Saturday, Sep 23, 07:09 AM

Làm mới sản phẩm du lịch

Bên cạnh các danh lam thắng cảnh, cơ sở hạ tầng… việc xây dựng các sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để các sản phẩm thực sự “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” vẫn đang là thách thức.

Làm mới sản phẩm du lịch
Làm mới sản phẩm du lịch
l224m-moi-san-pham-du-lich_1.jpg
Du khách trải nghiệm gói bánh chưng. Ảnh: Quang Vinh.

Tìm trải nghiệm cho du khách

Trong những năm trở lại đây, đặc biệt sau thời kỳ hậu Covid-19, du lịch Việt Nam đang có những sự thăng tiến cả về chỉ số tăng trưởng, lẫn tính chuyên nghiệp trong các khâu dịch vụ. Ở đó, từ cách làm tự thân vận động ngành Du lịch đã có những cái “bắt tay” với các điểm đến, loại hình văn hóa để xây dựng ra nhiều sản phẩm mới thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại Hà Nội, nhiều điểm đến đã làm mới mình bằng việc ra mắt hàng loạt chương trình gắn kết du lịch và văn hóa. Có thể kể đến tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hỏa Lò, tour du lịch văn học “chữ Tâm, chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, tour đêm “Thanh âm Đồng Cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia...

Không chỉ Hà Nội, trong thời gian qua nhiều địa phương trong thời gian qua cũng đã tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm tạo ra những điểm nhấn thu hút du khách. Thanh Hóa với hàng loạt sản phẩm mới tại một số di tích trọng điểm như đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh, khai thác tour du lịch “Di sản và làng cổ Đông Môn” tại Thành nhà Hồ. TPHCM với tour thăm quan tòa nhà HĐND và UBND thành phố; Ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần thành phố, di chuyển trên cao kết hợp tích hợp thêm thông tin, hình ảnh 3D, 2D của các Khu du lịch, di tích lịch sử, điểm du lịch…

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành còn liên kết để để tạo ra những trải nghiệm mới cho du khách như “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” với hành trình qua 5 di tích lịch sử cố đô của Việt Nam, bao gồm Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Hoa Lư (Ninh Bình), Đền Hùng (Phú Thọ) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với sản phẩm “Con đường di sản miền trung”. Nghệ An phối hợp với TPHCM và các tỉnh phía nam tổ chức chương trình du lịch về nguồn, xây dựng và khai thác chương trình du lịch một ngày ăn cơm ba nước (Việt Nam, Lào, Thái Lan)…

Nhìn nhận xu hướng phát triển này, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, thời gian qua, đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu du lịch của du khách, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo khách du lịch. Bởi muốn nâng tầm cho ngành Du lịch, nhất thiết phải có yếu tố mới. Thay vì giảm giá dịch vụ, giờ đây du khách quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch có chiều sâu, có tính cá biệt hóa cao với nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Sản phẩm du lịch mới có thể được xây dựng với điểm đến mới; hoặc điểm đến cũ nhưng gia tăng những trải nghiệm mới; hoặc tạo ra những phong cách du lịch mới.

l224m-moi-san-pham-du-lich_2.jpg
Hát xẩm ở khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Tạo điểm nhấn

Có thể nói, việc xây dựng các sản phẩm mới là xu thế tất yếu và là bệ phóng vững chắc cho việc phát triển của ngành Du lịch. Tuy nhiên, để các trải nghiệm mới này tạo được sức hút, có chiều sâu vẫn còn đó những thách thức cho nhiều điểm đến.

Đồng hành với nhiều dư án Du lịch trải nghiệm tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, trước đây nhiều điểm đến thường phục vụ khách kiểu một chiều, nghĩa là du khách tự đến và tìm hiểu di tích. Còn bây giờ, muốn thu hút khách phải kết hợp với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến. Tuy nhiên, dù đóng vai trò kết nối giữa khách du lịch và điểm đến nhưng rất ít doanh nghiệp lữ hành có thể hợp tác để xây dựng sản phẩm. Một phần do vấn đề khai thác bản quyền bởi sản phẩm du lịch mang tính “mềm”, khó định giá nên rất khó để kiểm soát. Hơn nữa, việc xây dựng một sản phẩm tại di tích đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức và kiên trì mới có thể hái “quả ngọt”. Vì thế, nhiều doanh nghiệp ngại xây dựng những sản phẩm ra tấm ra món. Chỉ có những doanh nghiệp thực sự tâm huyết mới phối hợp lâu dài với các di tích.

Cũng theo ông Thắng, mỗi điểm đến muốn tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách phải có những sản phẩm “đinh” mang tính đột phá. Những sản phẩm đó không chỉ phục vụ khách mà còn mang lại giá trị, uy tín cho điểm đến và đặc biệt là đẩy mạnh hiệu quả quảng bá cho di tích. Đây là giá trị vô hình ít doanh nghiệp nhìn thấy. Giá trị quảng bá cho điểm đến còn nhiều hơn nguồn thu từ sản phẩm cho dù sản phẩm ấy có nổi tiếng đến đâu. “Một sản phẩm thường có chu kỳ của nó, bao gồm: Đưa vào thị trường, phát triển, đỉnh cao, thoái trào. Khi đó cần có sự làm mới, đánh bóng để sản phẩm “sống”. Nếu đủ kiên trì thì sản phẩm sẽ phát triển bền vững” - ông Thắng bày tỏ.

l224m-moi-san-pham-du-lich_3.jpg

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, hiện nay tình trạng cung lớn hơn cầu khiến nhiều nhà kinh doanh lưu trú chỉ đang chú trọng lấp đầy các phòng trống bằng cách hạ giá đi kèm với hạ chất lượng sản phẩm, dịch vụ khiến uy tín của cơ sở lưu trú nói riêng và cả điểm đến nói chung bị ảnh hưởng. Công tác tuyên truyền, quảng bá, marketing cho sản phẩm và dịch vụ du lịch, cho doanh nghiệp du lịch cần phải gắn với marketing điểm đến. Hoạt động tuyên truyền, marketing du lịch cần khắc phục tình trạng nhiều cơ sở lưu trú du lịch chỉ tập trung giới thiệu về đơn vị mà chưa thật sự có trách nhiệm trong hoạt động quảng bá chung cho điểm đến.

Minh Quân
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/lam-moi-san-pham-du-lich-5727816.html Copylink