Wednesday, Jan 22, 08:01 AM

Du lịch, tín hiệu hồi sinh

Dù những khó khăn đang “bủa vây” bởi Covid-19, nhưng trong những ngày đầu năm 2022, du lịch Việt Nam đã cho thấy tín hiệu khả quan. Đây cũng là tiền đề mở ra những cơ hội cho “ngành công nghiệp không khói” với kỳ vọng một năm đầy khởi sắc.

Du lịch, tín hiệu hồi sinh
Du lịch, tín hiệu hồi sinh
du-lich-t237n-hieu-hoi-sinh_1.jpg
Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong dịp Tết dương lịch 2022.  Ảnh: Quang Vinh.

Những con số ấn tượng

Theo số liệu thống kế từ các tỉnh, thành phố trong những ngày đầu năm 2022 (từ 1/1 đến 3/1) số lượng khách du lịch nội địa đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách du lịch đến Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch ước đạt 60 nghìn lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Trong đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đón khoảng 10 nghìn lượt khách, Vườn Quốc gia Ba Vì đón khoảng 12 nghìn lượt khách… Ngoài ra, nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng đạt được những con số ấn tượng. Khách du lịch đến Phú Quốc đạt được gần 60 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 1.000 khách quốc tế đi theo hình thức “hộ chiếu vaccine”. Sa Pa đón gần 20 nghìn lượt khách, Khánh Hoà đón hơn 37 nghìn lượt khách. Quảng Bình đón khoảng 3.500 lượt khách…

Đặc biệt, mặc dù chỉ mới bước vào tuần đầu tiên của năm 2022 nhưng nhiều tín hiệu cho thấy du lịch nội địa khu vực phía Nam đã bùng nổ, nhu cầu tăng vọt sau thời gian dài không được di chuyển. Hình ảnh dòng người và xe dẫn vào TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hay bãi biển ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) là tín hiệu tích cực của năm 2022 này.

Cũng như những năm trước, nhu cầu du lịch của người dân phía Nam với trung tâm là TP Hồ Chí Minh luôn nóng dịp lễ Tết, cuối năm. Anh Nguyễn Văn Kiên (42 tuổi) sống tại quận 12 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, do tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng tới một số hoạt động nên gia đình anh quyết định đi du lịch tại Đồng Tháp dịp Tết dương lịch vừa qua. “Lúc đầu gia đình tính đi Phú Quốc nhưng thấy việc sử dụng máy bay khó khăn hơn di chuyển đường bộ nên quyết định đi Đồng Tháp. Ở miền Tây hiện có nhiều tour du lịch thú vị, đồ ăn sạch sẽ và rất ngon, sông nước hiền hòa và nhiều homestay có thiết kế thoải mái khiến chúng tôi rất hài lòng. Đặc biệt chi phí chỉ bằng một nửa so với đi Phú Quốc mà cũng không phải chen lấn đông đúc. Cả gia đình 5 người đi 2 ngày mà chỉ hết chưa tới 8 triệu đồng” - anh Kiên chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, du lịch nội địa qua lại giữa các tỉnh thành lân cận ở khu vực phía Nam bắt đầu nhộn nhịp vào ngày cuối tuần từ cuối năm 2021 nhưng dịp đầu năm mới 2022 mới thực sự bùng nổ. Nếu bình thường các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ... đông khách thì nay nhiều địa điểm du lịch khác cũng được du khách lựa chọn, tìm tới bởi xu hướng “không chọn nơi quá đông người” của người dân. Ngoài người dân TP Hồ Chí Minh đi du lịch, người dân các tỉnh thành khác tìm tới TP Hồ Chí Minh cũng rất đông đúc khi các chuyến bay nội địa được tăng cường đáng kể.

Đại diện công ty Saigontourist cho biết dù dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng trong 2 tuần gần đây, công ty đã phục vụ khoảng 8.000 khách sử dụng trọn gói dịch vụ. Trong đó các dịch vụ được khách chọn lựa nhiều nhất là tour đi Cần Giờ, Vũng Tàu, Long An... Đại diện công ty này cũng cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn bám sát tình hình dịch bệnh các tỉnh thành phố để kịp thời điều chỉnh, lên lịch và tư vấn cho khách hàng có nhu cầu. So với các tỉnh miền Trung, miền Bắc thì dịch ở phía Nam đã hạ nhiệt cũng kích thích nhiều nhu cầu du lịch của người dân. Lựa chọn tour ngắn ngày, trải nghiệm dịch vụ trọn gói là nhu cầu của nhiều khách hàng hiện nay.

du-lich-t237n-hieu-hoi-sinh_2.jpg
Du lịch trải nghiệm thu hút du khách.     Ảnh: Đoàn Xá

Các địa phương “vượt khó”, phục hồi du lịch

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, hiện dịch bệnh còn phức tạp, du lịch chưa biết khi nào mới có thể phục hồi bằng thời điểm trước dịch. Song nghị quyết của Chính phủ cùng hướng dẫn của Bộ VHTTDL đã nêu rõ cả 4 cấp độ dịch thì hoạt động du lịch dựa vào đó để tổ chức, có hạn chế mức độ và quy mô. Đây là một trong những định hướng cởi mở, tạo điều kiện cho địa phương, doanh nghiệp khôi phục kinh doanh.

Cũng theo ông Khánh, nhiều địa phương đã tái thiết hoạt động du lịch từ nội tỉnh, nội địa và một số nơi tham gia thí điểm đón khách quốc tế. Trong thời gian ngắn, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã có sự liên kết, xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, giá hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách, phù hợp bối cảnh mới. Trong đó, một số địa phương đã có sự chuyển biến tích cực về lượng khách nội địa như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Lào Cai… “Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm nay ngành du lịch cả nước sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế” - ông Khánh nói.

Còn bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay thành phố bước vào giai đoạn 3 của quá trình phục hồi du lịch. Ngành du lịch tiếp tục tập trung khôi phục các hoạt động và sản phẩm du lịch, kết nối liên vùng, từng bước đón khách quốc tế trở lại song song với đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, du lịch TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng các phương án cũng như quy trình hướng dẫn của ngành y tế với thế trận ứng phó linh hoạt với chủng mới Omicron, hướng đến du lịch an toàn, bền vững. Năm 2022, mục tiêu của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ là kiểm soát tốt dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, năng động, sáng tạo.

“Trước hết, các ngành, các cấp sẽ xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Tiếp đó, đẩy mạnh liên kết vùng, kích cầu du lịch trong nước; ứng dụng chuyển đổi số, tiến đến du lịch thông minh; lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Cuối cùng là đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch” - bà Hoa nói.

Năm 2022, ngành du lịch đang đứng trước nhiều thời cơ lẫn thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, không thể phủ nhận du lịch nội địa sẽ tiếp tục là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam. Tuy nhiên, để lộ trình đạt được hiệu quả toàn ngành phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế. 

 

du-lich-t237n-hieu-hoi-sinh_3.jpg

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

Người dân nên du lịch theo hình thức khép kín

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng ta vẫn có thể mở cửa phục hồi du lịch nhưng cần phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện đã quy định như việc đảm bảo an toàn trong di chuyển đối với từng loại hình vận tải hành khách; đảm bảo an toàn tại những cửa hàng dịch vụ ăn uống nơi có địa điểm du lịch… Đặc biệt khi đến với các địa điểm du lịch phải thực hiện tốt các biện pháp 5K. Có một thực tế dễ dàng nhận thấy, thời gian vừa qua xảy ra tình trạng không đảm bảo biện pháp 5K nơi đông người. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, người dân nên du lịch theo hình thức khép kín. Có nghĩa nên đi theo từng nhóm gia đình, hạn chế tụ tập đông người để hình thành nên đám đông trong lúc này, phải giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc với nhóm người lạ, bám theo khuyến cáo 5K. Đặc biệt thực hiện nghiêm việc khai báo y tế.

Đối với những địa phương có điểm du lịch, chính quyền sở tại phải thực hiện các biện pháp an toàn như tuyên truyền cho du khách về việc đảm bảo khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như những hướng dẫn về du lịch an toàn của Bộ VHTTDL…

 

du-lich-t237n-hieu-hoi-sinh_4.jpg

 

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB):

Điều kiện phát triển du lịch là đảm bảo miễn dịch cộng đồng

Một trong những điều kiện để phát triển du lịch trở lại là đảm bảo miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19. Trong đó yếu tố cần phải xem xét tiêm chủng cho cộng đồng địa phương đón khách du lịch là rất quan trọng. Việc phát triển du lịch nội địa vẫn phải thực hiện ở những điểm đến du lịch được lựa chọn như nơi không có bùng phát dịch bệnh; ở khoảng thời gian không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chỉ đạo các địa phương xây dựng quy trình kiểm soát và hướng dẫn tổ chức các hoạt động du lịch trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Công bố trực tuyến về phương thức kích cầu du lịch nội địa và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch dựa trên tiêu chí an toàn… Thực hiện các chiến dịch truyền thông có định hướng nhằm giáo dục nhận thức cho khách du lịch để họ có thêm sự tự tin và hứng thú khi đi du lịch. Xây dựng kịch bản xử lý khủng hoảng như trong trường hợp dịch bệnh bùng phát để xử lý kịp thời, tránh những xử lý cực đoan làm ảnh hưởng đến khách và doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó, Tổng Cục Du lịch cần xây dựng một hướng dẫn di chuyển an toàn trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn tồn tại và chưa tiêm đủ vaccine để đạt mức miễn dịch cộng đồng. Hướng dẫn này bao gồm việc đi lại kèm theo cách ly (nếu đi từ vùng “màu đỏ” đến “vùng xanh”) và không cách ly (“vùng xanh” qua “vùng xanh” khác). Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nói chung và ngành du lịch nói riêng với các thủ tục hành chính giảm thiểu để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.          

                                                                                                                                  Phạm Sỹ (ghi)

minh-qu37180n-37180o37180n-x37180
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/du-lich-tin-hieu-hoi-sinh-5677177.html Copylink