Sunday, Oct 24, 03:10 PM

Hà Nam “cất cánh” đưa du lịch phát triển xứng tầm

“Hà Nam đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng…” Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh.

Hà Nam “cất cánh” đưa du lịch phát triển xứng tầm
Hà Nam “cất cánh” đưa du lịch phát triển xứng tầm
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ tại hội nghị.

Các chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế thúc đẩy thu hút khách du lịch

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2024 được tổ chức mới đây, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, chuyên gia, cùng các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp quan trọng và mang tính thực tiễn cao nhằm thúc đẩy quá trình đầu tư và phát triển du lịch tại tỉnh Hà Nam. Từ đó, đưa ra các giải pháp góp phần cải thiện hạ tầng và dịch vụ du lịch, nhằm đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới.

Đoàn đại biểu thăm quan chùa Cây Thị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Bà Trần Nguyện – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, đánh giá tỉnh Hà Nam có nhiều thuận lợi để phát triển tiềm năng du lịch như vị trí địa lý thuận lợi, gần Hà Nội và các tỉnh thành phía bắc và Bắc Trung Bộ với dân số đông. Hà Nam còn là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực khi sở hữu hàng ngàn di tích lịch sử, nhiều thắng cảnh và làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Theo bà Trần Nguyện, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng tỉnh Hà Nam vẫn chưa khai thác được tối đa ưu điểm của mình. Bên cạnh thế mạnh, địa phương vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện để đẩy mạnh phát triển du lịch như du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái chưa tạo được nét độc đáo riêng, chưa có quy hoạch du lịch bài bản và sự kết nối giữa các điểm đến để tạo thành hệ sinh thái du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.

Bà Trần Nguyện – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World.

“Hiện giao thông nội tỉnh có bất lợi cho phát triển du lịch., Cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch chưa đồng đều, vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là các nhà hàng quy mô lớn để phục vụ các đoàn khách lớn nhỏ, các điểm vui chơi giải trí. Các làng nghề truyền thống mới chỉ tập trung sản xuất phục vụ thương mại chứ chưa quan tâm đầu tư dịch vụ và trải nghiệm cho du khách…” bà Nguyện cho biết.

Đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh xu hướng du lịch đi gần với thiên nhiên, du lịch văn hóa, tâm linh, phát triển bền vững, du lịch trải nghiệm, phù hợp với thị hiếu của du khách trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Công ty GBest chia sẻ, thời gian qua Hà Nam là điểm sáng trên bản đồ du lịch nước nhà, thu hút đông đảo khách du lịch ghé qua đặc biệt là khi có khu du lịch Tam Chúc

Tuy nhiên, Hà Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là về hạ tầng giao thông và du lịch. Cụ thể, tỉnh còn đang thiếu khách sạn, nhà hàng… cũng như các dịch vụ du lịch bổ trợ.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Công ty GBest.

Cũng trao đổi tại hội nghị, bà Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Công ty Asialand Travel Hà Nội cho rằng. hiện nay, phần lớn du khách đến Hà Nam chủ yếu là từ miền Bắc. Vì vậy, tỉnh cần áp dụng các chính sách mới nhằm  thu hút khách du lịch từ các khu vực khác, đồng thời mở rộng đối tượng trong và ngoài nước.

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch tại các vùng nông thôn của tỉnh, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Travel nhận định, Hà Nam có nhiều lợi thế trong du lịch nông nghiệp và sinh thái, đặc biệt tại khu vực trung du Bắc Bộ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty của ông vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do hạn chế về quy mô và tiềm lực tài chính.

Ngoài ra, ông Tài cho biết các chính sách về đất đai và pháp luật liên quan đến việc sử dụng đất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch hiện còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ như nông trại sinh thái hay điểm check -in. Ông hy vọng Hà Nam sẽ điều chỉnh quy định và chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia phát triển du lịch địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Travel Hà Nội.

Hà Nam “cất cánh” đưa du lịch phát triển xứng tầm

Trước những băn khoăn, đề xuất của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, đồng thời thông tin thêm về tiềm năng du lịch của tỉnh, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết vào tháng 10 này, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM, trong đó có một ga đường sắt tốc độ cao đặt tại địa bàn Thành phố Phủ Lý. Việc di chuyển từ Hà Nội về Hà Nam khi đó chỉ mất khoảng 12 – 15 phút, đây là một cơ hội rất lớn để phát triển du lịch cho Hà Nam.

“Trong thời gian tới, Hà Nam cũng định hướng phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nam, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn”. Ông Trương Quốc Huy nhấn mạnh.         

Giải đáp thắc mắc về du lịch Golf phát triển mới đây, ông Huy cho biết “ Theo quy hoạch, Hà Nam sẽ có 04 sân golf, hiện nay Stone Valley Golf Resort – sân golf Kim Bảng (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) và Khu phức hợp thể thao và du lịch Legend Valley Country Club (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) chính thức hoạt động phục vụ khách đã đưa sản phẩm du lịch thể thao Golf trở thành sản phẩm du lịch mới tại Hà Nam”.

Ngoài ra, Hà Nam cũng chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi các hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch sẽ được chú trọng thực hiện trong thời gian tới.

“Chúng tôi luôn mong đón nhận sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp vào tỉnh Hà Nam để cùng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, từ du lịch văn hóa, thể thao, tâm linh cho đến các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam – Ông Trương Quốc Huy kỳ vọng.

Bên cạnh đó. tại hội nghị, đại diện Sun World, Bà Trần Nguyện cũng kỳ vọng sẽ góp sức “đánh thức” tiềm năng, hứa hẹn tạo nên sức hút cho du lịch tỉnh. Vậy nên đơn vị đang triển khai một loạt dự án vui chơi giải trí ở Hà Nam như: Công viên Sun World- Sun World Hà Nam; Công viên Lễ hội; Công viên Thể thao; Công viên Sinh thái; Công Viên Văn hóa, dự kiện sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2025- 2026.

Với sự nỗi lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như sáng tạo các sản phẩm du lịch mới mẻ, Hà Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Tuy còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với tiềm năng sẵn có và sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển du lịch bền vững, Hà Nam hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn quốc tế, mở ra những cơ hội lớn cho ngành du lịch và kinh tế địa phương trong tương lai.

Diệu Linh
Theo nncs https://nghenghiepcuocsong.vn/ha-nam-cat-canh-dua-du-lich-phat-trien-xung-tam/ Copylink