh doanh, khai thác. Tại Lào, Viettel đang hỗ trợ Chính phủ nước sở tại triển khai hệ thống khai báo y tế và theo dõi tiêm chủng….