Sunday, May 23, 08:05 AM

Để ẩm thực hấp dẫn du khách

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Đề án xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022-2024, nhằm xây dựng những sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn riêng của Việt Nam để thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.

Để ẩm thực hấp dẫn du khách
Để ẩm thực hấp dẫn du khách
de-am-thuc-hap-dan-du-kh225ch_1.jpg
Du khách nước ngoài thưởng thức bánh mì Việt Nam.  

Nếu người Hàn Quốc luôn tự hào bởi kim chi, người Nhật Bản hãnh diện bởi sasimi thì phở chính là món ăn quốc dân khi nhắc đến Việt Nam. Google đã dành riêng ngày 12/12 để tôn vinh phở Việt. Trước đó, bánh mì cũng đã được Google Doodle tôn vinh vào năm 2020. Những năm qua, thông qua các kênh truyền thông uy tín của quốc tế, có nhiều món ăn Việt Nam đã được bạn bè thế giới yêu thích và công nhận. Đầu năm nay, Tạp chí Travel & Leisure đã xướng tên Việt Nam là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á.

Rõ ràng chúng ta đang sở hữu một nền ẩm thực đặc sắc nhưng vị thế trên đường đua du lịch quốc tế vẫn chậm hơn so với các nước trong khu vực. Mặc dù không thua kém gì các nước như Trung Quốc, Thái Lan... chúng ta có đa dạng các món ăn đường phố, nhưng nhưng đa phần thực khách ăn xong là đi, mà không để lại ấn tượng. Điều đó bắt nguồn từ cách phục vụ, cách giới thiệu ý nghĩa món ăn và văn hóa địa phương dường như vẫn chưa được chú trọng.

Các chương trình quảng bá ẩm thực tại địa phương còn nhỏ lẻ, phạm vi bó hẹp, chưa thật sự tạo được thương hiệu và hình ảnh cho khách du lịch. Nhiều tỉnh, thành dù có đặc sản rất hấp dẫn nhưng chưa thể tiếp cận được với lượng lớn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là trở ngại khiến nền ẩm thực Việt chưa thể đạt đến sự hoàn hảo.

Ngoài ra, việc quảng bá văn hóa ẩm thực của chúng ta hiện vẫn chưa được đề cao và thực hiện bài bản. Nhìn sang nước bạn như Hàn Quốc có thể thấy kim chi, kimbap, canh rong biển... được quảng bá trong các sản phẩm điện ảnh như một văn hóa của Hàn Quốc; há cảo là món ăn thường xuất hiện trong các phim của Trung Quốc; sushi và sashimi, trà đạo thường có trong các phim của Nhật Bản… Còn tại Việt Nam hiện nay, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình chưa thực sự đề cao văn hóa ẩm thực nước nhà, nên việc quảng bá các món ăn Việt qua màn ảnh vẫn chưa là một dây chuyền để giúp nhiều người nhận biết được đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Mặt khác, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều clip ẩm thực Việt được chia sẻ. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia ẩm thực ở Việt Nam vẫn cần có vai trò điều tiết của cơ quan nhà nước nhằm giúp văn hóa ẩm thực thực sự phát huy được giá trị, góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch.

Hiện Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Đề án xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022 - 2024. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho hay, mục đích của đề án là mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong ba lĩnh vực chính gồm: Khoa học dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực và văn hóa ẩm thực.

Trong giai đoạn 2022, đề án dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Đồng thời tham khảo đánh giá của cộng đồng qua các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội.

Giai đoạn 2023, đề án dự kiến thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Qua đó, chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cùng các chuyên gia của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), tạo tiền đề cho thế hệ trẻ và các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên bản đồ thế giới. Cùng với đó, tận dụng giá trị của đề án để xây dựng thực đơn Việt Nam theo từng vùng miền hoặc các chủ đề mang tính văn hóa truyền thống, phục vụ cho công tác ngoại giao, trao đổi văn hóa và quảng bá du lịch vùng miền Việt Nam.

Giai đoạn 2024, đề án sẽ triển khai chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ ẩm thực Việt Nam và thiết thực hơn là hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách tham quan nếu được sự quan tâm của các tỉnh thành và các nhà đầu tư trong tương lai.

Ông Trương Gia Bảo - Thành viên Ban tư vấn đề án, Chủ tịch DTS tin tưởng, giá trị và sức lan toả của đề án sẽ không chỉ dừng lại ở một app bản đồ ẩm thực Việt Nam trong giới hạn 1.000 món tới năm 2023, mà chắc chắn độ phủ sóng, tương tác, cùng tham gia xây dựng bản đồ ẩm thực này sẽ lan rộng và tạo hiệu ứng tích cực trong quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước, con người Việt Nam nói chung, bản sắc từng vùng, miền, dân tộc nói riêng; tạo động lực và thôi thúc sự trải nghiệm của mỗi con người muốn được chính mình khám phá, trải nghiệm, thưởng thức và chia sẻ.

NGỌC HÀ
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/de-am-thuc-hap-dan-du-khach-5718989.html Copylink