Friday, Nov 20, 11:11 AM

Doanh nghiệp linh hoạt ứng phó khi “hụt bước” tại thị trường EU

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi những kế hoạch kinh doanh với nhiều doanh nghiệp, ngành hàng tại thị trường EU, buộc họ phải sắp xếp lại để phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Doanh nghiệp linh hoạt ứng phó khi “hụt bước” tại thị trường EU
Doanh nghiệp linh hoạt ứng phó khi “hụt bước” tại thị trường EU

Kịp thời chuyển hướng

Thị trường EU được đánh giá là trọng điểm, tiềm năng với nhiều doanh nghiệp trong các ngành gỗ, thủy sản, da giày của Việt Nam. Thời điểm trước khi dịch bùng phát trên toàn cầu thì nhiều doanh nghiệp Việt rất kỳ vọng sẽ mở rộng thị phần tại EU mạnh mẽ trong năm 2020 nhờ hiệu ứng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, sự xuất hiện của Covid-19 cùng việc EVFTA thực thi chậm hơn so với dự kiến ban đầu đã làm đảo lộn mọi dự báo cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp.

2935-nha-may-gy-viyt-tin-ynh-hawa
Bù đắp vào sự sụt giảm doanh thu tại EU, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng qua các thị trường khác

Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển SX - TM Sài Gòn (SADACO) - chia sẻ: trước năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ mỗi năm của SADACO đạt trên 60 triệu USD và EU chiếm tỷ lệ 30% trong số này. Công ty đã đặt mục tiêu sẽ nâng cao kim ngạch tại EU trong năm nay song dịch bệnh làm thay đổi mọi kế hoạch, và từ đây đến cuối năm chưa biết thị trường có thể phục hồi hay không. “Chúng tôi đã buộc phải chuyển hướng chiến lược mở rộng thị trường sang các nước khác như Úc, New Zealand, Nhật Bản - những nước kiểm soát dịch bệnh tốt trong thời gian qua nhằm bù đắp vào sự sụt giảm ở EU”, ông Mạnh cho biết.

Theo chia sẻ của ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group, mặc dù hiện tại Phúc Sinh vẫn đều đặn xuất khẩu 50 container cà phê/tháng đi các nước EU nhưng nếu so với năm 2019 thì con số này chỉ bằng 50%. “Hiện tại EU đang tiếp tục phong tỏa ở một số nước nên kế hoạch thâm nhập mở rộng là không khả thi. Để xoay chuyển tình thế, chúng tôi đã tăng bán hàng online, ra mắt app trên nền tảng di động để đáp ứng nhu cầu mua sắm qua thương mại điện tử cho khách hàng. Rất mừng là doanh số từ bán hàng online của Phúc Sinh đã tăng mạnh và chúng tôi hi vọng trong năm sau doanh số từ kênh này sẽ chiếm khoảng 60% trong tổng doanh thu của tập đoàn”, ông Thông cho hay.

Doanh nghiệp da giày cũng nằm trong nhóm ngành “hụt bước” vì dịch bệnh khi tiếp cận thị trường EU. Theo đó, thời điểm trước khi EVFTA được thông qua, rất nhiều doanh nghiệp lớn của ngành này trên khắp cả nước đã mạnh tay đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và xây dựng quy chuẩn phù hợp để có thể “thẳng tiến” vào EU ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong năm nay, ngay lúc EVFTA bắt đầu đi vào thực thi đã khiến nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế từ hiệp định này. Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh - thừa nhận, những tác động mà dịch bệnh mang lại là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, con người để có thể mở rộng hơn nữa hoạt động xuất khẩu vào EU buộc lòng phải dừng lại chờ dịch bệnh được kiểm soát.

Trước đó, vào năm 2016 khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp trong ngành da giày đã kỳ vọng rất nhiều rằng có thể thông qua CPTPP để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ. Tuy vậy kế hoạch mở rộng thị trường này coi như tạm gác lại bởi sau đó Hoa Kỳ đột ngột rút khỏi hiệp định CPTPP.

Với các ngành hàng khác như rau quả, thủy sản… dù không bị tác động nặng nề như da giày, gỗ song đến việc tiếp cận EU cũng ảnh hưởng ít nhiều. Ứng phó với khó khăn này, các doanh nghiệp đã phải mở rộng xúc tiến thương mại vào EU thông qua online hoặc qua sự “trợ giúp” của các cơ quan đại sứ, tham tán tại đây. Nhờ vậy, xuất khẩu thủy sản, cụ thể là sản phẩm tôm đã có những đột phá trong 3 tháng trở lại đây.

Tăng hỗ trợ doanh nghiệp qua nền tảng “số hóa”

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ngay từ khi dịch bùng phát Bộ Công Thương đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại qua hình thức online. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, đối tác tại thị trường EU và khắc phục hạn chế đi lại do Covid-19. Tới nay ước tính đã có hàng trăm hội thảo lớn nhỏ của Bộ Công Thương nói chung và các Sở Công Thương trên cả nước nói riêng được tổ chức, giúp không ít doanh nghiệp tiếp cận đối tác hiệu quả.

Đặc biệt, ngoài EU, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) còn liên tục tổ chức các hoạt động kết nối giao thương ở những thị trường khác như Trung Đông, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Singapore… để doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Cùng với đó, đầu tháng 12 tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2020) để hỗ trợ doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm duy trì kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường. Điểm đặc biệt của sự kiện này là được chuyển từ hình thức tổ chức trực tiếp sang trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn thông tin về Hiệp định EVFTA để doanh nghiệp hiểu được những lợi thế, thách thức khi tham gia sân chơi EVFTA. Từ đó có kế hoạch tiếp cận thị trường hiệu quả ngay từ bây giờ, chứ không phải đợi hết dịch mới tiếp cận.

mai-ca
Theo Công Thương https://congthuong.vn/doanh-nghiep-linh-hoat-ung-pho-khi-hut-buoc-tai-thi-truong-eu-147398.html Copylink