Monday, Mar 20, 09:03 AM

Ngành vận tải Việt Nam 'lột xác' thế nào sau 4 năm Grab xuất hiện?

Sau 4 năm hoạt động, ứng dụng gọi xe Grab đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành vận tải Việt Nam, mang công nghệ và nền kinh tế số đến gần hơn với cuộc sống của tất cả người dân.

Ngành vận tải Việt Nam 'lột xác' thế nào sau 4 năm Grab xuất hiện?
Ngành vận tải Việt Nam 'lột xác' thế nào sau 4 năm Grab xuất hiện?

"Lột xác" thị trường vận tải

Trong suốt thời gian qua, "đại chiến" giữa Grab và Vinasun được coi là cuộc chiến không khoan nhượng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Nhưng thực tế, ngay từ khi mới vào Việt Nam, Grab đã hợp tác với nhiều hãng taxi truyền thống, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả đôi bên. Chào sân thị trường mới với tên gọi GrabTaxi, Grab là mô hình cung ứng phần mềm cho các hãng taxi nhằm mở rộng đối tượng người dùng. Theo đó, các doanh nghiệp taxi vừa và nhỏ, không đủ tiềm lực phát triển phần mềm đã chọn phương pháp liên kết với Grab để tăng cơ hội kết nối với khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BlueTaxi KonTum cho biết khi nhận được lời mời hợp tác của Grab, ông đồng ý ngay vì nhận thức được công nghệ là nhu cầu, xu thế của người tiêu dùng, taxi truyền thống nếu không thay đổi, đuổi kịp cái mới thì sẽ trở nên lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Bên cạnh đó, Grab cũng là đơn vị có danh tiếng, uy tín, vị trí trên thị trường nên hoàn toàn có thể tin tưởng được. Theo ông Vũ, việc kết hợp với Grab triển khai GrabTaxi giúp BlueTaxi có thêm được một số lượng đáng kể, đặc biệt là đối tượng khách khó tính, khách yêu thích công nghệ. Doang thu của công ty từ đó cũng tăng lên, ít nhất từ 30 - 40% so với việc hoạt động theo mô hình taxi truyền thống đơn thuần.
"Xây dựng một ứng dụng riêng rất tốn kém, với những hãng taxi truyền thống có quy mô nhỏ lẻ như BlueTaxi không thể đủ tiềm lực để làm. Chưa kể có làm được cũng đến bao giờ người tiêu dùng mới biết tới thương hiệu của mình. Trong khi Grab đã quá nổi tiếng, nhiều người biết đến và sử dụng rồi, tại sao không tận dụng luôn lợi thế của họ để mang về thêm lợi nhuận cho mình? Đây là hợp tác win-win - đôi bên cùng có lợi" - ông Vũ hào hứng chia sẻ.
Không chỉ các hãng taxi nhỏ lẻ địa phương, sau 4 năm thí điểm, mô hình công nghệ kết nối vận tải này đã tạo dựng được mạng lưới và quan hệ chặt chẽ với các hợp tác xã. Hiện đã có khoảng 300 hợp tác xã trên cả nước đang hợp tác với Grab.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Vận tải Cơ giới Hợp Nhất cho biết đã hợp tác với Grab ngay từ khi ứng dụng này bắt đầu vào thị trường Việt Nam. Theo vị này, ban đầu, các Hợp tác xã có tâm lý coi các ứng dụng gọi xe như Grab là đối thủ vì lo ngại nhu cầu thuê xe nhỏ ( dưới 9 chỗ )sẽ tụt giảm. Nhưng, sau gần 5 năm hợp tác, quy mô Hợp tác xã nói riêng và Công ty nói chung đã được mở rộng.
"Việc hợp tác với các ứng dụng đặt xe như Grab, Be khiến chúng tôi thay đổi tư duy về cách kinh doanh vận tải kiểu cũ, tăng thêm thu nhập cho lái xe khi rãnh rỗi, xe nhàn rỗi. Bên cạnh đó, tận dụng việc quản lý chặt chẽ tài xế, phương tiện vận tải, chúng tôi đã phát triển riêng cho đơn vị chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm bao gồm hệ sinh thái khép kín như : Garage, lắp đặt thiết bị định vị, quản lý pháp lý phương tiện, dịch vụ chăm sóc xe... Về phía chúng tôi, có thể khẳng định hiệu quả kinh tế tăng trưởng so với thời gian trước. Về phía Grab, họ là công ty có yếu tố nước ngoài, việc hợp tác với chúng tôi sẽ giúp họ bỏ qua được nhiều khâu cần phải xử lý trong ngành vận tải, vì cơ bản họ là một công ty công nghệ chứ không phải một công ty vận tải" - vị này nói và khẳng định bức tranh ngành vận tải thật sự lột xác từ sau khi có sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe như Grab.
"Chưa lúc nào, ngành vận tải Việt Nam lại phát triển đa dạng và mạnh mẽ như bây giờ. Những sàn giao dịch vận tải hàng hoá xuất hiện, các công ty taxi đua nhau viết app đặt xe để phục vụ khách hàng như Vinasun app, Mailinh app, MDI... Chưa lúc nào mà chất lượng dịch vụ khách hàng lại tăng lên như lúc này ở các hãng taxi hay các công ty vận tải. Phong cách phục vụ của lái xe chuyên nghiệp hơn, xe được vệ sinh và bảo trì bảo dưỡng kỹ hơn, thơm tho sạch sẽ hơn trước lúc nhiều. Và đặc biệt, cạnh tranh về giá đã giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Họ được đi xe đẹp, sang giá rẻ, họ biết được giá trước khi quyết định di chuyển hay không . Họ có quyền lựa chọn nhiều hãng xe để từ đó chính họ sẽ chọn bên nào sẽ là người vận chuyển của họ, dần họ sẽ trở thành người tiêu dùng thông minh chỉ vài cú chạm trên màn hình điện thoại mà trước kia họ không bao giờ làm được" - đại diện Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Vận tải Cơ giới Hợp Nhất đánh giá. 

Mở màn cho nền kinh tế chia sẻ

"Chào sân" từ 2016, Grab, Uber là những cái tên mở màn cho sự thâm nhập của mô hình kinh tế chia sẻ, của cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam. Không chỉ giới hạn trong ngành vận tải, Grab với hệ sinh thái của mình đã và đang xây dựng siêu dịch vụ đa ứng dụng, đưa nền kinh tế chia sẻ với tới mọi mặt của đời sống người dân.
Sau 4 năm thí điểm, Grab đã trở thành nền tảng đặt xe số 1 tại Việt Nam khi chiếm lĩnh tới 73% thị phần (xét theo tổng số chuyến xe đã hoàn thành). Nền tảng giao nhận thức ăn GrabFood được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với số lượng giao hàng tăng trưởng gần 1.800% trong năm 2019. GrabExpress cũng là một trong những nền tảng giao nhận hàng hóa tăng trưởng
nhanh nhất Việt Nam, với mức tăng trưởng vượt bậc 97%. Và trong năm 2019, tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab đã tăng 131% số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng hơn 121%. Tính đến tháng 11.2019, có đến 43% giao dịch trên nền tảng Grab được thực hiện bằng hình thức không tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng này cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng trăm ngàn đối tác tham gia vào nền tảng kết nối công nghệ Grab. Bằng chứng là mức tăng trưởng thu nhập hàng tháng của đối tác có thu nhập bình quân cao hơn 51% so với thu nhập trung bình caa quốc gia..
Chuyên gia chiến lực Đỗ Hòa đánh giá Grab là 1 trong những doanh nghiệp điển hình cho mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Đây là mô hình tận dụng nguồn lực từ xã hội rất tốt. Không chỉ giúp DN tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí mà còn giúp nhiều đối tượng trong xã hội có cơ hội đóng góp sức lực, năng lực và kiếm thêm thu nhập. Đây là xu hướng của thế giới và cũng là động lực tăng trưởng kinh tế mới của mọi quốc gia
Tuy nhiên theo ông Hòa, thực tế vẫn có câu chuyện loay hoay của các cơ quan chức năng trong việc đưa ra các quy định quản lý các loại hình kinh doanh mới mà Grab là một ví dụ. 
“Đối với Grab, nếu không xác định đây chỉ là một phần trong chuỗi vận tải để định danh, quản lý thì Bộ GTVT sẽ loay hoay mãi không thể giải được bài toán quản lý dịch vụ vận tải thời công nghệ. Nói vậy để thấy khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế chia sẻ hiện nay là luật pháp chưa chịu thay đổi để thích nghi với cái mới. Kinh tế chia sẻ là chia nhỏ dịch vụ thành từng khâu, huy động mọi nguồn lực đóng góp thực hiện mỗi khâu nhỏ trong chuỗi giá trị. Do đó, tư duy quản lý cũng phải xẻ nhỏ, không thể gom lại thành một như tư duy quản lý mô hình cũ. Nếu không xẻ nhỏ quản lý, định nghĩa lại các khái niệm kinh doanh dựa vào sự đóng góp của từng đơn vị tham gia, sẽ không bao giờ có kinh tế chia sẻ tại VN”, ông Hòa nhấn mạnh.
 
h360-mai
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nganh-van-tai-viet-nam-lot-xac-the-nao-sau-4-nam-grab-xuat-hien-1192839.html Copylink